“Ăn” ô mai bằng mắt

ANTĐ - Cứ gần Tết Nguyên đán, phố Hàng Đường lại tấp nập. Dưới đôi bàn tay khéo léo của chủ hiệu ô mai Gia Lợi - Bùi Văn Hưng, món đặc sản quen thuộc của người Hà Nội điểm thêm những sắc màu vui nhộn. 

Hình con tôm làm bằng mứt hồng 

Ai nhìn cũng “mê”

Ý tưởng tạo ra những hình thù xinh xắn từ ô mai đến với ông chủ hiệu ô mai Gia Lợi (số 8 Hàng Đường) - Bùi Văn Hưng từ một lần chơi với cô con gái nhỏ. Trong một lần cô bé chơi tò he, bị bạn nghịch hỏng nên khóc. Sẵn niềm yêu thích với các loại đất sét nặn từ nhỏ, lại muốn dỗ con gái nên ông quyết định nặn các hình thù con giống giống như tò he, nhưng bằng… ô mai. Thế là từ đó ông bắt đầu công việc tạo hình từ chính thứ quà vặt nổi tiếng đã làm nên thương hiệu cửa hàng mình. Nào là những con vật như gà, lợn, tôm, voi, đại bàng… cho đến tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm, ông già Noel, tháp Eiffel (Pháp)… Những tác phẩm nom ngộ nghĩnh, đáng yêu của ông lại rất thu hút người xem. Ông Bùi Văn Hưng chia sẻ, ông làm để bày cho đẹp chứ không có ý định bán.

Ấy thế mà không chỉ khách trong nước, du khách nước ngoài cũng  tỏ ra rất thích thú với sản phẩm có một không hai này. Một lần ông bày sản phẩm hình một chú dê đang đánh đàn guitar. Lúc ấy là 10 giờ tối, một cặp vợ chồng người nước ngoài tỏ ra rất thích thú vì người vợ… cầm tinh con dê. Hai người khách đứng ở cửa nhà ông đến tận 12 giờ đêm, nhất quyết không cho ông đóng cửa hàng để thuyết phục ông bán lại. Thế là cuối cùng ông tặng luôn cho 2 người khách ấy. Chỉ đứng ở cửa hàng của ông chừng 15 phút thế nào cũng thấy du khách nán lại một lúc để xin chụp hình những sản phẩm độc đáo. Thưởng thức từng món ô mai, với đủ vị chua, mặn, ngọt, cay, giờ lại được ngắm nhìn những tác phẩm độc đáo, nhiều màu sắc, món đặc sản nhỏ bé này lại thêm ấn tượng với du khách. 

Ông Bùi Văn Hưng đang nặn hình con kiến từ ô mai

Tay nghề đặc biệt

“Làm ô mai cũng giống như thổi cơm” - ông Bùi Văn Hưng chia sẻ - “nấu không tới thì sống mà quá lửa thì khê”. Thật vậy, để có được thương hiệu ô mai ngon nức tiếng như hiện nay thì phải kỳ công từ quá trình chế biến cho đến khi thành phẩm. Đối với mỗi loại quả như mơ, mận, sấu, hồng, chanh… lại có mỗi cách sơ chế khác nhau. Chẳng hạn với quả mơ, khi chọn ngửi mùi phải thấy ương ương, không quá non, không quá chín vì chín quá khi làm sẽ bị rữa. Khi thu hoạch tại vườn phải muối ngay tại chỗ vì mơ là giống nhanh chín, nếu di chuyển nhiều sẽ dễ bị dập, hỏng. Sấu thì chọn loại sấu “phát mã”, chín vừa độ; khế, mận khi phơi sương thì lên màu đỏ, đẹp; quả trám mua về rửa phải chà, xát cho ra nhựa… Ông Hưng chia sẻ, chế biến ô mai cũng phải vô cùng khéo léo, vì “non đường”, “non muối” là chua ngay. Khi nấu, nếu cho đường quá tay thì khi đổ ô mai vào sẽ bị bén chảo, cháy. 

Kỳ công là thế, chính những tác phẩm nghệ thuật tưởng chừng đơn giản mang thương hiệu ô mai Gia Lợi cũng phải để đúng độ, đúng thời điểm để tạo tính thẩm mỹ cho tác phẩm. Ví dụ khi làm con voi hay con tôm, ông để cho quả hồng “lên phấn”, đường xuất ra ngoài sẽ ra được màu trắng, giống hệt như tượng đá. Hay cùng là mận nhưng phải để cho khô, hơi nhăn lại thì sẽ tạo ra được vẻ xù xì sống động. Ngoài việc sử dụng những phương pháp tự nhiên, ông Bùi Văn Hưng hầu như không dùng màu nhân tạo để tạo hình. Bởi vậy, sản phẩm của ông vẫn giữ được nét tự nhiên, từ màu trắng của quả hồng, màu vàng của chanh, khoai, màu nâu của chà là… Nhìn ông chủ 60 tuổi cẩn thận chẻ, uốn từng chiếc tăm tre, rồi lại thoắn thoắt xâu những miếng ô mai lại mới thấy thán phục sự tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân Hà thành. Và đôi khi chỉ bằng những thứ nhỏ bé cũng có thể tạo ra những món quà khiến người ta thích thú đến vậy.