Ai toàn quyền quản lý di sản âm nhạc do nhạc sĩ Phú Quang để lại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhạc sĩ Phú Quang qua đời để lại kho di sản âm nhạc với hàng trăm ca khúc đã phổ biến và rất nhiều sáng tác chưa kịp đến với khán giả.

Sau khi nhạc sĩ Phú Quang mất, gia đình ông từng nhiều lần gặp tỏ ý không hài lòng khi các ca khúc mà ông sáng tác bị tự ý sử dụng vào mục đích trình diễn trên không ít sân khấu lớn nhỏ. Nhiều đơn vị tổ chức bày tỏ sự băn khoăn vì không biết sẽ phải xin phép ai để có thể sử dụng các bài hát của vị nhạc sĩ tài ba này - người vợ sau cùng hay cô con gái riêng của ông. Tuy nhiên băn khoăn này mới đây đã chính thức được nghệ sĩ Trinh Hương - cô con gái lớn của nhạc sĩ Phú Quang giải đáp. Theo đó, cô cho biết, trước khi cha mình qua đời đã làm di chúc để lại toàn bộ bản quyền âm nhạc mang tên ông cho các con. Trong đó, nghệ sĩ Trinh Hương được ông giao việc quản lý, định đoạt, điều hành khi di sản âm nhạc mà ông để lại.

Nghệ sĩ Trinh Hương - con gái lớn của nhạc sĩ Phú Quang

Nghệ sĩ Trinh Hương - con gái lớn của nhạc sĩ Phú Quang

Nói thêm về điều này, con gái nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ, đây là món quà quý giá mà người cha đáng kính của mình gửi tặng cho các con của ông và bày tỏ mong muốn các ca khúc của ông sẽ không bị sử dụng một cách tùy tiện.

"Khi mọi người yêu quý tác phẩm của ông muốn được biểu diễn với công chúng thì xin hãy cho các con ông được biết, rằng ca khúc sẽ được hát trong chương trình nào, không sử dụng tùy tiện, bừa bãi. Điều đó khiến chúng tôi thấy không được thoải mái." - nghệ sĩ Trinh Hương bộc bạch, đồng thời khẳng định sự trân trọng dành cho nhạc Phú Quang không phải nằm ở một chương trình sang trọng, có nghệ sĩ lớn thể hiện mà có thể trong không gian nhỏ của phòng trà, song tất cả đều cần phải cho các con ông được biết chứ không tự ý sử dụng.

Cũng theo nghệ sĩ Trinh Hương, liên quan đến vấn đề bản quyền ca khúc, gia đình cô không đặt giá trị âm nhạc Phú Quang bằng tiền, chỉ hy vọng nhận được sự tôn trọng từ người sử dụng. Ví như nếu các ca khúc của ông được dùng trong các chương trình từ thiện thì hoàn toàn có thể miễn phí, không tính đến vấn đề tác quyền. Song đối với các chương trình được tổ chức với quy mô hoành tráng, chi phí cho âm thanh, ánh sáng, ca sĩ biểu diễn cao thì câu chuyện tác quyền của nhạc sĩ cũng cần được đặt ra với giá trị tương đồng chứ không phải theo kiểu trả tác quyền với giá "bao cấp" bởi điều đó là thiếu tôn trọng tác phẩm.

Nhắc đến người cha tài danh quá cố, nghệ sĩ Trinh Hương tâm sự, trước kia khi nhạc sĩ Phú Quang còn sống, cô thậm chí còn ngại không muốn mọi người nhìn nhận, đánh giá mình qua bố, mặc dù nhờ có người cha là nhạc sĩ nổi tiếng nên cô luôn nhận được sự yêu quý và giúp đỡ từ mọi người. Chính vì suy nghĩ ấy nên trong những cuộc giao lưu của ông với người hâm mộ, cô thường vắng mặt. Cho tới sau này khi ông mất đi, cô mới thật sự cảm nhận được hết sự yêu mến mà mọi người dành cho cha mình và càng tự hào hơn vì được là con gái của ông.

Con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết, sắp tới đây các sáng tác của cha mình sẽ được vang lên trong đêm nhạc chung với nhạc sĩ Đỗ Bảo có tên gọi "Hà Nội mùa chuyển" diễn ra vào tối 21 và 22-4-2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của 4 ca sĩ khách mời gồm: Thanh Lam, Hà Trần, Tấn Minh và Ngọc Anh 3A. Đặc biệt, nhạc sĩ Đỗ Bảo sẽ đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc. Song hành cùng chương trình, họa sĩ Lê Thiết Cương tham gia với hai tác phẩm sắp đặt trên sân khấu và ở sảnh. Đây cũng là lần đầu tiên có một đêm nhạc chung giữa hai nhạc sĩ Phú Quang - Đỗ Bảo.

Nhận định về nhạc sĩ Đỗ Bảo, nghệ sĩ Trinh Hương bày tỏ, cô nhận thấy vị nhạc sĩ này với cha mình có một số điểm chung như đều yêu nhạc giao hưởng, phần phối cho những ca khúc của cả hai cũng luôn dày dặn và chính sự tương đồng này càng làm cô muốn có sự thử nghiệm về việc kết hợp âm nhạc của cả hai. Cũng theo con gái nhạc sĩ Phú Quang thì dù chưa tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ Đỗ Bảo nhưng cô cảm thấy anh là người rất khiêm tốn, nhẹ nhàng, tính tình hiền hòa, bên cạnh đó âm nhạc của Đỗ Bảo cũng rất mềm mại và lãng mạn. Trong khi đó, cô lại thấy âm nhạc của cha mình rất góc cạnh, sắc sảo, luôn có ẩn ý trong đó, cái gì cũng đến tận cùng, xoáy sâu, mỗi câu mỗi từ đều phải có sự day dứt trong đấy. Cùng viết về mùa đông Hà Nội chẳng hạn thì mùa đông của Đỗ Bảo có thể sẽ đẹp hiền hòa hơn, còn mùa đông trong ca khúc của cha cô lại có gì da diết và buốt giá hơn.

Về phần mình, xuất hiện trong buổi giới thiệu về đêm nhạc chung với nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Đỗ Bảo tâm sự, anh từng lớn lên trong những năm tháng mà ở đó những câu hát, câu nhạc trong sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang đã là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Sau này trong những năm 1990-2000, anh có nhiều dịp được làm việc với nhạc sĩ Phú Quang trong những sự kiện biểu diễn mà ông tổ chức, lúc thì anh tham gia với vai trò trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần. Đỗ Bảo tự nhận, nhạc sĩ Phú Quang hóm hỉnh, sắc sảo, nhiều nét tính cách khác xa với mình, trong đó có nhiều điều hay ở ông mà anh quan sát và học hỏi được. Từ đó anh hiểu được ít nhiều và thực sự trân trọng cuộc đời âm nhạc, những thành công cũng như cách mà âm nhạc của vị nhạc sĩ này đã sống được trong lòng công chúng.Nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng bày tỏ, âm nhạc của mình và nhạc sĩ Phú Quang có không ít điểm tương đồng, trong đó có cảm xúc lãng mạn, cảm xúc gắn với mùa đông Hà Nội, luôn đề cao cảm xúc mà không quá chú trọng đến vấn đề hợp thị hiếu theo cách thị trường đã và đang du nhập...

"Thật vui vì bây giờ càng nhận ra những sự trân trọng lặng lẽ, những đồng điệu vô hình luôn là vốn quý trong giới tác giả các thế hệ, là tiền đề cho những cuộc hẹn gặp giữa họ theo một cách rất riêng ít ai ngờ. "Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế", chú Phú Quang đã viết thế. Còn tôi muốn thêm vế sau rằng “chia ly rồi hội ngộ”. Cuộc hội ngộ này của chú cùng tôi có thể là do những điểm tương đồng giữa âm nhạc của chú và và của tôi đều nảy sinh bởi những ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển, môi trường âm nhạc của Hà Nội, bởi những nét tính cách Hà Nội, các mùa của Hà Nội, hay những góc tính cách lãng đãng trong chú và tôi." - nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương (ngoài cùng, bên phải)

Họa sĩ Lê Thiết Cương (ngoài cùng, bên phải)

Về yếu tố thẩm mỹ trong chương trình trên, họa sĩ Lê Thiết Cương - Giám đốc mỹ thuật của chương trình cho biết, ông sẽ giữ nguyên phong cách tối giản của mình, nói không với việc lạm dụng kỹ xảo công nghệ. Theo đó, sân khấu sẽ được trang trí bằng một sắp đặt có tính trừu tượng về sự nhấp nhô của những ngôi nhà trong phố cổ Hà Nội. Cùng với đó, anh sẽ sử dụng thủ pháp điêu khắc bằng ánh sáng để tạo chiều sâu cho sân khấu. Ở tiền sảnh Nhà hát Lớn, anh sẽ làm cổng Hà Nội mùa chuyển, tTn 20 bài hát trong chương trình sẽ được trổ lên mái và hai bên cổng được và khi dùng đèn chiếu từ trên xuống sẽ in lên người nào qua cổng.