Mại dâm đồng tính nam: Xử lý thế nào?

ANTĐ - Thời gian gần đây, khi mà câu chuyện về đề tài đồng tính đã được nhìn nhận  cởi mở hơn thì hoạt động mại dâm đồng tính (trong đó chủ yếu là đồng tính nam) đã có dấu hiệu bùng phát ở một số các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM… Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các hành vi môi giới và tổ chức mại dâm đồng tính còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Muôn mặt mại dâm đồng tính

Sự xuất hiện của những đối tượng chuyên đáp ứng nhu cầu tình dục cho những người đồng tính nam xuất phát từ nhiều nguyên do. Đó có thể là vì lợi ích vật chất nhưng cũng có thể vì thiếu thốn tình cảm và cũng không loại trừ nguyên nhân muốn thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân. Theo các chuyên gia về tâm lý, những người đồng tính nam có nhu cầu tình dục rất lớn. Họ thường tìm sự thỏa mãn bằng cách quan hệ không lâu bền với bất cứ người nào. Khi có nhu cầu họ sẽ tự bỏ tiền ra để tìm các đối tượng bán dâm là nam giới, đây là cách vừa bảo vệ bản thân không bị lộ nhưng lại được thỏa mãn nhu cầu sinh lý thật của bản thân… Chính vì vậy, hiện tượng mua bán dâm ở đối tượng đồng tính nam đã xuất hiện và khá phổ biến.

Theo thống kê của Uỷ ban phòng chống HIV/AIDS những người đồng tính nam tìm đến đối tượng bán dâm có rất nhiều thành phần, có những người là công nhân lao động, có cả những người thuộc thành phần tri thức, kinh doanh, nghệ sĩ, cá biệt có cả đối tượng là học sinh, sinh viên.… Tùy vào đời sống kinh tế mà họ cũng chọn cho mình những mối quan hệ khác nhau. Hoạt động mại dâm nam thường được  trá hình tại các câu lạc bộ, spa, điểm tập thể hình, massage, hớt tóc máy lạnh, điểm bán mỹ phẩm chăm sóc da với các hành vi khiêu dâm, kích dục  ngay tại cơ sở kinh doanh. Bên cạnh những cơ sở “hoạt động bí mật” còn có những địa điểm trên đường phố, công viên đã trở thành “điểm hẹn” công khai cho những người đồng tính. Tại Sài Gòn vốn nổi danh những con đường “tình cảm” dành riêng cho dân đồng tính như: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), đường Nguyễn Kim (Quận 10) hay ở khu vực gần công viên Gia Định (Q. Gò Vấp), công viên 23-9 (Quận 1)… Còn tại Hà Nội, “dân trong nghề” thường truyền tai nhau những địa điểm được mặc định là những “chợ tình” cho những người đồng giới như khu vực Cánh đồng Bông (Cầu Giấy), Hồ Hale (Hai Bà Trưng)…

Ngoài ra, một “kênh” khác vốn được nhiều người đồng tính lựa chọn là internet. Trên những trang mạng xã hội không khó để tìm ra những người đồng tính có nhu cầu tìm bạn tình hoặc nhu cầu bán dâm với những avatar, nickname nhạy cảm. Họ vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao lưu kết bạn như những thành viên khác, chỉ có điều nếu quan sát kỹ, mọi người sẽ thấy những comment trên wall cực kỳ gãy gọn, chỉ bao gồm nick chat yahoo, số điện thoại liên lạc. Trong khi đó trên những trang cá nhân của những người này là hàng loạt những bài viết đề cập đến chuyện “khó nói”, những album hình tươi mát, gợi cảm đủ khiến người khác nghĩ đến chuyện tình dục đồng giới.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tuy chưa có con số thống kê chính xác về những vụ trọng án liên quan đến người đồng tính nam, song thời gian gần đây, các vụ giết người, cướp tài sản đang có chiều hướng gia tăng. Nắm bắt được tâm lý người đồng tính nam muốn che giấu thân phận nên tìm cách thỏa mãn nhu cầu bằng các quan hệ nhanh gọn nên các đối tượng tội phạm thường lợi dụng để lừa đảo, giết người cướp tài sản. Đã xảy ra nhiều vụ trọng án xuất phát từ mối quan hệ đồng tính nam, kẻ phạm tội chủ yếu là trai trẻ, lợi dụng tình cảm của những người đồng tính độc thân, giàu có để thực hiện hành vi phạm tội.

Có thể điểm mặt nhiều vụ giết người, cướp tài sản đã được xét xử tại Hà Nội và TP. HCM mà kẻ thủ ác phải nhận sự trừng trị cao nhất của pháp luật. Đó là trường hợp của Đào Văn Hiếu (Khoái Châu, Hưng Yên). Hiếu quen một người tên là Tiến tại khu vực Sân vận động Mỹ Đình – Hà Nội. Sau đó người đàn ông này đã đưa Hiếu vào khu vực Cánh đồng Bông và gạ gẫm được quan hệ tình dục với Hiếu. Hiếu đã đồng ý quan hệ tình dục với người đàn ông này và sau đó được trả 70.000 đồng. Trong lúc người này mặc quần áo và nghe điện thoại, Hiếu đã nảy sinh ý định giết người và cướp tài sản. Hiếu đã dùng con dao gấp mang theo đâm người đàn ông này nhiều nhát cho tới chết. Sau khi gây án xong, hắn ta lục người nạn nhân lấy chiếc điện thoại và dắt xe máy theo. Trước đó cũng đã xảy ra một vụ trọng án tại địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Hung thủ là Trần Thế Long (SN 1988 tại Nam Định), y làm quen với anh Đỗ Văn T (SN 1981), nhân viên một công ty xuất khẩu lao động qua mạng Internet. Sau đó, Long lên Hà Nội chơi và gặp anh T. Anh T đã đưa Long về nhà trọ của mình tại quận Cầu Giấy. Sau 3 ngày “sống thử” cùng anh T, thấy anh này có nhiều tài sản giá trị Long đã lấy dao đâm bạn tình rồi dùng gối bịt mặt nạn nhân cho đến khi tắc thở. Gã đã lấy xe máy, điện thoại, máy tính xách tay của nạn nhân rồi tẩu thoát.

Bên cạnh đó, sự phát triển phức tạp của mại dâm đồng tính nam không chỉ kéo theo các hậu quả về đạo đức, sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần lan truyền các căn bệnh xã hội và đại dịch HIV/AIDS. Theo các chuyên gia y tế, quan hệ đồng giới nam có khả năng lây nhiễm HIV cao hơn nhiều so với quan hệ khác giới (đánh giá của Ủy ban phòng chống AIDS cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm ở đồng tính nam cao gấp 20 lần so với đối tượng mại dâm nữ và ma túy). Tuy nhiên do sự kỳ thị của xã hội với người đồng tính còn quá lớn nên những người bán dâm nam không đi xét nghiệm để được tư vấn và làm cho tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm này trở nên phức tạp hơn. Qua nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sự đan xen phức tạp về mặt tình dục của nhóm này là hết sức đang ngại. Các nhóm đồng tính nam có thể có vợ, có người yêu là nữ nhưng họ vẫn có quan hệ tình dục với nam, vẫn đi bán dâm, thậm chí họ vẫn có thể có bạn tình là nữ làm gái mại dâm. Mặt khác do những người đồng tính nam sống khép kín và luôn ẩn mình nên các chương trình y tế hiện nay khó tìm đến họ để hỗ trợ giúp đỡ họ phòng chống HIV.

Khó xử lý

Có thể thấy tình trạng mại dâm đồng tính nam hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự. Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Kim Hùng Chi - Cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH – Sở Lao động thương binh xã hội Hà Nội, mặc dù chi cục đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, khảo sát các tụ điểm được cho là nhức nhối về tệ nạn mại dâm đồng tính như ở khu vực Cánh đồng Bông nhưng vẫn chưa phát hiện và xử lý một trường hợp nào. Còn tại TP Hồ Chí Minh mới đây cơ quan chức năng đã bắt quả tang cơ sở xông hơi massage Nụ Cười Vàng (đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10) có hành vi kích dục đồng tính nam. Ngoài ra, Công an quận 10 còn bắt quả tang 2 cơ sở khác tổ chức mại dâm cho người đồng tính nam. Tuy nhiên tất cả các vụ việc trên đều mới chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính. Nguyên nhân đều xuất phát từ sự bất cập trong các chế tài pháp luật, cụ thể là Pháp lệnh phòng chống mại dâm ban hành từ năm 2003 đến nay đã trở lên lạc hậu.

Theo Luật sư Phạm Trung Hiếu, Công ty Luật hợp danh JDC Việt Nam, tại Điều 3 của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đã định nghĩa về mại dâm như sau “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm”, trong đó mua dâm “là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”, còn bán dâm “là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng không thể xử lý mại dâm đồng tính theo quy định này, bởi giao cấu được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ, còn quan hệ giữa nam với nam thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Luật sư Phạm Trung Hiếu cũng cho rằng nếu sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý mại dâm đồng tính trong Pháp lệnh phòng chống mại dâm sẽ phải điều chỉnh các quy định tại Bộ luật Hình sự về một số tội danh liên quan đến việc tổ chức, môi giới mại dâm, tội hiếp dâm, giao cấu với trẻ em… thì mới đủ cơ sở pháp lý để xử lý hành vi mại dâm đồng tính.

Hiện nay, chỉ có Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về cấm người cùng giới tính kết hôn (Điều 10 - Luật Hôn nhân gia đình), nhưng chưa có văn bản pháp luật nào có quy định cấm hoạt động mại dâm đồng tính. Theo Luật sư Phạm Trung Hiếu để xử lý được hành vi mại dâm đồng tính, định nghĩa về mua bán dâm cần được sửa đổi theo nghĩa rộng hơn, có thể sửa thành "mua bán dâm là việc thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác để quan hệ tình dục". Có như vậy mới đảm bảo tính triệt để của việc xử lý hành vi mại dâm đồng tính, cơ sở để sửa đổi một số tội danh có liên quan trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên việc sửa đổi quy định tại Bộ luật Hình sự, quy định các tội danh và khung hình phạt tương ứng phải theo những trình tự, thủ tục nhất định, do vậy cần phải được các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện trước khi quyết định. Điều này rất cần phải có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.