Hậu kỳ thi THPT quốc gia:

Còn nhiều vấn đề nóng phải giải quyết

ANTĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được đánh giá là thành công khi giảm được gần 1 triệu hồ sơ ảo vào ĐH, CĐ. Kỳ thi được thực hiện đúng kế hoạch, tạo ra những tiền đề cơ bản cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm. 
Còn nhiều vấn đề nóng  phải giải quyết ảnh 1

Sẽ tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện kỳ thi quốc gia năm sau

Chưa kết luận chính thức về vụ “lộ đề”

Trước thông tin CATP Hà Nội tạm giữ 2 sinh viên đang đọc lời giải môn Lịch sử cho thí sinh tại điểm thi trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thuộc cụm thi của Học viện Kỹ thuật quân sự, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. “Chúng tôi đang bám sát thông tin, sau khi có kết luận sẽ xử lý nghiêm theo quy chế”- ông Mai Văn Trinh nói.

 Trước tin đồn “lộ đề” ngoại ngữ trên mạng xã hội Facebook, ông Mai Văn Trinh chia sẻ, sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Thông tin ban đầu, tài khoản Facebook nói trên đã bị hack. Tài khoản này lập từ năm 2013 và từ đó đến nay chỉ dùng 4 lần để đăng thông tin. Được biết, sau buổi thi tiếng Anh, một giáo viên dạy tiếng Anh đã chia sẻ những bức ảnh của một thí sinh gửi và cho rằng đề thi đã được phát tán vào lúc 15h, tức là khi buổi thi môn Ngoại ngữ mới bắt đầu được 30 phút.

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ đây chỉ là sản phẩm hình ảnh được chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop vì theo quy định, sau khi phát đề, cán bộ coi thi phải yêu cầu thí sinh ghi họ tên, số báo danh lên đề thi. Tuy nhiên, mã đề được phát tán lại để trống các mục này. 

Cùng với đó, ngày 3-7, trên mạng cũng đưa lên một đề thi và nói rằng đó là đề thi môn Lịch sử. “Đề thi đó không đúng”- ông Mai Văn Trinh khẳng định. Giải thích thế nào là lộ đề, ông Mai Văn Trinh nói: “Lộ đề là biết trước khi bóc đề, còn sau khi hàng triệu thí sinh đã biết đề thi, thì không phải là lộ đề mà chỉ có thể là lọt đề ra ngoài phòng thi”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc xử lý những hành vi vi phạm quy chế thi cần thận trọng, có tình, có lý. “Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho những năm sau” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định. 

Sẽ tiếp tục điều chỉnh 

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ông Mai Văn Trinh cho biết: “Một kỳ thi an toàn, nghiêm túc được đánh giá trên nhiều phương diện. Về hình thức, trường thi sạch sẽ hơn, không còn hiện tượng phao thi rải trắng sân trường như nhiều năm trước... Một số nơi phao thi (nếu có) chỉ xuất hiện ở cổng trường, ngoài trường thi. Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo hội đồng thi nơi có tình trạng này tăng cường gíám sát và những hình ảnh như vậy đã không lặp lại ở các buổi thi tiếp theo”. 

Một trong những khâu bị đánh giá là lãng phí của kỳ thi này là việc dành riêng phòng thi cho 1 thí sinh dự thi các môn tự chọn. Trong khi đó, theo thống kê của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chỉ có 1% thí sinh đồng thời chọn thi cả 2 môn Lịch sử và Địa lý hoặc đồng thời chọn 2 môn Vật lý và Hóa học. Số lượng thí sinh dự thi môn Lịch sử trên toàn quốc cũng không nhiều.

Trước đề xuất về việc ghép 2 môn thi vào một buổi thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc bố trí cho thí sinh dự thi dù chỉ có một người là tạo điều kiện cho thí sinh, tốn kém vẫn phải làm. Còn việc ghép 2 môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí năm trước đã từng làm. Tuy nhiên, thời gian của môn thi dài như đợt thi này mà ghép sẽ khổ cho thí sinh.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cam kết sẽ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh việc này vào kỳ thi năm sau. 

Chưa đưa ra định hướng cụ thể cho mùa thi năm sau, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: “Kỳ thi này ưu điểm có, hạn chế có, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn”.

Kỳ thi THPT quốc gia có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký, trong đó có 28% thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và 72% thí sinh sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ. Số lượng thí sinh “ảo” giảm mạnh so với 2014 - năm có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự tuyển 
ĐH, CĐ.