Bằng lòng với cuộc sống của mình

ANTĐ - Sau 4 năm đoạt giải Nhất dòng nhạc Dân gian Sao Mai 2007, Thành Lê trẻ và đẹp hơn, cũng trưởng thành lên rất nhiều. Cô đã kịp ra 3 album “Nơi ấy quê mình”, “Quê”, “Lặng” và đang ấp ủ một album thứ 4. Vẫn ở một mình, đi về một mình, làm việc gì cũng một mình. Sống không gấp gáp, không tham vọng, bằng lòng với những gì làm được. Có lẽ chính điều ấy khiến Thành Lê trẻ hơn rất nhiều so với tuổi.

- Kể từ sau khi đăng quang Sao Mai 2007, đến nay đã 4 năm. Nhìn lại chị có cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã làm được?

- Sau khi đăng quang thì tôi bị tai nạn, coi như năm 2008 không làm được việc gì nên rất thiệt thòi. 3 năm còn lại cũng chỉ đi những bước chậm chạp. Chỉ có năm 2010 là thấy hài lòng nhất: Học hành xong, thi Cao học Học viện Âm nhạc Quốc gia tốt, vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ra được 2 đĩa. Tất cả những việc đó tôi đều làm một mình, không có một chỗ dựa nào cả về tinh thần và vật chất.

- Đến tuổi này mà chưa tìm được một người để “dựa dẫm”. Chị có kén chọn quá không?

- Thực ra cũng không kén chọn đâu. Tôi nghĩ cái này là hên xui, may mắn. Con người có số mà. Đến nay 30 tuổi tôi cũng không biết mình cần một người chồng như thế nào. Người phụ nữ lấy chồng, một là sẽ tốt hơn rất nhiều, hai là sẽ xấu thảm hại. Điều này là số phận, mình cũng không thể tính được. Đương nhiên ở tuổi này rồi mà còn nói không có ai để chia sẻ thì cũng không phải là một điều hay ho gì.

- Bạn bè chị nhiều người đã có tổ ấm cho riêng mình. Còn chị vẫn đi về một mình, làm cái gì cũng một mình. Chị đừng nói với tôi là chị không sốt ruột?

- Mọi người quanh mình sốt ruột thôi chứ tôi thì thấy thong dong không suy nghĩ. Tôi quen ở một mình và thấy thích, cũng không thấy buồn. Nhiều người đặt dấu hỏi giới tính của em thế nào. Vì buổi tối nếu không đi diễn thì tôi chỉ ở nhà. Nếu có ai đó 8h mà còn mời đi cà phê thì cũng ngại lắm vì lại phải quần quần áo áo… Một năm tôi ngồi cà phê nhiều nhất với ai bạn biết không, với nhà báo. Ngày xưa ở cái tuổi hẹn hò thì tôi lại tham kiếm tiền, suốt ngày lao vào công việc. Tôi ra đây năm thứ hai là gia đình không phải nuôi rồi. Chăm chỉ đi diễn lắm và đi hát trộm vía hay được mọi người thương cho thêm tiền nên bao giờ số tiền kiếm được cũng nhiều nhất. Nếu không phải trang trải cho mọi người thì chắc cũng có số vốn kha khá. Bây giờ vẫn xe máy, nhà thuê…

- Rất nhiều đồng nghiệp của chị đã có đầy đủ mọi thứ khi có một đại gia hậu thuẫn. Thành Lê có nghĩ đến điều này?

- Có nghĩ đến nhưng không làm được. Tôi ở Hà Nội đã 12 năm, đi lên từ số 0. Tính tôi cũng độc lập từ bé, bây giờ cũng đã lo lắng cho gia đình hết rồi bằng đúng số tiền mình kiếm được nên cảm thấy rất hài lòng. Còn đại gia, người ta cặp với chân dài chứ chân ngắn như tôi thì khó đấy.

- Đầu năm vừa rồi chị có ra 2 album “Quê” và “Lặng”. Một album là những ca khúc trữ tình về quê hương và một là nhạc xưa. Được biết đến là một ca sĩ hát nhạc dân gian mà lại đột ngột quay ra làm đĩa nhạc vàng, Thành Lê có nghĩ  mình mạo hiểm?

- Ngay từ bé tôi đã đam mê nhạc vàng. Và khi mà mình thích một cái gì đó thì mình sẽ có rất nhiều lý do để tâm huyết với nó. Bạn có tin rằng trong hai đĩa thì “Lặng” bán rất chạy không. Có những thời điểm “cháy” đĩa và tôi đã phải in thêm 4.000 đĩa. Đến nay đã là 8.000 đĩa và trong thời gian tới có lẽ vẫn phải in thêm.

- Được biết chị vẫn đang ấp ủ ra một album nữa trong năm nay?

- Vâng. Cuối năm tôi sẽ ra một album mới về nhạc trữ tình, không thiên hẳn về dân gian. Tôi làm cái gì cũng lâu và chậm. Con đường nghệ thuật của tôi cũng chậm.

- Có vẻ việc ra album với chị tương đối dễ dàng?

- Làm album cũng phải đầu tư rất lớn về thời gian, tiền bạc. Nhưng tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để tôi đến gần hơn với khán giả.

- Dòng nhạc trữ tình dân gian chị theo có khá nhiều ca sĩ “gạo cội” như NSƯT Thu Hiền, Anh Thơ, Phương Thảo, Tân Nhàn... Chị có sợ mình sẽ không vượt qua được cái bóng của họ?

- Bất kể ca sĩ nào dù nghiệp dư đều có cái hay riêng. Quan trọng là trong cuộc sống mình làm được cái gì. Cá nhân tôi thì cảm thấy bằng lòng. Bằng lòng không có nghĩa là mình không cố gắng mà là mình vẫn nỗ lực làm việc. Bản thân tôi cũng có sự tự tin nhất định. Tôi không giống ai cả.

- Thành Lê nghĩ thế mạnh của mình là gì?

- Tôi nghĩ một giọng hát hay rất nhiều nhưng một giọng hát nghe mà thương thì không nhiều. Cái mà tôi không muốn gọi là thế mạnh nhưng đó là cái tình. Khi mình hát người ta có thể không nhìn thấy khuôn mặt mình nhưng  vẫn cảm nhận được con người, tính cách và thương mình. Có những người hát xong không đọng lại điều gì, còn có những người hát xong thì thấy yêu.

- Sinh ra trong một gia đình không ai có tố chất âm nhạc. Vậy trong giọng hát của mình, theo chị tỷ lệ phần trăm giữa năng khiếu và học hành là bao nhiêu?

- 50/50. Tôi không có giọng hát hay. Ngay cả bây giờ cũng không phải là một giọng hát hay. Tôi chỉ dám nhận tôi có giọng hát tình cảm chứ không hay và thuận lợi. Tôi phải nỗ lực rất nhiều mới có được giọng hát như ngày hôm nay.

- Chị từng nói rất thích làm giáo viên. Vậy tại sao chị lại đầu quân về Đài Tiếng nói Việt Nam?

- Môi trường để làm việc là rất quan trọng. Học viện Âm nhạc Quốc gia và Đài Tiếng nói đều có cái giống nhau và khác nhau. Nhưng tôi nghĩ về Đài sẽ phát huy được nhiều khả năng của mình. Mỗi lần được thu thanh, va chạm thì giọng hát của mình tiến bộ lên rất nhiều. Môi trường ở Đài cho tôi cảm giác thoải mái, không áp lực, đoàn kết và quan trọng là chuyên môn của mình phát triển được. Ở Đài cũng có nhiều anh chị như Đăng Dương, Việt Hoàn, Mai Hoa, Anh Quân và tôi học hỏi được rất nhiều ở họ. Còn để thực hiện ước mơ làm cô giáo thì theo tôi sau này vẫn chưa muộn. Mình có thể đi làm vài năm, khi có kinh nghiệm quay trở lại làm giáo viên cũng được. Bây giờ tôi vẫn đang trẻ thì nên va chạm bên ngoài để nhanh trưởng thành.

- Chắc chắn trên bước đường nghệ thuật của mình, cũng có một số người giúp đỡ chị?

- Tôi may mắn gặp được 2 người khi ra Hà Nội. Người đầu tiên là cô Kim Phúc hiện là Trưởng khoa trong trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, một người vô cùng tốt và lành. Người thứ hai là thầy Trung Kiên. Khi gặp được thầy thì tôi không chỉ học được cách hát mà cả cách ứng xử. Thành công của tôi cũng có nhiều công sức của thầy. Chính thầy là người chọn bài hát chung kết Sao Mai cho tôi.

- Áp lực là điều không tránh khỏi với một ca sĩ trẻ. Chị có bao giờ cảm thấy mệt mỏi?

- Có chứ. Nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm. Khi đi thi Sao Mai tôi chỉ là sinh viên. Nhưng sau khi đăng quang thì mình phải cố gắng nhiều hơn. Đó là áp lực. Áp lực phải hát hay, không được sai sót… để xứng đáng với danh hiệu. Rồi áp lực phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống, lo cho bố mẹ, anh chị em, những việc lớn trong nhà. Để làm được tất cả điều đó mà chỉ có một mình, không có chỗ dựa hay sự giúp đỡ từ bàn tay của ai đó thì quả thực là phi thường.

- Luôn áp lực phải kiếm tiền. Vậy chị có áp dụng phương pháp“năng nhặt chặt bị”?

- Không. Với những sô diễn nếu trả cát-xê quá rẻ tôi không nhận.

- Chị có thường xuyên gặp trường hợp này?

- Nhiều chứ. Có những bầu sô là ca sĩ nổi tiếng mà còn trả giá như mớ rau ngoài chợ. So với nhạc nhẹ, cát-xê dòng nhạc dân gian đã thấp hơn rất nhiều rồi.

- Nghe nói Thành Lê cũng rất hay được kẻ trộm hỏi thăm?

- Đúng vậy. Trước đây tôi hay mất trộm lắm, bây giờ đỡ hơn rồi. Cơ bản là tại tôi không cẩn thận, hay quên.

- Từng đi “bay show” khá nhiều. Chuyến đi nào làm chị đáng nhớ nhất?

- Tôi hay đi châu Âu và đều cảm thấy vui lắm. Tôi luôn là đầu bếp của cả đoàn. Đi chợ và về nấu ăn. Khi hát trong nước nhiều khi khán giả còn thờ ơ nhưng đi các nước, kiều bào yêu mình lắm. Họ trân trọng, nâng niu...

- Hình như nấu ăn là một sở thích của chị?

- Đúng vậy. Giữa nấu ăn và hát có lẽ tôi vẫn thích nấu ăn hơn. Mặc dù ở một mình nhưng hàng ngày tôi vẫn đi chợ, nấu nướng. Tôi nấu ăn rất ngon. Nhiều khi tôi nghĩ tôi có thể làm một ô-sin hoàn hảo.

- Cuộc thi Sao Mai 2011 đang diễn ra. Thành Lê đánh giá thế nào về các thí sinh năm nay?

- Các thí sinh Sao Mai năm nay rất trẻ. Các em bước vào cuộc thi khác với thời chúng tôi. Ngày xưa chúng tôi rất ngu ngơ. Còn các em bây giờ quyết liệt, bản lĩnh hơn. Sự đầu tư cũng lớn hơn rất nhiều so với bọn tôi. Còn chất lượng chuyên môn thì thôi để dành cho khán giả. Tuy nhiên tôi vẫn đánh giá cao Nguyệt Anh, Thanh Hoa, Thắng Lợi...

- Cảm ơn và chúc chị luôn thành công, hạnh phúc!

Ca sĩ Thành Lê quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Chị tốt nghiệp hệ đại học, khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2009, từng đoạt giải Nhất dòng nhạc Dân gian cuộc thi Sao Mai 2007 và Giải Thí sinh thể hiện ca khúc Việt Nam hay nhất tại Cuộc thi Hát nhạc kịch thính phòng lần thứ  IV - 2009.