"Bâng khuâng Trường Sa"- nhân lên tình yêu tổ quốc

ANTD.VN - Nhân kỉ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019), 44 năm giải phóng Trường Sa, Khánh Hòa, Ban liên lạc các chiến sỹ Trường Sa phối hợp một số đơn vị, tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ với chủ đề “Bâng khuâng Trường Sa”. Đây là dịp để  những người đã từng đến Trường Sa, nhà giàn DK1, những người yêu mến biển đảo quê hương, những cán bộ chiến sỹ hải quân đã và đang công tác tại đảo Trường Sa; các đại biểu trong nước và bà con kiều bào đã được ra thăm "mảnh đất thiêng" của Tổ quốc chia sẻ cảm xúc, tình yêu của đất liền với Trường Sa.

Tại đây, các đai biểu đã chia sẻ những cảm xúc, tình yêu của đất liền với Trường Sa, cảm nhận sự đổi thay, cũng như trách nhiệm của mỗi con dân đất Việt trong việc lan toả, chung tay bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bức ảnh "Nhà giàn DK1" của tác giả Dư Hải

Với ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, điều đọng lại trong ông khi đến Trường Sa là tình cảm của quân và dân nơi biển đảo đối với đất liền rất thiêng liêng. Được tham gia một buổi chào cờ trên đảo, trong ông lâng lâng niềm cảm xúc tự hào và trân trọng sự hy sinh và công sức của các chiến sỹ và người dân trên đảo. Đặc biệt, những tiếng"xin thề" bảo vệ biên cương Tổ quốc ở buổi chào cờ hôm ấy do các chiến sỹ hải quân hô vang trong không gian bao la của biển cả, như những lời hiệu triệu con tim chắc tay súng bám biển, bám đảo.

Theo đại sứ Lương Thanh Nghị, cho tới nay, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã 8 lần tổ chức cho kiều bào tới Trường Sa, nhằm đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo người dân Việt Nam đang sinh sống ở các quốc gia trên thế giới. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa bởi sau chuyến đi thực tế ở Trường Sa, mỗi kiều bào sẽ là một đại sứ tuyên truyền về bảo vệ biển đảo.

Tác phẩm "Quất xuân tới đảo" của tác giả Trần Thành

Là một người may mắn trong tổng số 40.000 kiều bào ở nước ngoài được lựa chọn tham gia chuyến đi tới Trường Sa, anh Lê Hồng Quân, Việt kiều Angola chia sẻ, anh đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân và các chiến sỹ trên đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đó là mồ hôi, công sức và khối óc của những người đang ngày đêm bám biển, những cột mốc "sống"của Tổ quốc. Đặc biệt, từ chuyến đi ấy, anh đã nên duyên vợ chồng với một người bạn đồng hành. Chính vì vậy, Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của anh.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền với 4 lần đặt chân tới vùng biển thiêng của Tổ quốc, còn chia sẻ những ghi nhận với tư cách là một người sáng tác. Theo Lê Quý Hiền, nhìn những cây bàng vuông ngọn cao vút, trái ngược với hình ảnh của những cây bàng ở đất liền tỏa bóng mát, nhà viết kịch đã liên tưởng ngay đến ý chí kiên cường của những người lính bám biển. Còn những quả bàng vuông khi chín rơi xuống đất đều mang màu đen rất đặc trưng. Những hạt bàng ấy có thể trôi lênh đênh trên biển vài tháng những khi gặp đất liền sẽ bén rễ, sinh sôi nảy nở cũng giống như người lính đảo, luôn hướng lòng mình về quê hương. Những vở kịch đã ra mắt của ông đều tập trung khai thác ý chí của các chiến sỹ hải quân và tình cảm của người dân đất liền với người dân và các chiến sỹ trên đảo. 

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình

Bên cạnh phần chia sẻ của các vị khách mời, tại chương trình, người xem đã được ngắm nhìn những bức ảnh về biển đảo quê hương, về các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, do các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên thực hiện bằng cảm xúc và sự trân trọng đối với Trường Sa.

Cũng tại chương trình, BTC đã tổ chức lễ phát động ủng hộ quỹ “Trường Sa, nhà giàn DK1, hành trình của trái tim” để xây dựng quỹ khuyến học, hỗ trợ thân nhân gia đình các cán bộ chiến sỹ hải quân đang làm nhiệm vụ tại các đảo và nhà giàn.