Báo động: Nông dân thêm nghèo đói, dù xuất khẩu nhất nhì thế giới

ANTĐ - Nông nghiệp đang bộn bề khó khăn, lúa sản xuất ra không tiêu thụ được, thủy sản, lợn gà nuôi trồng không thể bán vì giá thấp, nhu cầu ít. Nông dân không thể sống nhờ vào đồng ruộng và ngày một nghèo đi.

Tiết kiệm gia đình nông thôn rất thấp

Kết quả điều tra được thực hiện bởi Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) từ năm 2006-2012 cho thấy, thu nhập của người nông dân đang có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, đặc biệt ở vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong khi, Việt Nam được nhận định là một trong 10 nước chịu rủi ro lớn trên toàn cầu từ các loại hình thiên tai. Thiệt hại hàng năm do thiên tai chiếm đến 1,5% GDP cả nước, ảnh hưởng đến 9.000 người. Mùa màng, hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (IPSARD) cho hay, để ứng phó với thực trạng trên, các hộ nông dân đã phải cắt giảm chi tiêu, giảm nhu cầu an sinh xã hội. Trong khi đó, để vay vốn, đầu tư nông nghiệp, nông dân dường như rất khó tiếp cận các nguồn vốn chính thống từ các tổ chức tín dụng. Hầu hết là vay mượn người thân, bạn bè, vay lãi… Cũng bởi vậy đã làm giảm khả năng phục hồi, trả nợ của người dân.

Xuất khẩu gạo đứng vị trí số 1 thế giới, nhưng nông dân không sống được nhờ cây lúa


Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện nay rất thấp, chỉ vào khoảng 5-8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10-15% thu nhập của hộ. Lý do đơn giản là, hộ nông thôn còn nghèo. Phần lớn tiết kiệm (80%) được giữ dưới dạng vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro xảy ra về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư (chỉ chiếm 15% tổng số hộ điều tra).

Còn ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng, bức tranh nông thôn hiện nay đang diễn ra hết sức sôi động. Hiện, khu vực này đang có 9 nhóm bức xúc tồn tại.

Bức xúc vì tình hình giá cả đầu vào để đầu tư cho nông nghiệp khó khăn, nhưng sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra lại bán giá rẻ, thậm chí, không bán được sản phẩm. Nhưng, giá các mặt hàng tiêu dùng lại tăng; bức xúc về chính sách đất đai, việc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn như đất, nước, không khí….

“Qua các số liệu điều tra đã báo động về tình hình nông thôn hiện nay, rất cần những giải pháp cụ thể để tiếp sức cho người nông dân vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Duy Lượng nói.

Xuất khẩu nhất nhì thế giới nông dân vẫn khổ?

Bên cạnh đó, thu nhập của người nông dân lại đang giảm mạnh, nhất là những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Duy Lượng, mặc dù Đảng và Nhà nước đang chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhưng tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân cũng đang gặp khó.

Thu nhập của nông dân đang giảm vì trong công tác tổ chức sản xuất tại từng vùng, từng xã chưa cụ thể, thuyết phục... Như vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù lượng gạo xuất khẩu chiếm đến 90% cả nước, nhưng nông dân lại không sống nhờ được vào cây lúa.

Hiện, nông dân đang phải bán lúa Hè Thu với giá lỗ. Bên cạnh đó, sản xuất rau, củ quả rồi nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cũng gặp khó vì đầu ra khó khăn nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ, nông dân chưa nhận được sự hỗ trợ trực tiếp.

Một vấn đề khó khăn nổi lên hiện nay là vùng nông thôn là nông dân rất thiếu vốn để tầu tư, tái sản xuất nông nghiệp.

“Dù chính sách của Nhà nước có rồi, nhưng đến với nông dân chưa được nhiều, đặc biệt một số chính sách, cơ chế chưa phù hợp với nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, ông Nguyễn Duy Lượng nhận định.

Lấy ví dụ như QĐ80 của Chính phủ hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Nhưng dường như chưa có tỉnh, thành nào làm được điều này. Vì hiện nay, “4 nhà” trong nông nghiệp chưa gắn kết với nhau. Muốn có gạo tốt trước nhất phải có giống tốt cung cấp cho nông dân, có phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo, rồi phải có đầu ra tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện thì tất cả các vấn đề này đều đang còn bỏ ngỏ. Dù nông sản Việt Nam có đến 7 mặt hàng xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng nông dân vẫn khổ! Tỷ lệ hộ đói ở nhiều vùng, nhất là vùng miền núi, vùng khó khăn còn cao, thậm chí, có xã vùng cao, tỷ lệ thiếu đói lên tới 70%.

Nuôi trồng thủy sản cũng đang khó khăn bộn bề


Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, để hỗ trợ các hộ nông dân vượt qua khó khăn, nên tập trung vào 3 nhóm biện pháp:

Một là, tăng mức hỗ trợ thiên tai/dịch bệnh cho các hộ nghèo, triển khai bảo hiểm nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và ngân hàng, ưu tiên đặc biệt cho nhóm dân tộc ít người; triển khai bảo hiểm y tế; tăng hỗ trợ và cụ thể hóa cơ chế cho vay đối với hộ nông thôn.

Hai là, xem xét cấp tín dụng theo chuỗi để thu hút các doanh nghiệp cho vay mở rộng sản xuất và thu mua đầu ra cho hộ nông thôn; thay đổi cách tiếp cận trong các chương trình khuyến nông, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nông thôn.

Ba là, đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp cho các cộng đồng dân tộc ít người, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa…