Vừa chăm con, vừa viết kịch bản hài

ANTĐ - Từ giã FPT để lui về làm một người đàn ông nội trợ và tự do làm nhiều công việc khác, “GS Xoay” - Đinh Tiến Dũng tìm thấy trong những việc vụn vặt vốn dành cho phụ nữ là chất liệu cho các tiểu phẩm hài. Anh cho biết, vừa chăm con vừa viết kịch bản hài cũng có những thú vị riêng.  
Vừa chăm con, vừa viết kịch bản hài ảnh 1

“Kiễng chân” cũng không chạm tới

- PV: Vừa chăm con, vừa viết kịch, liệu anh có đủ tinh thần để tập trung làm việc nào ra việc đó?

- GS Xoay: Công việc ở FPT đang rất tốt. Tôi chấp nhận mạo hiểm từ bỏ để ở nhà, vừa chăm con vừa viết kịch. Trong hình dung của nhiều người, nhà viết kịch là những con cú đêm, đầu tóc bơ phờ vì thiếu ngủ. Nhưng tôi chuyển sang “công việc mới” vẫn ăn ngủ đầy đủ và gặp gỡ nhiều người. Tôi cảm thấy hài lòng khi vừa làm công việc nội trợ kiêm viết kịch bản. Nếu cứ ngồi một chỗ mà nghĩ thì rất khó nhưng được chơi đùa với con, đi chợ, nấu cơm giúp vợ lại nảy ra nhiều ý tưởng hay để viết kịch. Mỗi người mình được gặp gỡ ở trong ngõ, ngoài chợ là một cuốn sách, khi trò chuyện với họ sẽ nảy ra cái này, cái khác. 

- Nhưng trẻ con thường quấy khóc, rất khó tập trung để viết lách?

- Hai vợ chồng tôi phải thay nhau trông con để người còn lại được làm việc. Vợ tôi làm trong lĩnh vực truyền thông nên công việc khá bận rộn nhưng cô ấy lại ủng hộ tôi khi chuyển sang “công việc mới”. Và hình như con trai tôi cũng vậy, cu cậu khá ngoan và biết thương bố mẹ. Cháu không quấy rầy đến mức bố phải bỏ công việc viết kịch bản để tập trung hoàn toàn cho cu cậu. 

- Anh có ý định trở thành một nhà biên kịch thực thụ?

- Tôi viết kịch bản không phải mong muốn trở thành một kịch tác gia, có “kiễng chân” tôi cũng không chạm đến. Với tôi, viết lách đơn giản là một công việc. Nhưng muốn viết được thì phải lăn vào cuộc sống, có vốn sống mới nảy ra nhiều ý tưởng hay để hình thành tiểu phẩm hài. Ví dụ như chỉ khi ở nhà đi chợ, nấu cơm, lo cho con tôi mới biết đến dịch vụ xe “ôm” chuyển đồ. Những gia đình nào bận rộn không đi chợ được, không ra siêu thị được thì nhờ “xe ôm” mua cho. Tôi bảo vợ, ví dụ mình nhờ “xe ôm” mua hộ 5 cái iPhone mà bác ấy lại đang khó khăn về tài chính, lúc đó chuyện sẽ thế nào? Tôi thấy tình huống này có thể viết thành một tiểu phẩm vui . 

- Có nhiều thể loại của nghề viết kịch, sao anh lại chọn hài kịch? 

- Hiện tại, tôi thấy mọi cái đang rất vui. Tôi có gia đình, công việc yêu thích và lạc quan trước mọi việc diễn ra. Có thể sau này già đi, nhìn cuộc đời nghiêm túc hơn, tôi lại chuyển sang viết bi kịch (cười). 

Tiểu phẩm hài “sạch”

- Viết hài kịch để mang lại tiếng cười cho khán giả nhưng đã bao giờ anh phải khóc để viết được một tiểu phẩm chưa?

- Tôi không nhiều nước mắt đến mức vừa viết vừa rơi lệ nhưng đã từng khóc vì bị đạo diễn mắng trong quá trình làm việc. Nhà biên kịch giống như vận động viên chạy tiếp sức. Biên kịch chạy 100m đầu tiên, đạo diễn chạy 100m thứ hai, diễn viên chạy 100m thứ ba và khán giả chạy 100 thứ tư. Vì thế, ngay ở khâu đầu tiên đã có vấn đề thì các đoạn tiếp sức sau sẽ không hoàn chỉnh. Tôi thấy đau lòng nhất khi xem những tiểu phẩm hài mà không cười được. Khán giả mỗi vùng miền có thị hiếu khác nhau, viết sao để lấy được tiếng cười của khán giả là một điều khó nhưng chắc chắn đó phải là một tiểu phẩm hài sạch sẽ, cảm xúc phải tới, chỉ cần làm được 70% những gì mong muốn đã là tốt lắm rồi. 

- Anh đang nói đến những tiểu phẩm hài làm người này cười nhưng người khác phải khóc?

- Khi đặt bút viết kịch bản hài, cảm xúc của khán giả chỉ là sự phán đoán của tác giả, khán giả khóc hay cười, nhà biên kịch hoàn toàn võ đoán trong tưởng tượng. Có lúc viết xong, tôi đọc thấy đoạn này rất buồn cười nhưng khi diễn trên sân khấu, khán giả lại không cười, nhưng có đoạn không chủ ý gây cười thì người xem lại cười rất to. Một lần, quan sát khán giả dưới khán đài trong một vở diễn hài về osin, tôi thấy chủ nhà cười ngặt nghẽo nhưng người giúp việc đi theo không cười. Như vậy, cái khó của nhà viết kịch là làm thế nào để không lấy nỗi đau của người  này làm niềm vui của người khác. 

- Anh có cách nào để tránh làm đau người khác?

- Phương pháp làm việc nhóm sẽ giảm thiểu những lỗi ngớ ngẩn trong viết lách. Một nhóm làm việc, có người không biết viết nhưng biết quan sát, có người không nhìn ra nhưng lại viết tốt. Hầu như làm việc nhóm lúc nào cũng có xung đột, đó mới là vấn đề nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: không được nghĩ nhiều, phải nói nhanh, không được triệt tiêu ý tưởng của nhau, mỗi người sẽ tự tìm cách giải quyết. Cãi nhau trong phòng chưa đủ, ra quán bia cãi tiếp. Tôi đã làm như thế này trong 2 năm và thấy mọi chuyện đều ổn. Khi viết xong, nếu không vội, tôi sẽ để tác phẩm 3 ngày, đưa cho bạn bè đọc, bảo hay mới yên tâm, bảo vớ vẩn sẽ ngồi tranh luận, có thế, sức sống kịch bản sẽ bền hơn. 

- “Kiễng chân” cũng không nghĩ tới được làm kịch tác gia nhưng với nhiều sản phẩm hài đã ra mắt, có thể gọi anh là nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng được không?

- Tôi không quan tâm nhiều đến việc người khác gọi mình là ai. Lúc nào đấy, tôi viết được tác phẩm và được gọi là nhà viết kịch thì cũng tốt nhưng cũng không quá lo lắng. 

- Chúc anh sẽ có nhiều tiểu phẩm hài “sạch”!