Đầu tư hơn 87 tỷ đồng để… bỏ hoang, ai chịu trách nhiệm?

ANTĐ -Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Bản Đôn được đầu tư với tổng kinh phí lên đến 87,5 tỷ đồng, nhưng hoạt động èo uột, trong 9 năm thua lỗ 71 tỷ đồng. Từ tháng 9-2014 khu du lịch này đóng cửa, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Là doanh nghiệp nhà nước, năm 2005 Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 1.336,7ha rừng để xây dựng, khai thác Khu du lịch Văn hóa – Sinh thái Bản Đôn trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Tính đến ngày 29-8-2011, tổng mức đầu tư vào khu du lịch này lên đến 87,5 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 62,6 tỷ đồng. Ngày 12-3-2012, Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Bản Đôn được cổ phần hóa với tổng vốn 112 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 45 tỷ đồng, chiếm 40,8% do Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk nắm giữ. 

Khu lưu trú bỏ hoang để kẻ trộm lấy tài sản

Với nguồn đầu tư kể trên, Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Bản Đôn đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khá quy mô, gồm: Đồi Tâm linh, nhà nghỉ dưỡng, lễ tân, khu ẩm thực, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, khu bơi thuyền độc mộc trên hồ Cư Minh và hệ thống đường tham quan dã ngoại rừng sinh thái. Thế nhưng, do những yếu kém trong khâu quản lý, điều hành, nên hoạt động của khu du lịch này thua lỗ kéo dài. Từ năm 2005 đến ngày 12-3-2012 (thời điểm cổ phần hóa), số tiền lỗ lũy kế lên đến 45 tỷ đồng. 

Từ tháng 3-2012, sau khi cổ phần hóa, Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Bản Đôn được bàn giao cho Công ty CP Thương mại - Du lịch Bản Đôn quản lý, khai thác. Điều đáng nói là từ thời điểm cổ phần hóa, Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Bản Đôn tiếp tục lâm vào tình trạng “càng hoạt động càng thua lỗ nặng”. Chỉ tính từ tháng 3-2012 đến tháng 12-2013, số tiền thua lỗ lên đến 26 tỷ đồng, làm mất 32,3% tổng vốn điều lệ. Khấu trừ số tiền thua lỗ theo tỷ lệ góp vốn của các thành viên, thì phần vốn Nhà nước 45 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đại diện quản lý bị giảm 15 tỷ đồng, chỉ còn 30 tỷ đồng sau chưa đầy 2 năm cổ phần hóa. 

Khu vui chơi dành cho trẻ em để rêu phong 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Phương - người giữ cương vị Giám đốc Công ty CP Thương mại - Du lịch Bản Đôn từ đầu năm 2013 đến tháng 9-2014 cho biết: “Do làm ăn thua lỗ, công ty không chỉ nợ lương nhân viên, nợ tiền bảo hiểm xã hội mà ngay cả Giám đốc như tôi cũng bị nợ lương. Đến thời điểm khu du lịch đóng cửa, tôi rời khỏi cương vị Giám đốc, thì công ty nợ tôi 4 tháng lương, mỗi tháng 13 triệu đồng!”.
Từ tháng 9-2014, khi khu du lịch đóng cửa, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đã phải thuê 5 vệ sĩ và giữ lại 3 bảo vệ của Công ty CP Thương mại - Du lịch Bản Đôn làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản.
Anh Y Danh, một trong 3 bảo vệ làm việc không lương ở khu du lịch này bức xúc: “Từ năm 2012 đến nay, do không có nguồn thu nên mỗi năm  công ty nợ cán bộ, nhân viên 7-8 tháng lương. Kể từ khi khu du lịch đóng cửa, tình trạng mất trộm tài sản thường xuyên diễn ra. Nhà cửa và các công trình xây dựng bị xuống cấp nghiêm trọng do bà con địa phương đưa đàn gia súc vào khu du lịch chăn thả!”. 

Đầu tư hơn 87 tỷ đồng để… bỏ hoang, ai chịu trách nhiệm? ảnh 3

Cổng vào không một bóng người

Những ngày đầu tháng 1-2015 này, đi một vòng quanh khu du lịch đầu tư hơn trăm tỷ bị bỏ hoang này, chúng tội nhận thấy nhiều hạng mục, công trình xây dựng đã xuống cấp trầm trọng. Từ cổng vào đến khu Đồi tâm linh, nhà cửa để cho dây leo, cỏ mọc; một số nhà nghỉ dưỡng bị đổ sập; khu vui chơi dành cho trẻ em để rêu phong; hệ thống nhà dừng chân bên hồ Cư Minh hoang tàn; khu vực phục vụ khách thăm quan rừng sinh thái biến thành bãi chăn thả trâu bò. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Xanh, Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho rằng: “Khu du lịch Sinh thái- Văn hóa Bản Đôn bỏ hoang không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống người dân trong vùng, như mất công ăn việc làm, giảm thu nhập, mà còn ảnh hưởng xấu đến thương hiệu du lịch Bản Đôn, thất thoát tài sản Nhà nước, để tài nguyên rừng sinh thái bị khai thác vô tội vạ. Ngày 22-10-2014, UBND huyện Buôn Đôn có Văn bản số 938/UBND-NNNT, kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi rừng, đất rừng hiện Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đang quản lý ở khu du lịch này, để giao cho đơn vị khác có đủ năng lực quản lý, bảo vệ”.
Đầu tư hơn 87 tỷ đồng để… bỏ hoang, ai chịu trách nhiệm? ảnh 4

Khu nhà hàng chờ xuống cấp

Ngoài ra, qua điều tra cho thấy Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk còn thiếu trách nhiệm trong quản lý giám sát, để cho đối tác góp vốn là Công ty TNHH Huỳnh Phước tự ý xây dựng thêm một số công trình trong khu du lịch, với tổng kinh phí hơn 14,7 tỷ đồng, nhưng không có chủ trương, không có hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có hợp đồng xây dựng, vi phạm Điều 72, Điều 87 Luật Xây dựng.

Chúng tôi cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk sớm xử lý tình trạng đóng cửa và làm ăn thua lỗ ở Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Bản Đôn, không để nguồn vốn Nhà nước tiếp tục thất thoát, tài nguyên rừng bị chảy máu và lãng thí tiềm năng du lịch.