Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

ANTĐ - Việc Trung Quốc đưa khách du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa vi phạm chủ quyền của Việt Nam không chỉ khiến tất cả người dân Việt Nam phẫn nộ mà còn vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. 

Dư luận thế giới đã chỉ trích mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc và coi đó là: Sự ỷ thế của một nước lớn “bắt nạt” nước bé, là hành động “không thể chấp nhận được”,  “một hành động đáng xấu hổ”,  “một việc đòi chủ quyền hết sức phi lý”… Báo ANTĐ đã đăng tải ý kiến của độc giả khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự bất bình trước hành động này. Báo ANTĐ cuối tuần tiếp tục đăng tải các ý kiến của văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ: Phải xem Trung Quốc làm gì chứ không nên chỉ nghe họ nói gì

Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ảnh 1

Đưa khách du lịch ra Hoàng Sa là việc làm mà Trung Quốc đã từng công bố. Họ đã có kế hoạch thực hiện từ lâu. Chúng ta cũng đã biết và có sự phản đối quyết liệt từ cơ quan ngoại giao và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là: Thứ nhất việc họ tổ chức du lịch ra Hoàng Sa là một trong những hoạt động để khai thác tiềm năng kinh tế ở Biển Đông, một trong những mục tiêu “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Thứ hai, điều quan trọng hơn là thông qua hoạt  động này  để họ giành lấy sự công nhận của khách du lịch, kể cả khách du lịch Trung Quốc lẫn nước ngoài, là công dân hay quan chức, đối với “chủ quyền” của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa. Bởi vì, muốn đi du lịch Hoàng Sa thì phải làm thủ tục theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của các cơ quan quản lý, các tổ chức du lịch Trung Quốc, phải tuân thủ mọi quy định hành chính của họ. Như vậy mặc nhiên là đã phải thừa nhận “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ đã dùng vũ lực để xâm chiếm của Việt Nam.

Một điều đáng lưu ý nữa là hành động này lại được thực hiện trong bối cảnh hiện nay: Một mặt họ nói cần tôn trọng tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên trong Biển Đông (DOC), sẽ cùng các nước ASEAN xúc tiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong cuộc họp Bác Ngao mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ ngồi đàm phán với các nước về Biển Đông. Hay trong cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei hôm 11-4, Trung Quốc đã chủ động đề xuất  tổ chức một cuộc họp đặc biệt  nhằm đẩy nhanh tiến độ thông qua Bộ quy tắc ứng xử này… Tuy nhiên, thực tế thì họ lại triển khai những hoạt động đi ngược hoàn toàn với những gì họ nói. Tất cả những hành động trong thời gian gần đây của Trung Quốc rõ ràng đều nằm trong chiến dịch gây sức ép, tạo lợi thế cho họ trên thực địa trước khi ngồi vào bàn đàm phán với các nước ASEAN, buộc các nước phải chấp nhận yêu sách biên giới “lưỡi bò” phi lý của họ. Vì vậy, mặc dù chúng ta có thiện chí và rất hoan nghênh những tuyên bố mới đây của Trung Quốc có liên quan đến tiến trình đàm phán hòa bình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, nhưng do những diễn biến trên thực tế vừa qua đã buộc chúng ta phải cảnh giác, phải xem Trung Quốc làm gì chứ không nên chỉ nghe họ nói gì; cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, phải có trách nhiệm làm cho dư luận hiểu rõ vấn đề để cùng chúng ta giữ cho Biển Đông được yên bình, hợp tác và phát triển…   

Nhà giáo nhân dân, PGS, nhạc sĩ Hoàng Dương: Dư luận thế giới phản ứng dữ dội hành động của Trung Quốc

Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ảnh 2
Tôi cũng như tất cả đồng bào Việt Nam, khi nghe tin Trung Quốc đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều hết sức phẫn nộ. Đây là hành động trắng trợn xâm phạm chủ quyền đất nước Việt Nam. Tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ chúng tôi đều cùng chung phản ứng trước hành vi không có đạo lý này. Là người Việt Nam tôi cảm thấy bị xúc phạm trước hành động ức hiếp một cách quá đáng của một nước lớn cậy sức mạnh để đàn áp các nước nhỏ. Chắc chắn hành vi đó không được sự ủng hộ của cả nhân loại. Qua theo dõi báo chí, tôi thấy dư luận thế giới cũng phản ứng dữ dội trước hành động ngang ngược này. Hoàng Sa là chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam mà cả thế giới đều biết. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải tranh thủ dư luận của toàn thế giới để đấu tranh làm rõ trắng đen. Việt Nam cần công bố cho cả thế giới biết hành động của Trung Quốc đang tiến hành là trái phép, Trung Quốc đang bộc lộ rõ âm mưu của mình là đẩy mạnh các hoạt động dân sự trên các vùng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc không có quyền được đưa khách du lịch tới khu vực đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, trong một chừng mực nào đó, việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để khẳng định chủ quyền cũng cần phải được tính tới. Nhà văn Lê Lựu: Việt Nam không phải là nước dễ ăn hiếp

Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ảnh 3
Tôi là người Việt Nam. Mà đã là người Việt Nam không ai không phẫn nộ những hành động bỉ ổi của Trung Quốc. Tôi đã từng nói trên báo chí rằng Trung Quốc là một nước lớn nhưng tư cách rất kém cỏi và nên “tu chỉnh” đạo đức để cho xứng đáng là một nước lớn. Việc Trung Quốc đưa du khách trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động của một nước lớn nhưng mà hèn. Ăn hiếp nước bé là tư cách kém cỏi.  Việt Nam bé nhưng không phải là nước dễ ăn hiếp. Việt Nam phải giữ vững chủ quyền Việt Nam, tư cách Việt Nam, truyền thống Việt Nam không để cho bất cứ kẻ nào ăn hiếp chúng ta.GS.TSKH, nhà Việt Nam học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Trung Quốc coi thường dư luận quốc tế

Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ảnh 4
Trung Quốc đang coi thường dư luận và không có phản hồi gì khi chúng ta đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).  Trước hết chúng ta cần phải tuyên bố hết sức mạnh mẽ cả bằng con đường ngoại giao lẫn dư luận trong nước, thế giới rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi theo hệ thống luật pháp quốc tế, nếu chúng ta không tiếp tục khẳng định chủ quyền thì việc Trung Quốc tiếp tục lặp lại hành vi sai trái một cách mặc nhiên như thế, lâu dần họ sẽ có lợi thế trong cách nhìn của pháp luật quốc tế. Thứ hai, đây là cơ hội để chúng ta triển khai việc giáo dục trong toàn dân, đặc biệt là giới trẻ, lớp học sinh - sinh viên ý thức đối với chủ quyền lãnh thổ, hải đảo, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, những người làm công tác nghiên cứu, có kiến thức thâm sâu về lịch sử Việt Nam trên thế giới đến từ Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Mỹ… ủng hộ chúng ta rất mạnh, coi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vô cùng đậm nét bởi ngoài những văn bản về mặt hành chính liên tục trong nhiều thế kỷ, thì Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện rất rõ. Vì vậy, chúng ta cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để dư luận quốc tế hiểu rõ vấn đề và ủng hộ chúng ta với số đông trên diện rộng.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, chuyên gia về Hoàng Sa và Trường Sa: Không thể để Trung Quốc biến vấn đề Biển Đông thành chuyện đã rồi

Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ảnh 5
Tôi cho rằng đây là một hành động gây hấn của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng ta cần  biết rằng Trung Quốc đang ngày càng ngang nhiên thực hiện ý đồ xâm chiếm đối với các đảo của chúng ta và tìm mọi cách để hợp thức hóa việc đó đối với dư luận thế giới. Việc Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối hành động trên của Trung Quốc là cần thiết. Đó chính là cách chứng minh tốt nhất để cộng đồng thế giới biết được chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, lịch sử hàng nghìn năm nay đã chứng minh, chúng ta luôn có cơ hội để chứng tỏ chủ quyền đất nước. Nhưng trong lúc chờ thời cơ tới, chúng ta vẫn phải liên tục nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo, không để Trung Quốc thực hiện ý định biến vấn đề Biển Đông thành chuyện đã rồi.PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Không công nhận những chuyến du lịch trái phép của Trung Quốc

Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ảnh 6
Đứng về góc độ du lịch, hiện nay Việt Nam rất chú trọng phát triển những tuyến du lịch đường biển, trong đó có những tuyến nối với Trung Quốc. Trước đây, trong đề án phát triển du lịch đường biển, chúng ta có những tuyến do phía Việt Nam tổ chức khi đi qua khu vực vùng biển Hoàng Sa. Sắp tới đây, đề án phát triển du lịch biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ triển khai tuyến du lịch này.  Hành động của Trung Quốc đưa khách du lịch ra Hoàng Sa là trái phép nên tất cả những tàu đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa sẽ không được Việt Nam chấp nhận. Những chuyến tàu đưa khách du lịch của họ đi đâu là việc của Trung Quốc, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng những chuyến tàu đó không thể đến Việt Nam. Đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam cũng thể hiện rõ quan điểm hành động Trung Quốc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền lãnh thổ, hải đảo Việt Nam, nếu phía Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch từ Trung Quốc tới Hoàng Sa rồi tới các nước ASEAN thì phía Việt Nam sẽ đề nghị các nước ASEAN không tiếp nhận những con tàu đó. Về góc độ du lịch, chúng ta tiếp tục phải tỏ thái độ quyết liệt, có những tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng ASEAN về hành động sai trái của Trung Quốc để những tuyến du lịch của Trung Quốc không thể nào gọi là tuyến quốc tế, khi đó không một ai công nhận những chuyến du lịch  trái phép của Trung Quốc.