Ngư dân Việt bình thản ra khơi trước lệnh cấm phi lý từ Trung Quốc

ANTĐ - “Tuy bị mất mát rất lớn nhưng chúng tôi càng quyết tâm ra Hoàng Sa. Dù phía họ có tàu lớn, vũ khí uy hiếp, nhưng với sự đoàn kết của anh em ngư dân trên tàu, cũng như các tàu cá khác, sẽ vững vàng bảo vệ nhau đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình. Mình là ngư dân Việt Nam thì phải đánh bắt trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mình...”.

Tàu cá Quảng Ngãi thẳng tiến ra khơi, bất chấp lệnh cấm phi lý 

Tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vừa thông qua “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” và có hiệu lực từ 1-1-2014. Theo đó, người nước ngoài và tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý, bao gồm phần lớn diện tích biển Đông, để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính.

Tuyên bố phi lý, ngang ngược trên lại một lần nữa gây phản ứng kịch liệt nhiều nước trên thế giới.

Gặp chúng tôi, thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh (ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn còn bức xúc khi bị tàu kiểm ngư Trung Quốc tấn công: “Trưa 3-1-2014, chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ bị lực lượng Kiểm ngư Trung Quốc xông tới tấn công. Họ dùng roi điện, dùi cui khống chế tất cả ngư dân trên tàu rồi đập phá, thu giữ số máy móc, dụng cụ, nhiên liệu trên tàu, ước tính thiệt hại có thể lên tới 300 triệu đồng”.

Thiệt hại là vậy, nhưng ông Thạnh cũng như 12 thuyền viên trên tàu vẫn tiếp tục vay mượn tiền sửa chữa, sắm lại phương tiện chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới. “Tuy bị mất mát rất lớn, nhưng chúng tôi càng quyết tâm ra Hoàng Sa. Dù phía họ có tàu lớn, vũ khí uy hiếp, nhưng với sự đoàn kết của anh em ngư dân trên tàu cũng như các tàu cá khác, chúng tôi sẽ vững vàng bảo vệ nhau đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình. Mình là ngư dân Việt Nam thì phải đánh bắt trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mình...”.

Những ngày qua các tàu cá ở huyện đảo Lý Sơn, sau khi cập bến mang đầy tôm cá, thì lại tiếp tục thẳng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa cho kịp phiên biển cuối năm trước Tết nguyên đán. Hiện nay, phần lớn tàu cá của ngư dân Lý Sơn đều tham gia khai thác hải sản tại ngư trường vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống. Mấy trăm năm trước, tổ tiên ông bà của ngư dân Lý Sơn đã đổ xương máu, đạp sóng ra đây để đo đạc hải trình, dựng bia cắm mốc chủ quyền. Phi lý thay, những năm qua hết lần này đến lần khác Trung Quốc ban hành lệnh cấm không cho đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Thuyền trưởng Hoàng Tuấn Thanh, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết, vừa cập bờ 4 ngày nay và anh đang chuẩn bị cho chuyến ra Hoàng Sa trong vài ngày tới. Anh Thanh biết rất rõ về lệnh cấm biển phi lý của Trung Quốc cả về thời gian, vùng lãnh hải..., song anh không mấy quan tâm đến lệnh cấm này. “Chúng tôi ra khơi, đánh bắt trên vùng biển truyền thống là Hoàng Sa của Việt Nam. Chúng tôi là ngư dân, mong sao đánh được nhiều cá trên ngư trường của mình, chẳng quan tâm và cũng chẳng phải lo sợ gì”, anh Thanh cho biết.

Cùng song hành với ngư dân, chính quyền huyện Lý Sơn luôn kề vai sát cánh  hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển, bám ngư trường. Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động ngư dân về chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, về ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền trên biển. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, thời gian qua, phía Trung Quốc đã không ít lần đập phá tài sản, ngư lưới cụ... gây thiệt hại kinh tế cho ngư dân. Vì thế huyện Lý Sơn chỉ đạo các Nghiệp đoàn Nghề cá mỗi lần xuất tàu ra khơi cần tăng số lượng từ 3 đến 5 chiếc để hỗ trợ lẫn nhau.

Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát Biển sẽ liên kết chặt chẽ với Hải quân và các lực lượng khác thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ ngư dân. Ngư dân Đỗ Thanh Hồng, ở huyện Bình Sơn dõng dạc nói: “Tiếp nối truyền thống bao đời nay, ngư dân miền Trung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng luôn vững vàng, tự tin trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Dù Trung Quốc có tàu cá bọc sắt, tàu hải giám với vòi rồng, vũ khí tối tân, cũng không ngăn chặn được ngư dân Việt Nam mưu sinh trên vùng biển của Tổ quốc mình. Mãi mãi con cháu sau này vẫn nối tiếp truyền thống bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, giữ lấy chủ quyền thiêng liêng mà cha ông ta đổ máu xương xác lập và gìn giữ...”.

Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có ngư dân ra Hoàng Sa, Trường Sa đông nhất. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 tàu thuyền đi biển, trong đó phân nửa đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa - ngư trường quen thuộc bao đời nay của ngư dân Việt Nam. Lần này, ngư dân Quảng Ngãi vẫn bình thản ra khơi, ra vùng biển thiêng liêng của mình. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước và người dân mọi miền đất nước, ngư dân Quảng Ngãi càng tự tin đạp sóng ra khơi bám biển, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc...