Sẽ kiện hãng đấu giá Sotheby’s?

(ANTĐ) - 4 bức tranh gán “mác” Bùi Xuân Phái mà Hãng đấu giá về mỹ thuật nổi tiếng thế giới Sotheby’s rao thông tin đấu giá tại Hồng Kông đã bị con trai của cố họa sỹ - ông Bùi Thanh Phương tố cáo là tranh giả.

Con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái:

Sẽ kiện hãng đấu giá Sotheby’s?

(ANTĐ) - 4 bức tranh gán “mác” Bùi Xuân Phái mà Hãng đấu giá về mỹ thuật nổi tiếng thế giới Sotheby’s rao thông tin đấu giá tại Hồng Kông đã bị con trai của cố họa sỹ - ông Bùi Thanh Phương tố cáo là tranh giả.

Phân biệt tranh thật, tranh giả

Ông Bùi Xuân Phương khẳng định với phóng viên Báo An ninh Thủ đô rằng “Tranh Bùi Xuân Phái không thể làm giả”. Là một họa sỹ, hơn nữa lại từng được vẽ cùng cha suốt một thời gian dài nên hiển nhiên, ông Phương “thuộc lòng” tranh của Bùi Xuân Phái. Những đặc điểm mà không ai có thể nhái được Bùi Xuân Phái đã được chỉ ra như sau: 1 - Bùi Xuân Phái rất hay dùng dao (phay) thay cho cọ để vẽ, do đó bề mặt tranh luôn có độ gồ ghề nhất định chứ không “lì”, cảm xúc lắng đọng và qua nhiều năm thì màu sơn càng trong vắt. 2 - Tranh của Bùi Xuân Phái luôn có yếu tố “bỏ sót” và tính khái quát cao, ví như mảng phông nền tô không kín, khuôn mặt thiếu nhiều chi tiết...

1. Phác thảo - Tranh Chèo giả
1. Phác thảo - Tranh Chèo giả 

Điều này xuất phát từ tâm thế khi ông vẽ: Vẽ hoàn toàn cho mình, vẽ để chơi, vẽ cho hả chứ không phải để bán, vì thời còn sống, tranh của Bùi Xuân Phái không đắt như bây giờ và cũng chẳng mấy ai mua. 3 - Tranh phố Phái luôn có một cấu trúc nhà cổ nhất định, những cây cột điện rất có hồn và đượm buồn nhưng là nỗi buồn trong trẻo.

Số tranh gán “mác” Bùi Xuân Phái mà Hãng Sotheby’s rao đấu giá tại Hồng Kông có tất cả 5 bức bao gồm: Phác thảo, Chèo, Phố, Cảnh phố và Mèo đỏ. Trong đó, theo họa sỹ Bùi Thanh Phương, chỉ có duy nhất bức Mèo đỏ vẽ nhân dịp Tết Đinh Mão (1987) là tranh thật, 4 bức còn lại là giả, hơn thế lại là sự sao chép thô vụng và ngô nghê. Ông Phương chỉ rõ: “Phác thảo và Chèo không chép lại bức nào của Bùi Xuân Phái mà tự chế tác và mô phỏng vài kiểu dáng trong một số bức tranh vẽ Chèo của danh họa. Tuy nhiên, người chế tác không biết rằng đặc trưng tranh Chèo của Bùi Xuân Phái là ông không mô tả chi tiết mắt, mũi, mồm trên khuôn mặt của diễn viên. Thế nên, tranh Chèo của Bùi Xuân Phái thường mang nét liêu trai, cô hồn và vì vậy ông không được triển lãm bức tranh Chèo nào cho đến tận Triển lãm cá nhân năm 1984”. Đây cũng là hai bức dễ nhận ra là tranh giả nhất vì nét vẽ vụng về, khuôn mặt như hề của hai diễn viên cùng những chi tiết nực cười như cái dây phơi và mấy chiếc mắc áo chỏng chơ (xem ảnh 1).

2.Tranh Chèo thật
2.Tranh Chèo thật

Hai bức tranh phố thì sao chép lại Phố Tạ Hiện (1970) và Hàng Bạc (1966) với một số chi tiết thêm bớt. Người làm giả tranh cũng phạm sai lầm khi vẽ mảng tường gạch tróc lở ở phố Tạ Hiện một cách quá tỉ mẩn trong khi Bùi Xuân Phái chỉ phác qua vài nét. Bên cạnh đó, mảng trời mây được vẽ bằng dao trong tranh thật sinh động hơn hẳn trong bức tranh nhái.

Mức giá khởi điểm mà Hãng Sotheby’s đưa ra với 4 bức tranh Bùi Xuân Phái mà họa sỹ Bùi Xuân Phương cho là tranh giả này dao động trong khoảng 200.000 HKD (đôla Hồng Kông) - tương đương khoảng 400 triệu đồng Việt Nam... Riêng bức tranh Mèo đỏ có giá thấp hơn là 40.000 - 50.000 HKD có thể vì do khổ tranh nhỏ. Vì trang thông tin đấu giá đã bị gỡ bỏ chiều 6-10 nên không rõ buổi đấu giá dự kiến diễn ra tại Hồng Kông cùng ngày có được tiến hành hay không và nếu đã diễn ra thì những bức tranh nghi là giả kia đã bán được bao nhiêu.

Hãng Sotheby’s đã nhiều lần bán tranh Bùi Xuân Phái giả

Ông Bùi Thanh Phương đã tìm được một số bằng chứng cho thấy Hãng Sotheby’s từng bán tranh Bùi Xuân Phái giả trước đây. Đó là ba bức Trước giờ biểu diễn (bị đổi tên thành Các diễn viên Chèo), Ông Trần Thịnh và Phố cổ (bị đổi tên thành Những ngôi nhà). Cả ba bức này đều thuộc sở hữu của nhà sưu tập có tên Philip Ng và được bán trót lọt vào ngày 8-4-2008. Sở dĩ ông Phương dám khẳng định số tranh Sotheby’s đã bán ở trên là giả là vì hiện bức Trước giờ biểu diễn còn đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác giả đã tặng cho Hội Mỹ thuật ngay sau triển lãm năm 1984 và Hội lại chuyển giao cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Hơn thế nữa, tôi chính là người mua toan, căng vải cho cha vẽ bức này. Tôi còn nhớ từng chiếc đinh mình đóng quặt về bên trái hay bên phải” - Họa sỹ Bùi Xuân Phương chắc chắn. Một chứng cứ khác: khi nhái lại bức Trước giờ biểu diễn, người làm tranh giả đã chuyển từ chất liệu sơn dầu của tranh gốc sang thể loại sơn mài - một thể loại xa lạ với phong cách của Bùi Xuân Phái. Cũng theo ông Phương, bức chân dung Ông Trần Thịnh vẫn do bà Thẩm Đôn Thư - vợ của ông Thịnh hiện đang sống tại Pháp lưu giữ. Còn bức Phố cổ có thể xác định là bị làm giả thành Những ngôi nhà theo phương pháp phân tích tranh như đã nêu ở trên.

Nếu những phân tích và chứng cứ mà họa sỹ Bùi Thanh Phương đưa ra là xác thực thì rõ ràng, việc đấu giá và bán tranh Bùi Xuân Phái giả của Hãng Sotheby’s đã là một tiền lệ. Ông Phương đã gửi hai lá thư chính thức cho hai người phụ trách mục đấu giá của Sotheby’s tại Hồng Kông vào ngày 5-10 tuy nhiên chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào. Hiện ông Phương vẫn chờ hồi âm từ phía Hãng đấu giá này và nếu tiếp tục không nhận được phúc đáp, ông sẽ đâm đơn kiện ra Tòa án CH Pháp. Ông Bùi Thanh Phương cho biết: “Nếu tôi kiện, tôi tin là tôi sẽ thắng. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn, điều tôi muốn là Sotheby’s cần có một lời xin lỗi và không lặp lại sai lầm một lần nữa”.

Hoàng Hồng