Bản anh hùng ca về Trường Sơn không tắt

(ANTĐ) - Anh bộ đội ấy, người thanh niên xung phong ấy đã viết nên những bản anh hùng ca Trường Sơn huyền thoại đã đi rồi. Những người ở lại, dẫu từ lâu đã căng mình chuẩn bị cho giây phút chia tay vẫn thấy nhói lòng khi trái tim yếu ớt vẫy nhịp đập cuối cùng như muốn nói: Chào nhé! Phạm Tiến Duật đi đây! Thời khắc ấy là lúc 8 giờ 49 phút sáng 4-12 (tức ngày 25 tháng 11 năm Đinh Hợi).

Bản anh hùng ca về Trường Sơn không tắt

(ANTĐ) - Anh bộ đội ấy, người thanh niên xung phong ấy đã viết nên những bản anh hùng ca Trường Sơn huyền thoại đã đi rồi. Những người ở lại, dẫu từ lâu đã căng mình chuẩn bị cho giây phút chia tay vẫn thấy nhói lòng khi trái tim yếu ớt vẫy nhịp đập cuối cùng như muốn nói: Chào nhé! Phạm Tiến Duật đi đây! Thời khắc ấy là lúc 8 giờ 49 phút sáng 4-12 (tức ngày 25 tháng 11 năm Đinh Hợi).

Nhà thơ Phạm Tiến Duật
Nhà thơ Phạm Tiến Duật

Hơn hai tháng nằm trên giường bệnh chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, những đau đớn thể xác hẳn đã được xoa dịu đi phần nào bởi bao tấm lòng yêu mến gửi đến nhà thơ từ những bạn văn chương, những đồng chí, đồng đội, học trò, những người chỉ một lần gặp gỡ trong cuộc hành trình 8 năm Trường Sơn và cả những người ông chưa một lần biết mặt lẫn những người không cùng thế hệ.

Ngày Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tuyển tập Phạm Tiến Duật như một cái cớ hội ngộ cho những người yêu thơ ông, lúc ấy ông đã không còn khả năng bày tỏ bằng lời.

Nhưng qua câu chuyện thủ thỉ hằng ngày bên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, chắc ông cũng biết buổi thơ hôm ấy rôm rả và xúc động như thế nào.

Hội trường của Hội Nhà văn vốn đã nhỏ bé càng trở nên chật hẹp với dòng người hâm mộ đổ về. Những nữ thanh niên xung phong với đôi chân tật nguyền và đôi mắt không còn ánh sáng cũng len lỏi tìm đến. Bạn bè Trường Sơn năm xưa tranh nhau phát biểu để được kể chuyện về ông.

Căn phòng ồn ã, chen chúc những đề nghị nghẹn ngào khản giọng: “Cho tôi được đọc thơ Phạm Tiến Duật”. Những lá thư và quà của các sinh viên trẻ chưa một lần nghe tiếng bom Mỹ từ miền Trung, miền Nam xa xôi tới tấp gửi về...

Và cả cô gái Thạch Kim Thạch Nhọn trong đêm mở đường lập lòa sáng tối ấy cũng lặn lội từ Hà Tĩnh ra thăm ông. Những người chứng kiến kể rằng, bàn tay ông đã tìm lại được cảm giác mà nắm chặt lấy bàn tay khắc khổ của người phụ nữ đang giụa giàn nước mắt.

Tiếc là, những vinh dự ông nhận được không phải trên bục sân khấu trang hoàng tiếng quân nhạc hào hùng với nhiều hoa tươi. Huân chương Lao động hạng Nhì của Đảng và Nhà nước, Giải thưởng Văn học của Hội Doanh nhân Việt Nam đều được trao tặng trong phòng bệnh của Viện 108. Cũng đông đủ bạn bè thân tình chứng kiến, chúc mừng, nhưng ông thì nhỏ bé, bất động trên tấm ga trắng.

Chỉ có đôi mắt là chớp chớp liên tục như muốn tỏ bày và Phạm Tiến Duật trào nước mắt khi đón nhận những vinh quang ấy vào những ngày cuối cùng của cuộc đời!

Những thanh âm bất lực hoá thành nước mắt ấy mang ý nghĩa gì, buồn hay vui? Cuộc đời của người lính đã làm nên huyền thoại Trường Sơn, ngang tàng lao đi dưới mưa bom bão đạn, viết những lời thơ mang sức mạnh hiệu triệu cả một thế hệ lên đường chống Mỹ, trở về thời bình với những mối lo toan thường nhật, những nỗi buồn riêng tư, những vướng mắc tình cảm dày vò và căn bệnh ung thư quái ác, rốt cục là đau khổ hay hạnh phúc?

Chỉ có người trong cuộc là biết rõ nhất mình đang buồn hay vui, đang chán nản hay hạnh phúc, đang thanh thản hay đau đớn. Nhưng chắc chắn rằng, nụ cười đã thoáng hiện trên khoé miệng nhà thơ lúc ra đi. Nỗi đau đớn thân thể đã được giải thoát và cái tên Phạm Tiến Duật đã hoá thân trong một kiếp sống mới.                    

Hoàng Hồng