Sinh viên chóng mặt với chi phí hàng tháng

ANTĐ - Nếu như ở bậc học phổ thông, học sinh hầu như chỉ biết học mà không phải lo nghĩ đến chi phí thì bước vào cuộc sống sinh viên, các khoản cơm áo gạo tiền và học phí cùng lúc ập vào thành nỗi lo chung của cả triệu sinh viên mỗi dịp đầu năm học.

Sinh viên khăn gói nhập học với nhiều gánh nặng tài chính


Tiền gì cũng tăng

Nguyễn Thùy Linh, sinh viên năm thứ 3 ĐH Mỏ Địa chất cho biết, nhà trường vừa chính thức thông báo học phí tính theo tín chỉ đã tăng từ 96.000 đồng lên 123.000 đồng. Chi phí thi lại thậm chí tăng gấp 5 lần: từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng/môn. Đấy là chưa kể, sinh viên muốn cải thiện điểm, học lại, chi phí sẽ tăng gấp rưỡi, theo thông báo mới của trường. Một sinh viên trường CĐ Truyền hình cũng cho biết, học phí của trường đã tăng từ 1,2 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/học kỳ. Tiền thi lại các môn cũng tăng từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng mỗi môn.

Được biết, việc tăng học phí của các trường hiện nay được thực hiện theo lộ trình được Bộ GD-ĐT quy định. Theo đó, năm học 2011 - 2012, học phí khối trường công lập thu trong mức từ 355.000 - 455.000 đồng/tháng tuỳ từng khối ngành để đến năm 2015 mức trần học phí sẽ đạt khoảng 580.000 đồng/tháng. Trong đó cao nhất là khối ngành y - dược và thấp nhất là khối ngành xã hội, kinh tế, luật và nông - lâm - ngư nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các trường công lập hầu hết đã chuyển sang phương thức tính học phí theo tín chỉ vì vậy học phí mỗi học kỳ được chia theo số tín chỉ mà sinh viên phải học trong học kỳ đó.

Bên cạnh mối lo học phí, bước vào năm học mới, sinh viên còn phải đối mặt với nỗi lo thường trực hàng ngày về tiền sinh hoạt ăn ở. “Mới đầu năm học, bọn em đã thấy hoa mắt vì các khoản phí tăng đồng loạt, chưa kể chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng theo đà tăng chung so với trước hè vậy mà tiền bố mẹ gửi lên thì vẫn chỉ có vậy” - Linh cho biết. “Bọn em sinh viên mà ăn một suất cơm bình dân buổi trưa ở quanh trường đã hết 25.000 đến 30.000 đồng/suất, cao như cơm của dân văn phòng mà thức ăn vẫn vậy!”. Tiền điện chủ nhà cũng tăng giá từ 3.500 đến 4.000 đồng/số, tiền thuê nhà càng rủ được nhiều bạn ở chung càng đỡ vì khoản 2 triệu bố mẹ cho mỗi tháng không thể đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt ở thời điểm này.

Nợ học phí sinh viên phải trả lãi

Áp lực với sinh viên hệ đào tạo chính quy đã lớn nhưng với các hệ khác như đào tạo theo địa chỉ còn cao hơn nhiều. Lý do là trong khi các sinh viên học đại học công lập được nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo mức 17 triệu đồng/năm học thì sinh viên đào tạo theo địa chỉ không được hưởng mức hỗ trợ này mà do địa phương có nhu cầu đào tạo nhân lực chi trả. Tuy nhiên, theo N.T.Hằng, sinh viên năm thứ 3 Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam nhiều địa phương cử đi đào tạo nhưng hoàn toàn không có hỗ trợ gì về kinh phí. Học viên phải tự bỏ tiền ra đóng và chỉ được tạo điều kiện giữ chỗ làm và hưởng lương cơ bản trong thời gian đi học. “Năm thứ nhất, theo thông báo của trường học phí sinh viên học hệ này phải trả là 1,2 triệu đồng/tháng rồi lên đến 1,5 triệu đồng/tháng. Riêng năm học này sinh viên được thông báo phải đóng gần 22 triệu đồng/năm học” - N.T.Hằng cho biết. Sinh viên này cũng cho biết, sau khi thắc mắc với nhà trường, số tiền này được giảm 2,4 triệu đồng/năm học.

Điều đáng nói là sinh viên không được đóng học phí từng tháng mà bắt buộc phải nộp học phí theo học kỳ. “Bước vào năm học phải nộp ngay một khoản gần 10 triệu đồng rồi còn hàng loạt các khoản sinh hoạt phí như tiền nhà phải đặt cọc trước vài tháng, tiền ăn uống, đi lại... Chúng em dù có lương nhưng còn bao nhiêu chi phí gia đình, con cái nên rất khó để lo ngay được một khoản như vậy” - N.T.Hà tâm sự. Chính vì khó khăn nên không ít sinh viên đến hạn nộp học phí của trường vẫn chưa lo được tiền đóng góp. “Nhà trường đã ra thông báo, quá thời hạn quy định dù chỉ 1 ngày sinh viên đều phải đóng thêm 5% tiền lãi phạt nộp chậm học phí. Sau 2 tuần mà chưa nộp học phí nhà trường sẽ ra quyết định cho nghỉ học” - N.T.Hà cho biết. Như vậy, cũng vì khó khăn sinh viên mới phải nợ học phí, nhưng sẽ lại khó khăn hơn nữa khi nộp chậm 1 ngày hay 2 tuần thì vẫn phải “cõng” thêm số tiền lãi gần 500.000 đồng, một khoản không nhỏ đối với sinh viên.