Phim cuối tuần trên HBO (21h tối thứ bảy 30-5):

“Chim sơn ca” - Thưởng thức một thách thức

ANTĐ -  Titanic có thể là một trong những bộ phim kỹ thuật đầy tham vọng và đắt giá nhất từng được thực hiện, nhưng “Nightingale”, bộ phim lần đầu được chiếu trên kênh HBO ngày thứ bảy 30-5, có vẻ còn được đánh giá cao hơn chính ở sự đơn giản đáng ngạc nhiên của nó.

Kéo dài 83 phút, song toàn bộ bối cảnh của “Nightingale” (Chim sơn ca) chỉ diễn ra ở một địa điểm duy nhất với một diễn viên duy nhất. Không có chuỗi những giấc mơ, những đoạn hồi tưởng hoặc các hiệu ứng đặc biệt. Và trong ranh giới đó, diễn xuất của David Oyelowo (người nổi tiếng với vai diễn trong Selma, bộ phim đoạt giải Oscar), quả thực khiến người xem kinh ngạc.

“Chim sơn ca” -  Thưởng thức một thách thức ảnh 1

Địa điểm duy nhất trong “Nightingale” - căn phòng ngủ của Peter

Trong “Nightingale”, Oyelowo, ngôi sao điện ảnh da màu của Mỹ vào vai Peter Snowden, một cựu binh bị ám ảnh nặng nề bởi chiến tranh, một nhân viên bán hàng siêu thị đang chìm đắm trong thế giới nội tâm phức tạp. Người duy nhất mà anh tỏ ra yêu thương là Edward, bạn thân thời quân ngũ, song điều ám ảnh về cái chết của Edward lại như một chất độc len lỏi trong tâm hồn Peter. Chỉ với chiếc điện thoại trong phòng ngủ hay camera máy tính, Peter đưa người xem đến với thế giới của những con người hiện hữu như chị gái của anh ta, Vicky, một đại diện dịch vụ khách hàng dùng thẻ tín dụng, những người bạn của mẹ mình và các thành viên nhà thờ. Những đoạn thoại khác với vợ của Edward, Gloria, khiến người xem hiểu rằng Peter đang vô cùng đau đớn và sợ hãi. 

Một bộ phim chỉ với một nhân vật từ trước tới nay vẫn được coi là thách thức lớn đối với điện ảnh và rất khó để giữ khán giả ngồi suốt 80 phút trước màn hình. Trước “Nightingale” đã có một vài bộ phim tương tự, chủ yếu là đi sâu vào nội tâm của các bệnh nhân tâm thần, song phần lớn các bộ phim đó đều mô tả ít nhất một vài tương tác của nhân vật với những người tỉnh táo.

Như bộ phim “Repulsion” (Sự ghê tởm) của Roman Polanski năm 1965, tập trung vào mô tả những tưởng tượng méo mó của một phụ nữ trẻ bị kìm nén nhu cầu tình dục, song vẫn có những nhân vật khác trong phim, gồm những người đàn ông cắt ngang cơn điên chết người của cô. Tom Hanks cũng từng vào vai một người đàn ông điên loạn sống một mình trên đảo vắng trong “Cast Away” (Trên hoang đảo), nhưng trong phim vẫn có những cảnh trước và sau quãng thời gian đó. Trong “Buried” (Chôn sống), Ryan Reynolds là một con tin bị nhốt trong một chiếc quan tài dưới hầm sâu ở Iraq, song khi xem phim khán giả vẫn có thể nghe được những cuộc thoại của anh với những kẻ bắt cóc, với gia đình và Bộ ngoại giao.

Còn trong “Nightingale”, Peter chỉ có một mình từ đầu tới cuối, trong căn nhà vắng ngắt của anh cùng cái xác của người mẹ già “quen kiểm soát và không muốn anh có một ngày vui vẻ” mà anh đã tự tay giết chết. Cũng có một cái nhìn từ xa của người hàng xóm qua cửa sổ, hay một người đàn ông gọi tên Peter qua cửa chính, song ngay cả những dấu hiệu của sự sống đó cũng được diễn tả hệt như ảo tưởng của thế giới bên ngoài. Và thay vì trông đợi những khung cảnh khác, người xem lại tập trung vào diễn xuất đặc tả nội tâm của Oyelowo, vốn được kết hợp cực kỳ tài tình với âm nhạc và phục trang, động tác.     

Frederick Mensch viết “Nightingale” khi đã 56 tuổi và trước bộ phim, chưa có tác phẩm nào của ông được chuyển thể thành kịch bản. Tuy nhiên ngay khi được gửi lên Black List, một dịch vụ đọc sách trực tuyến, “Nightingale” đã lập tức trở thành tác phẩm được chú ý của năm 2014 và lọt vào danh sách các kịch bản chưa sản xuất tốt nhất. Ngay sau khi đọc kịch bản, Josh Weinstock, một nhà đồng sản xuất của Brad Pitt đã mang ngay nó đến cho đạo diễn Elliott Lester.

Bộ phim được đánh giá là “khó xem nhưng lại có sức lôi cuốn đặc biệt khiến ta không thể bỏ giữa chừng” được quay chỉ trong có 16 ngày và lần đầu tiên xuất hiện trên HBO. Theo Elliott Lester, “khán giả hãy xem và rút được ra bài học về giá trị của cuộc sống theo cách kiến giải của chính mình”.