80% người bệnh “sính” mua thuốc ngoại

ANTĐ - Hiện nay, sản xuất dược trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh, bao gồm cả nguyên liệu kháng sinh, vaccine, sinh phẩm và những dạng bào chế công nghệ cao, giá rẻ hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu cùng loại. Vậy nhưng trên thực tế, khoảng 80% người bệnh nước ta vẫn đang bỏ tiền để mua thuốc ngoại.

“Sính” thuốc ngoại, bệnh nhân càng phải chịu gánh nặng kinh tế

Kê thuốc ngoại, hoa hồng cao

Con bị sốt cao, kèm đau tai, chị Hoa (ở Ba Đình, Hà Nội) đưa con vào BV Nhi Trung ương khám dịch vụ. Tại đây, cháu được chẩn đoán bị viêm xoang, viêm tai, viêm họng, bác sĩ kê đơn thuốc cho về điều trị ngoại trú. Cầm đơn thuốc ra hiệu thuốc, chị Hoa được yêu cầu nộp 700.000 đồng. Đáng chú ý, trong đơn kê 6 loại thuốc thì có đến 5 loại: kháng sinh, xi rô, long đờm... là thuốc ngoại. Nhân viên bán thuốc cho biết, cùng loại thuốc này nhưng nếu là thuốc nội thì chỉ tốn chưa đến 200.000 đồng, tuy nhiên nếu nhà có điều kiện thì nên dùng thuốc ngoại sẽ nhanh khỏi hơn. Chị Hoa cho biết, “tiền ai cũng xót nhưng thà dùng thuốc ngoại, đắt tiền hơn một chút mà con cái nhanh khỏi còn hơn, cứ để dai dẳng vài hôm thì xót lắm”. Đây cũng là tâm lý chung của phần lớn người dân ở nước ta hiện nay, kể cả người bệnh nghèo. 

Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các BV tuyến Trung ương mới chỉ chiếm khoảng 12% tổng số tiền sử dụng thuốc. Tại tuyến huyện, tỷ lệ này cao nhất cũng chỉ chiếm gần 62%, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở khám chữa bệnh chiếm tỷ lệ khá thấp. Tại Hội nghị “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” do Bộ Y tế tổ chức ngày 20-8, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ: chất lượng của nhiều loại thuốc nội chưa bằng thuốc nhập. Với người bác sĩ, lựa chọn sử dụng thuốc nào thì tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả sau đó mới nói đến chuyện giá cả. Ngoài ra, chủng loại mặt hàng thuốc nội hiện nay tuy đa dạng, khoảng 520 hoạt chất, nhưng chưa có nhiều thuốc chuyên khoa như tim mạch, tiểu đường nên dù cơ sở muốn ưu tiên sử dụng nhưng trong nước chưa sản xuất được. Đấy là chưa kể nhiều khi chính người bệnh lại yêu cầu được dùng thuốc ngoại. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều bác sĩ, dược sĩ trong các BV lớn thừa nhận rằng có thực trạng bác sĩ thích kê thuốc ngoại bởi “hoa hồng” mà các hãng dược trả cao hơn so với thuốc nội. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, ông Hiền cho rằng, đây cũng là một thực trạng nhức nhối và muốn người bệnh dùng thuốc nội nhiều hơn thì cần tuyên truyền trước hết với chính đội ngũ bác sĩ - người kê đơn, làm sao kê loại khỏi bệnh nhưng hợp túi tiền. Không phải trường hợp nào cũng kê thuốc ngoại mà tùy vào khả năng chi trả của người bệnh. Sau đó, cũng phải tuyên truyền đến người dân để thay đổi tâm lý, thói quen sử dụng thuốc. 


Gia tăng gánh nặng

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, Quỹ Khám chữa bệnh BHYT đang chịu áp lực lớn về gia tăng chi phí, trong đó chi phí thuốc cao (60%). Vì vậy, việc kiểm soát chi phí thuốc có ý nghĩa quan trọng. Về giải pháp, ông Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh tới việc Bộ Y tế cần công bố danh mục dữ liệu phục vụ công tác đấu thầu cập nhật (giá trúng thầu đã phân nhóm…), mã hóa thuốc để thống nhất quản lý trong toàn quốc. Các cơ sở khám chữa bệnh, chủ đầu tư thực hiện đấu thầu thuốc cần tăng cường lựa chọn thuốc hợp lý và định hướng ưu tiên sử dụng thuốc trong nước theo quy định.

Khi tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước cung ứng vào BV tăng lên đồng nghĩa với việc giảm số tiền mua thuốc nói riêng và giảm cả tổng chi phí cho ca điều trị nói chung. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện nước ta còn nghèo, thu nhập người dân còn thấp. Tuy nhiên, đây là một bài toán không hề đơn giản.

Hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn thiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” với mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng. Theo Đề án, đến năm 2015, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước trong tổng số tiền mua thuốc tại BV tuyến Trung ương 3%/năm; tuyến tỉnh, thành phố 4%/năm; tuyến huyện 5%/năm; Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 60% nhu cầu sử dụng. Xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước mỗi năm tăng từ 10 - 15% so với năm trước. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trước hết cần chấn chỉnh lại công tác cung ứng thuốc, kê đơn thuốc trong các BV.  Bộ trưởng kêu gọi toàn dân cùng ngành y tế cố gắng thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc.