Lại lo tham nhũng

ANTĐ - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (PCI) do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) vừa công bố là báo cáo có nhiều nội dung gây bất ngờ nhất trong tổng số 8 bản báo cáo đã được công bố những năm gần đây. Bức tranh PCI 2012 nhìn chung là đáng lo ngại.

Chất lượng điều hành kinh tế, theo đánh giá của doanh nghiệp, có sự sụt giảm nghiêm trọng (đặc biệt ở các địa phương trước đây có chất lượng điều hành tốt) thể hiện hai mặt của vấn đề. Một mặt, chất lượng điều hành kinh tế giảm sút có thể tác động xấu đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, cũng phải thừa nhận tình hình kinh tế khó khăn vài năm qua và kết quả kinh doanh giảm sút đã tăng thêm gam màu ảm đạm trong cảm nhận của doanh nghiệp.

Nhiều tỉnh thành từng nằm ở vị trí cao trong bảng xếp hạng đã bị tụt xuống vị trí thấp. Điều đáng lo ngại hơn là trong báo cáo PCI năm 2012 của VCCI là chỉ tiêu “chi phí không chính thức” đã thay đổi. Cũng theo báo cáo, tình trạng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thực hiện thủ tục hay còn gọi là “tham nhũng vặt” ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong năm qua. Tuy nhiên, có tới 41% doanh nghiệp thừa nhận họ đã phải trả hoa hồng cho cơ quan Nhà nước để giành được hợp đồng (so với 23% năm 2011). 

Thế nhưng nếu như PCI 2011 nổi lên “tham nhũng vặt” thì trong PCI 2012 những tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên. Nhà nước ra quy định đấu thầu công là để minh bạch,chống tham nhũng vậy mà nó cũng được biến thành cái công cụ để tham nhũng tinh vi và trắng trợn hơn. Có 41% doanh nghiệp đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để giành được hợp đồng với cơ quan Nhà nước, tăng rất mạnh so với mức 23% của năm 2011. Trong đó, xu hướng chấp nhận trả hoa hồng nhiều nhất là ở doanh nghiệp có quy mô vừa. Doanh nghiệp tăng trưởng tích cực có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những doanh nghiệp  chấp nhận trả hoa hồng thì có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn. Tiến sĩ Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ) - trưởng nhóm nghiên cứu PCI, cho rằng hiện tượng này là dấu hiệu tham nhũng nhỏ giảm, tham nhũng lớn tăng. 

Ngoài 8.053 doanh nghiệp trong nước, nhóm nghiên cứu còn khảo sát trên 1.500 doanh nghiệp FDI thấy có 55% doanh nghiệp FDI tham gia các hoạt động trả “chi phí không chính thức”. Và thấy các biện pháp đối phó rủi ro của các doanh nghiệp là: liên doanh với doanh nghiệp địa phương, liên kết để vận động chính sách; tác động chính quyền địa phương để thay đổi cách thực hiện, thậm chí chỉ giải ngân một phần vốn, chờ đến khi thật sự tin tưởng mới làm tiếp...

Như vậy, doanh nghiệp trong nước hoạt động càng về sau càng bớt phải lót tay nhưng với doanh nghiệp FDI, càng hoạt động lâu càng tăng hối lộ... nhưng lĩnh vực này thường có lợi nhuận cao hơn nên doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng hối lộ cao hơn. Điều đó có nghĩa là tham nhũng đã đi vào chiều sâu và ngày càng nguy hiểm, mức độ thiệt hại ngày càng lớn hơn, khó phát hiện hơn...

Thực tế trên cũng đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền Trung ương và các địa phương trong việc phối hợp chống tham nhũng, tăng tính công khai và minh bạch… bởi những thách thức này đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay.