Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: Mất cả đời để hiểu về cuộc chiến

ANTĐ - Tôi gặp nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, tác giả của bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” bên lề triển lãm “Phóng viên chiến trường”, ông chia sẻ: “Nhắc đến chiến tranh, điều đầu tiên ai cũng hình dung là cảnh chết chóc, tang thương, nhưng để hiểu sự ác liệt, khốc liệt của cuộc chiến thì những phóng viên chiến trường chúng tôi đã mất cả cuộc đời”. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: Mất cả đời để hiểu về cuộc chiến ảnh 1Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng”- Đoàn Công Tính 

Ký ức ám ảnh

Năm 1972, giữa mùa hè Quảng Trị rực lửa, Đoàn Công Tính đề nghị cấp trên cho ông vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành cổ. Đề xuất táo bạo này đầu tiên không được chấp thuận vì quá nguy hiểm. Nhưng cuối cùng ông vẫn được vào và trở thành phóng viên chiến trường duy nhất có mặt tại Thành cổ Quảng Trị.

Trong khi ấy, phía bên kia chiến tuyến, phóng viên Nick Út dù được trực thăng chở tới cũng không thể lọt vào được. Có mặt vỏn vẹn chưa đầy 24 giờ nhưng Đoàn Công Tính không bao giờ quên những gì được chứng kiến. Trên trời, dưới đất mù mịt lửa và lấp loáng mảnh bom rơi. Tại hầm của chỉ huy, thương binh nằm la liệt. Chốc chốc, tiếng bom bị át đi vì tiếng thét của những ca đại phẫu không có thuốc tê. Chính tại nơi này, ông đã được gặp cậu chiến sỹ thông tin Lê Xuân Chinh, nhân vật chính trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng”. 8 cuộn phim được bấm hết ở nhiều góc Thành cổ, giữa những khoảng lặng của các loạt bom. Bức ảnh chứng minh thuyết phục Thành cổ Quảng Trị đã thuộc về Quân đội miền Bắc Việt Nam. 

Chỉ sau đó 3 năm, chiến tranh đã khép lại, nhưng cảm giác về cuộc chiến trong mỗi phóng viên chiến trường trực tiếp như Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành hay Mai Nam, Hứa Kiểm… vẫn rất ám ảnh. 10 năm, 20 năm hay xa hơn, nhiều đêm Đoàn Công Tính vẫn giật bắn người khi đang ngủ. Trong cơn mê ông vẫn vô thức kêu: “Ối! B52”. Sự day dứt trong một khoảnh khắc, ông đã không thể cứu cậu lính trẻ kiệt sức trước dòng nước chảy xiết của sông Thạch Hãn mùa nước lên, ký ức đó vẫn bám riết lấy ông suốt 40 năm qua. Giá như thời gian có thể quay lại, ông sẽ làm khác, biết đâu cậu lính ấy đã được cứu, được sống đến ngày hôm nay. Đoàn Công Tính biết, ông sẽ không được giải thoát khỏi niềm day dứt nhưng cũng nhờ ký ức chiến tranh ám ảnh ấy, ông luôn hứa với lòng mình phải sống bằng những gì tốt đẹp nhất. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: Mất cả đời để hiểu về cuộc chiến ảnh 2Đoàn Công Tính tại căn cứ Tân Lâm (cao điểm 241) 

Có còn mơ thấy chiến tranh?

Trong một lần gặp gỡ với nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới - Don Mc Cullin, Đoàn Công Tính đã được nghe tâm sự của người phóng viên mặt trận từng trải qua cuộc chiến tại Việt Nam. Don MC Cullin cho biết: “Hàng đêm, tôi vẫn đi ngủ với “ma”. Tôi đã lấy đi nhiều thứ của đất nước các bạn (các bức ảnh chiến trường đã mang lại cho nhà nhiếp ảnh này các giải thưởng nhiếp ảnh danh giá) nhưng chưa biết đền đáp bằng cách nào. Từ bức ảnh tôi chụp về một người lính miền Bắc Việt Nam và bên cạnh anh ta là bức ảnh của người vợ. Tôi mong muốn tìm thấy thân nhân của người lính đó để giải thoát khỏi nỗi ám ảnh chiến tranh”. Từ câu chuyện này, Đoàn Công Tính muốn nói rằng ở hai bờ chiến tuyến, những người phóng viên mặt trận đều trải qua nhiều nỗi sợ giống nhau, những trận ném bom ác liệt giống nhau và cùng day dứt, ám ảnh trước cảnh chết chóc, tang thương. 

Chụp ảnh về chiến tranh, nổi tiếng cũng nhờ các bức ảnh về chiến tranh nhưng NSNA Đoàn Công Tính chia sẻ: “Tôi đau khổ khi phải chụp những hình ảnh như vậy. Độc lập tự do của dân tộc là thiêng liêng, không thể định ra một cái giá nào để đổi lấy nền hòa bình hôm nay. Hàng triệu người đã ngã xuống. Phóng viên chiến trường cũng khoảng vài trăm. Những người còn sống như tôi trở về là một sự may mắn”. Vào sinh ra tử trong chiến trường, sự ác liệt của cuộc chiến không chỉ hiện diện trong nỗi ám ảnh mà còn là lời hứa của bản thân ông với những người đã nằm xuống. Những gương mặt tuổi 20 nằm lại Thành cổ luôn thôi thúc ông sống đúng và có trách nhiệm với quá khứ. 

Ở tuổi 45, Đoàn Công Tính đột ngột xin nghỉ hưu. Ông về đào ao nuôi cá rô phi rồi nuôi chim cút nhưng thất bại, bao vốn đổ cả vào đó đều tiêu tan. Ông chuyển sang làm thợ chụp ảnh dạo tại Thảo Cầm Viên, mỗi mùa lễ hội, ông vác máy đi kiếm cơm. Phần lớn người chụp ảnh đều không nhận ra người thợ chụp ảnh kia chính là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đoàn Công Tính. Cuộc sống có lẽ cứ như vậy trôi đi, nếu như trước đó Đoàn Công Tính không phải là một phóng viên ảnh chiến trường. Các tác phẩm có giá trị của ông đã được các đoàn làm phim, các bảo tàng trên thế giới, các hiệp hội quốc tế đến tận nhà để mua. Nhờ đó, đời sống vật chất của ông cũng dần bớt chật vật và từ đó đến nay, ông đã là một nhà nhiếp ảnh tự do thực thụ.