Ăn cóc có chữa được ung thư?

ANTĐ - Thời gian gần đây, thông tin về ông Nguyễn Ngọc Chạy (SN 1955, ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) chữa khỏi ung thư nhờ ăn mật, bột cóc, sả và lá đu đủ đã khiến hàng trăm người ở khắp nơi tìm đến nhờ ông chỉ cách chữa bệnh. Tuy nhiên, những vị thuốc trên có thực sự chữa khỏi được ung thư và những người có bệnh có nên tùy tiện bắt chước ông Chạy hay không vẫn còn là dấu hỏi. Rất cần một nghiên cứu cụ thể, khoa học về vấn đề này.

Ăn cóc có chữa được ung thư? ảnh 1

Bị chẩn đoán ung thư, vẫn sống khỏe nhờ ăn mật cóc

Theo như thông tin ông Chạy cung cấp, cuối năm 2012, ông bị đau bụng dữ dội, bụng bị chướng hơi phình to, thường sốt về chiều, sụt cân… Ông Chạy đi khắp các bệnh viện tư, huyện, tỉnh, BV Chợ Rẫy siêu âm và làm các xét nghiệm thì đều được kết luận là ung thư gan di căn, vì vậy gia đình đã đưa ông về nhà chạy chữa. 

Về nhà, ông Chạy tìm hiểu thông tin về các bài thuốc chữa bệnh, trong đó có thông tin uống bột cóc sẽ khỏi bệnh. Ông liền nhờ vợ tìm mua cóc mổ lấy mật cho ông uống mỗi ngày 9 cái và uống trong vòng một tuần lễ. Sau đó ông kiên trì dùng bột cóc (chế biến bột cóc bằng cách để nguyên da, mổ ruột bỏ hết nội tạng, rồi dùng nồi đất rang cho cháy rồi tán nhuyễn). Mỗi ngày uống khoảng 9 muỗng, chia làm 3 lần.

Khoảng một tháng ông thấy cơ thể dần khỏe ra, chỉ có điều bụng của ông vẫn căng phồng, không xẹp. Một người quen chỉ cách dùng lá đu đủ vàng (vừa rụng xuống đất) và gốc cây sả (sao cho vàng), nấu nước uống đều đặn mỗi ngày cho xổ chất độc trong bụng. Sau 1 tuần uống nước gốc sả nấu với lá đu đủ, bụng ông từ từ xẹp xuống. Hiện sức khỏe của ông Chạy đã hồi phục gần như bình thường.

Ông Chạy không phải là trường hợp đầu tiên được đưa tin về việc ăn mật, thịt cóc mà chữa khỏi ung thư. Trước đó, báo chí cũng từng đăng tin về trường hợp ông Mai Xuân Khởi (ở Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình) ăn mật và gan cóc đã khỏi ung thư. Theo đó, ông Khởi phát hiện bệnh ung thư năm 2004, sau khi đi chữa trị một số nơi, thậm chí ra tận Hà Nội, ông đều bị kết luận là mắc ung thư gan và bị trả về. Đến năm 2006 bệnh tình trở nặng và ông lâm vào tình trạng thường xuyên đau đớn.

Tuyệt vọng vì căn bệnh, ông Khởi quyết định tìm đến cái chết. Một lần ông đang nằm đau đớn trên giường thì thấy có con cóc nhảy gần đó, ông chộp lấy nó và nuốt sống nhưng cũng không chết mà ngược lại còn giảm đau đớn một thời gian sau đó. Thấy thế, ông quyết định ăn mỗi ngày một con và tăng dần số lượng lên. Thời gian sau đó ông liên tục ăn gan và mật cóc. Phần da con cóc được ông lột riêng phơi khô, giã nhỏ để uống. 

Hay như trường hợp ông Dương Kim Lộc (ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng bị kết luận là ung thư gan, đã đi chữa trị đủ đông, tây y mà không khỏi, gia đình đã tính đến chuyện lo hậu sự cho ông. Ấy vậy mà khi nghe tin ông Khởi ăn cóc chữa khỏi ung thư gan, ông Lộc cũng làm theo. Gia đình ông bắt một con cóc hầm trong nồi đất cho đến khi cóc vàng giòn thì lấy ra cắt nhỏ hòa nước uống, mỗi ngày 2 con. Được mấy ngày ông Lộc đỡ đau, sau này ông không dùng cả con cóc nữa mà chỉ ăn mật cóc hàng ngày. 

Ăn cóc có chữa được ung thư? ảnh 2

Chuyên gia đông y cũng… băn khoăn

Theo các tài liệu đông y, độc tố con cóc tập trung nhiều nhất ở trứng. Đây là nguyên nhân chính gây chết người. Da cóc cũng rất độc. Vì vậy, đã có rất nhiều trường hợp ở nước ta ăn thịt cóc dẫn đến tử vong. Ngay cả khi đã làm thịt sạch nhưng không may dính lại vài quả trứng ở lỗ hậu môn hoặc dính mủ cóc vào thịt cũng có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong.

Về bài thuốc do ông Nguyễn Ngọc Chạy được ông này cho là chữa khỏi ung thư gan, PGS.TS Lê Lương Đống (Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế) cho rằng bài thuốc này chưa từng được sử dụng trong y học cổ truyền, cũng chưa từng có nghiên cứu cụ thể nên rất khó để có câu trả lời chính xác.

Các độc tố ở các bộ phận con cóc cũng chỉ được nêu ở các tài liệu y học cổ truyền chứ khoa học hiện đại cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào. Còn trong dân gian, thịt cóc được coi là một vị thuốc bổ. “Trước đây bột thịt cóc thường được dùng làm thuốc cam dành cho những trẻ suy dinh dưỡng hoặc trộn bột cóc với hoàng sơn (củ mài) để tăng cường tiêu hóa. Trong thịt cóc có nhiều khoáng vi lượng giúp tăng cân, tăng hồng cầu. Còn trong lá đu đủ có men papain giúp phân hủy protein cũng có tác dụng kìm hãm sự phát triển của khối u; củ sả có tác dụng kích thích tiêu hóa, tẩy uế, khử trùng nên cũng có tác dụng nhất định trong việc hỗ trợ điều trị khối u” - ông cho biết.

Cũng theo PGS Lê Lương Đống, một bài thuốc muốn biết chắc chắn công dụng của nó thì phải thông qua một đề tài khoa học một cách nghiêm túc, một vài trường hợp thì không thể nói lên điều gì. “Theo tôi cần có một nghiên cứu cụ thể, khoa học chứ không nên vội vã phổ biến rộng rãi”.

Còn theo thầy thuốc ưu tú, lương y Nguyễn Hữu Khai, về lý thuyết con cóc chứa nhiều độc tố, tuy nhiên, trong sách thuốc dạy rằng “Hữu cố vô vẫn” (với hàm ý là: khi bị một chứng bệnh mà dùng một loại nguyên dược liệu có độc với hàm lượng phù hợp để chữa thì không có hại). Vì thế, cũng không thể phủ nhận một cách đơn giản những phương pháp nhiều người đã dùng.

Tuy nhiên, cũng có phương thuốc người này khỏi nhưng áp dụng cho người khác lại không hiệu quả, và muốn biết chắc chắn thì phải thông qua một đề tài khoa học một cách nghiêm túc, phải kiểm tra độc tố cấp tính và độc tố trường diễn của nguyên dược liệu, phải có thử nghiệm trên động vật rồi mới thử nghiệm trên người…