Khảo cổ học tại Trường Sa:

Bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

ANTĐ - Nhằm thu thập các chứng cứ khoa học phục vụ cho việc khẳng định chủ quyền lãnh hải, biển đảo, từ năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Viện Khảo cổ học triển khai chương trình khảo cổ học Trường Sa. Qua hàng chục lần kiểm tra và 3 cuộc khai quật quy mô, chương trình đã thu được hàng vạn hiện vật là bằng chứng khoa học xác đáng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. 

Những bằng chứng đanh thép

Ngay từ trước khi chương trình khảo cổ học Trường Sa được triển khai, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều cuộc khai quật tại các đảo, các vùng ven biển thuộc Nha Trang, Khánh Hòa. Nhiều phát hiện lớn trong những lần khai quật trước và trong chương trình trên đã đưa đến kết luận, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có người Việt Nam cư trú liên tục cho đến hiện nay. Năm 1993, tại Bích Dầm một làng chài nhỏ trên đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang nằm ở mũi đất rộng chừng 1km liền với Hòn Lớn (làng được phát hiện từ năm 1925 bởi nhà khảo cổ học H.Mansnuy với 2 chiếc cuốc đá có vai cỡ lớn), các nhà khoa học đã mở 3 hố khai quật rộng 86m2, thu được 81 tiêu bản, gồm nhiều công cụ đá thuộc thời đại Kim Khí. Tại đảo Bình Hưng, Cam Ranh, Khánh Hòa cũng phát hiện nhiều mảnh vỡ của đồ gốm như nồi gốm, xương gốm mỏng, màu xám hay đỏ nhạt, độ nung khá cao, thuộc gốm miệng loe, hoa văn chải văn hình bọ gậy, văn hình xương cá, thuộc văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh (một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam cùng với Đông Sơn, Óc Eo.

Đáng chú ý cuộc khai quật trên đảo Bình Ba, phát hiện một ngôi mộ ở độ sâu 0,7m trong hố thám sát. Chủ nhân là một người chưa trưởng thành, đầu quay về hướng Đông Nam. Trong mộ, chôn theo một số đồ tùy táng bằng đất nung, chuỗi hạt bằng đá có khoan lỗ, khuyên tai làm bằng vành miệng ốc mài cũng thuộc văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh. Đặc biệt, trong đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, khai quật trên tổng diện tích 171m2, các nhà khoa học đã tìm thấy 331 mảnh đồ gốm đồ sành, đồ sứ rất gần gũi với hiện vật ở các di chỉ Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và Hợp Lễ (Hải Dương). Những cổ vật này được xác định là vật dụng hàng ngày của cư dân Việt từng đến và sinh sống ở đây các thế kỷ XIV-XV. 

Giáo sư, Viện sĩ Hà Văn Tấn, khẳng định, các kết quả khảo cổ học cho thấy, người Việt Nam đã có mặt ở đây từ rất sớm, ít nhất là từ cuối thời Trần và liên tục có mặt trong các thế kỷ sau. Thậm chí, trên đảo Nam Yết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong hố khai quật có dấu vết của bếp lửa giữa những vỏ sò, ốc cùng hàng trăm mảnh gốm men trắng vẽ chỉ lam quanh miệng (Đây là loại gốm chỉ có xứ Đồng Nai, Biên Hòa giai đoạn cuối thế kỷ XIX) Đó là bằng chứng chắc chắn của một nơi cư trú của người Việt trong thời gian dài. Qua đó, khẳng định chắc chắn chủ quyền của Việt Nam với quần đảo trên. 

TS. Lại Văn Tới người trực tiếp tham gia 2 cuộc khai quật khảo cổ học tại Trường Sa cho biết, những hiện vật trên có nhiều nét tương đồng với những hiện vật tìm thấy ở di chỉ Thanh Hà (Huế), qua đó khẳng định, đây chính là cư dân Việt từ đất liền ra đảo sinh sống. Chưa kể, tại đảo Song Tử Tây đã tìm thấy nhiều tiền kim loại là loại tiền thời Minh Mạng và Tự Đức. Để có được những kết quả nghiên cứu quan trọng này, những nhà khảo cổ đã phải nhiều ngày lênh đênh giữa biển khơi bao la. Trong đó, không ít lần phải đối mặt với cơn giận dữ của biển cả.

Những phát hiện vô cùng quý giá

TS Hà Văn Phùng, nguyên Viện trưởng viện Khảo cổ học người từng tham gia cả 3 cuộc khai quật tại quần đảo Trường Sa cho biết, “Tôi từng 3 lần ra Trường Sa, lần nào cũng vẹn nguyên một cảm xúc khó tả khi được lặp lại chuyến đi mà hàng trăm năm trước ông cha ta với công cụ thô sơ, đã vượt sóng lớn, biển cả để thực hiện. Điều đó thể hiện tinh thần dân tộc của cha ông thật bất khuất. Chúng tôi luôn lặng người đi mỗi khi phát hiện được những di vật còn sót lại ở Trường Sa. Những phát hiện vô cùng quý giá cho đoàn khảo cổ liên tục xuất hiện, từ những mảnh đồ gốm, dấu vết bếp lửa người xưa dùng đun nấu cho thấy đây từng là một nơi có quần cư mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam.

 Ai trong đoàn cũng tâm niệm dồn hết sức lực cho công việc thiêng liêng khẳng định chủ quyền. Tôi còn nhớ trong đoàn có một họa sĩ khảo cổ Nguyễn Sơn Ka, ở biển mưa nắng thất thường, có khi đang mưa lại nắng, đang nắng lại đổ mưa. Nhưng anh thà để người ướt chứ nhất quyết không để giấy vẽ bị ướt. Có lần, cuộc khảo cổ kéo dài cả tháng trời nhưng thu được kết quả vô cùng mỹ mãn với hàng trăm cổ vật được phân loại đánh giá, nhiều phát hiện có giá trị. Sau cả tháng trời trần mình trong cái nắng nóng của biển Đông, cuộc khảo cổ kết thúc.

Khi cả đoàn khảo cổ lên tàu di chuyển về đất liền thì thiên tai ập tới. Những con sóng lớn, dồn dập như muốn nuốt chửng cả con tàu. Cơn bão lớn kéo dài hơn một tuần đánh cho con tàu xiêu vẹo, rệu rã và lệch khỏi hành trình trôi dạt đến một hòn đảo khác. Đã có lúc, chỉ huy trên tàu dặn anh em ghi lại tên tuổi, cất cẩn thận vào túi ni-lông đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nói thật lúc đó, ai cũng lo cho mạng sống của mình nhưng trên hết là lo cho những cổ vật, những mảnh gốm sẽ chìm xuống biển sâu. Rồi đây, ai sẽ đưa những bằng chứng đanh thép đó ra công luận. May mắn, như có phép màu, bão tan, chúng tôi được tìm thấy và đưa về đất liền. Mọi kết quả khảo cổ học đều còn nguyên vẹn” - ông Phùng nhớ lại. 

Từ Trường Sa nghĩ về khảo cổ học dưới nước

Trong cả 3 lần thực hiện khai quật khảo cổ học tại Trường sa, các nhà khoa học đều mới chỉ thực hiện những cuộc khai quật khảo cổ học ở trên đảo, sát mép nước,… nhưng chưa từng thực hiện khảo cổ học dưới nước. Với nhiều tài liệu lịch sử về những đoàn thuyền của cha ông từng ra đảo và thất bại trước sóng dữ biển Đông, tin chắc nếu có thể thực hiện khảo cổ học dưới nước tại Trường Sa, chúng ta có thể tìm thấy thêm nhiều tư liệu lịch sử đáng giá hơn. Nhất là về “hùng binh” Hoàng Sa từng vượt biển giữ đảo. Mà dấu tích về đoàn “hùng binh” này phần lớn lại xuất hiện ở Hoàng Sa. 

Trong lịch sử đã từng khẳng định, trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa, vua Bảo Đại vào năm 1934 từng cho xây dựng một ngôi miếu với tên gọi Hoàng Sa tự. Nhiều cứ liệu lịch sử cho rằng ngôi miếu được xây dựng trong mười ngày. Miếu có một gian theo thể chế nhà đá. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây do quân nhân đến đảo đem theo hạt giống gieo trồng như hạt quả thủy nam.

Cửa vào miếu có khắc hai bên hai câu: Cô hồn miếu, cô hồn diễu diễu/ Hoàng sa tự, bích huyết Hoàng sa. Phía trên là bức Hoành phi có ghi “Hải bất dương ba” có nghĩa là “Biển không nổi sóng”. Trong miếu có ghi niên hiệu “Đại Nam Hoàng Đế Bảo Đại thập tứ niên tam nguyệt sơ nhất”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, chính trong tạp chí “Lữ hành gia” quyển 6 xuất bản năm 1957 tại Bắc Kinh đã có bài mô tả về Hoàng Sa tự như đã nêu ở trên. Chính các nhà khảo cổ học Trung Quốc khi đến Hoàng Sa, đã tìm thấy dấu tích ngôi miếu trên họ thừa biết Hoàng Sa là của Việt Nam và có lịch sử từ lâu đời nhưng vẫn cứ thừa nhận là của mình. TS Nguyễn Nhã khẳng định: “Hoàng Sa Tự là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa”. Đáng tiếc một điều, chúng ta chưa có điều kiện tổ chức khai quật khảo cổ học tại Hoàng Sa. 

Việt Nam đã có nhiều bằng chứng lịch sử như các tấm bản đồ cổ, các hiện vật khảo cổ học, tài liệu lịch sử khẳng định chắc chắn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc tiếp tục mở rộng việc khai quật khảo cổ học dưới nước là việc cần thiết, nên làm để có thêm những bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo nhất là khi mà biển Đông không “yên ả” như hiện nay.

Khảo cổ học đã tiến hành điều tra khảo cổ quần đảo Trường Sa vào năm 1993  -1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999. Các đảo khác đều được điều tra và thu lượm hiện vật trên mặt. Tổng số hiện vật thu được trong các đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật. Trong đó, gốm thô: 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại: 236 hiện vật, chiếm 48,00%; đồ sành: 212 hiện vật, chiếm 42,57%;  mũi ngói: 1 hiện vật, chiếm 0,20% và tiền kim loại thời Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức): 16 đồng, chiếm 3,21%. Từ những tư liệu khảo cổ học thu được, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.