Cần quy định rõ chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng với doanh nghiệp tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ những lực lượng mới nhỏ, sáng tạo nhưng dễ bị tổn thương trong môi trường thể chế thiếu ổn định và khó tiên liệu.

Phát biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân sáng 16-5, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) cho rằng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Do vậy, cần có thể chế hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển.

Cho ý kiến về một số nội dung liên quan, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm khởi nghiệp sáng tạo; có chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phân định rõ trách nhiệm cá nhân với pháp nhân, giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự. Chính phủ cần rà soát lại những bộ luật có liên quan như Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… và các nghị định, thông tư để giải quyết thấu tình đạt lý vấn đề này.

Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, theo đại biểu, cần có cơ chế để các địa phương đang có thế mạnh về đất đai thành lập các khu kinh tế, công nghiệp để doanh nghiệp tư nhân thuê với giá hỗ trợ.

Đồng thời, cần quy định rõ ràng hơn về hỗ trợ lãi suất để ngân hàng thương mại có thể giải ngân cho vay.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) phát biểu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) phát biểu

Còn theo đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai), cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ nhưng gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ những lực lượng mới nhỏ, linh hoạt, sáng tạo nhưng dễ bị tổn thương trong môi trường thể chế thiếu ổn định và khó tiên liệu.

Vì vậy, chính sách hỗ trợ đất đai cần dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi là đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của luật đất đai tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng hoặc mâu thuẫn với quy hoạch hiện hành; công khai thông tin đất đai và một phần sản xuất kinh doanh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia có kết nối với hạ tầng số địa phương và hệ thống đăng ký doanh nghiệp; phân định rõ giữa hỗ trợ có điều kiện và ưu đãi đặc biệt, tránh bị lợi dụng chính sách, nhất là trong xác lập giá thuê đất, định giá tài sản công.

Chính sách hỗ trợ đất đai không chỉ là biện pháp mà là một cấu phần thể chế quan trọng cho quản lý tài nguyên công hiệu quả và minh bạch.

Cần xác lập cơ chế điều phối phân cấp và liên thông hiệu quả phù hợp với năng lực địa phương và tính chất đa ngành của chính sách. Dù dự thảo nghị quyết giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh cho việc xác định tiêu chí, danh mục, mức hỗ trợ cho thuê đất, cho thuê tài sản công, song nếu thiếu cơ chế điều phối và công cụ số hoá đồng bộ thì địa phương quyết dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu.

“Do đó, cần thiết lập nền tảng số dùng chung, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ cập nhật thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ phân bổ và giám sát chính sách, phân định rõ vai trò của trung ương trong việc xây dựng chuẩn dữ liệu, tiêu chí pháp lý nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao hiện còn rải rác trong nhiều luật chuyên ngành”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thảo luận

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thảo luận

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp rất khó tiếp cận với tín dụng nên cần phải có quy định tháo gỡ. Với ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu, dù dự thảo quy định, những dự án dưới 20 tỷ đồng ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng điều kiện xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ còn bất cập.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ về chính sách thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với quốc tế Việt Nam luôn gặp phải tranh chấp thương mại nên cần hỗ trợ về tư pháp. Cùng với đó là doanh nghiệp cần sự ổn định về chính sách, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.