1010 năm Thăng Long Rồng bay (bài 1)

Bạch Mã - ngôi đền lâu đời nhất “Tứ trấn Thăng Long”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LỜI TÒA SOẠN: Năm 1010. Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Chiếu dời đô của nhà vua có đoạn viết: “Thành Đại La, đô cũ của Cao vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế nhìn sông dựa núi. Vùng này đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thương đô kinh sư mãi muôn đời”. Kể từ thời khắc quan trọng đó đến nay cũng đã chẵn 1010 năm. Thăng Long xưa. Hà Nội nay. Bảo tồn. Gìn giữ. Xây dựng. Đổi mới. Phát triển. Minh chứng bằng những di sản vật thể và phi vật thể vẫn hưng thịnh trường tồn. Nhân sự kiện lịch sử này, Báo An ninh Thủ đô xin giới thiệu chùm bài viết giới thiệu những di tích, di sản đặc biệt giá trị, đầy tự hào của mảnh đất Thăng Long Rồng bay.
Đền Bạch Mã có địa chỉ số 76 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có lịch sử lâu đời nhất trong tứ trấn

Đền Bạch Mã có địa chỉ số 76 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có lịch sử lâu đời nhất trong tứ trấn

Trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, đền Bạch Mã là Đông trấn, xưa tọa lạc ở phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xuyên, phủ Hoài Đức, Thăng Long, hiện nằm ở vị trí số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Đền Bạch Mã là một ngôi đền có lịch sử xây dựng lâu đời nhất trong tứ trấn. Khi Vua Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La vào năm Canh Tuất 1010 định xây thành mới nhưng lần nào thành cũng bị lở, vua bèn sai người đến cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để lại vết chân đến đấy. Vua bèn cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ngựa và thành công, do đó đền có tên là đền Bạch Mã.

Bên trong ngôi đền hiện giờ vẫn còn lưu giữ hình ảnh ngựa trắng. Đây trở thành biểu tượng linh thiêng của ngôi đền cùng nhiều di vật cổ có giá trị cùng kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là hình ảnh 15 tấm bia ghi lại điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo lại đền rất chi tiết. Văn bia hiện còn ở đền lưu giữ thông tin, đền Bạch Mã được đại tu vào thời Lê Trung hưng, niên hiệu Chính Hòa (1680-1705), đến thời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) lại được sửa sang thêm: tôn tạo đền cũ, dựng riêng văn chỉ, xây phương đình, quy mô toàn thể được mở rộng hơn.

Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp sang mở mang phố xá cũng không dám đụng vào những phần đã xây. Do đó dáng dấp ngôi đền còn lưu lại đến nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Ngôi đền mở cửa theo hướng Nam, từ trước đến sau gồm có nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng. Các hạng mục này được bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín. Du khách vào phương đình sẽ thấy bên trái có một am nhỏ với khám thờ tượng Quan Âm, bên phải có bức phù điêu Long Vân và hòn non bộ, còn trước mặt là tòa đại bái 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn.

Chính điện thờ tượng Bạch Mã, đầu hồi thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Trong cung cấm có khám thờ thần Long Đỗ, màn gấm che gần kín, hai bên bày lỗ bộ và ngai kiệu. Kết cấu của ngôi đền gồm toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, các bộ vì đỡ mái được làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Đặc biệt, “hệ củng ba phương” tại nhà phương đình vừa có tác dụng chịu lực, vừa là tác phẩm nghệ thuật, được sử dụng để treo đèn trong các ngày lễ hội và kết cấu “vòm vỏ cua” đỡ mái hiên nhà thiêu hương. Hai bên phương đình và bên trong nhà đại bái, thiêu hương, cung cấm đều đặt các ban thờ trang trọng được chế tác tinh xảo với những tương phản đỏ - vàng và trắng - đen là sắc màu chủ đạo. Trên các cốn gỗ, xà nách, xà ngang, các vì chồng rường lại có nhiều mảng trang trí với các đề tài phong phú và nét chạm chắc, khỏe.

Hiện nay tại đây còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị như bia đá, sắc phong, chuông đồng, kiệu rước, hương án, hạc thờ, độc bình, đôi phỗng… Với hơn 1.000 năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di sản tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1986. Hàng năm, đền thường tổ chức lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch và thường có đoàn rước kiệu truyền thống mặc những bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc lộng lẫy. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa đông qua và đón mùa xuân mới, mong mùa màng bội thu, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc, đó chính là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình ảnh hưởng từ Đạo giáo, chính sự dung hòa đó đã tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội đền Bạch Mã.

(Còn tiếp)