Giết cả thế hệ, chỉ phạt 500 triệu đồng?

ANTĐ - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã có một sự so sánh như thế này: “Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường giết cả thế hệ chỉ phạt 500 triệu đồng là xong”. Và chính vì chế tài chưa đủ mạnh này mà tội phạm môi trường ngày càng phức tạp.

Những sai phạm điển hình

Lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Nhưng bên cạnh đó, do chúng ta chưa có luật pháp nghiêm minh trong lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp hầu như “lờ” luôn việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường mà trong điều kiện thành lập bắt buộc phải có. Chúng ta đã từng chứng kiến các vụ việc như Công ty TNHH Vedan xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (Đồng Nai), Công ty sửa chữa tàu biển Hyundai-Vinashin xả chất thải rắn (hạt nix) độc hại không qua xử lý ra môi trường (Khánh Hòa), Nhà máy Miwon (Việt Trì - Phú Thọ) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng; hành vi xả nước thải độc hại ra sông Đông Điền (huyện Nhà Bè - TP Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương; Công ty Tung Kuang (Hải Dương) xả nước thải chưa qua xử lý thông qua hệ thống đường ống ngầm đi sâu dưới lòng đất; các công ty nhập chất thải phế liệu về cảng Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Nẵng...

Chỉ riêng năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 4.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó có nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn gây thiệt hại nặng cho môi trường. Ngoài ra còn hàng loạt vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các vụ việc vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý cho thấy tình trạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực môi trường đang tăng cao, thủ đoạn, hình thức phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng... Nhưng để xử lý loại tội phạm này lại không hề đơn giản.

Vẫn còn lỗ hổng pháp luật

Mặc dù những vi phạm pháp luật về môi trường thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân nhưng dường như các chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe. BLHS nước ta hiện hành quy định chương XVII với 11 tội danh về môi trường song đến nay, mới chỉ có 2 tội danh bị khởi tố điều tra và đưa ra xét xử là hủy hoại rừng (Điều 189) và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190). Thêm vào đó, Bộ luật Hình sự của Việt Nam quy định chỉ truy cứu hình sự đối với các cá nhân vi phạm, chứ không áp dụng cho các đối tượng là các tổ chức, công ty, tập đoàn có tư cách pháp nhân. Đây là “lỗ hổng” lớn nhất vì các cơ quan tố tụng không thể khởi tố hình sự và định tội các doanh nghiệp hay người đứng đầu doanh nghiệp khi họ là chủ thể các vi phạm môi trường như Bộ luật Hình sự đã định tội. 

Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã thêm rất nhiều quy định xử phạt theo hướng tăng mức xử phạt, những tưởng đây sẽ trở thành “cây gậy sắt” trong xử lý tội phạm môi trường nhưng thực tế lại không như vậy. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho rằng, hiện nay các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường đang rất thiếu. Các khái niệm cơ bản như “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…” cụ thể là như thế nào lại chưa được làm rõ dẫn đến việc khó áp dụng.

Tất cả khái niệm trên đều cần phải được hướng dẫn chi tiết, bởi lẽ hậu quả do tội phạm môi trường gây ra rất đa dạng và mỗi thành phần môi trường bị xâm hại khác nhau có tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại khác nhau. Chẳng hạn, hậu quả nghiêm trọng ở tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182) khác với hậu quả nghiêm trọng ở tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 188) vì hậu quả ô nhiễm môi trường thường khó xác định ngay sau khi xảy ra vi phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cũng cho biết: Cảnh sát môi trường là cơ quan điều tra các tội phạm về môi trường nhưng thực tế lại chưa có quyền. Chưa được áp dụng đầy đủ các biện pháp tố tụng thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự như không được bắt khẩn cấp, tạm giữ… Vì vậy, khi phục bắt quả tang một vụ vi phạm lớn, cảnh sát môi trường phải phối hợp với các cơ quan khác để tiến hành các bước xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả điều tra.

Mặt khác, hiện đã có quy định cho phép cảnh sát môi trường được quyền khởi tố vụ án nhưng lãnh đạo đơn vị cảnh sát môi trường lại không phải là lãnh đạo cơ quan điều tra để tiến hành việc này. Ngoài ra, cảnh sát môi trường được giao một số nhiệm vụ về điều tra theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự sửa đổi nhưng đến nay cũng chưa có hướng dẫn để thực hiện. Chưa kể, số lượng cán bộ điều tra về tội phạm môi trường còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Không phạt nghiêm sẽ… nhờn

Nhìn lại nhiều năm thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy, việc xử lý tội phạm môi trường còn hết sức khó khăn. Ồn ào nhất trong lịch sử về môi trường có lẽ là sự kiện của Công ty Vedan. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải ra sông Thị Vải tới 5.000 m3/ngày. Và việc xả thải vô tội vạ này đã diễn ra từ năm 1994, khi Vedan mới bắt đầu hoạt động. Sau nhiều lần thanh kiểm tra, thương thảo, dư luận tốn không ít thời gian, công sức cho vụ việc này cuối cùng Vedan chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 267 triệu đồng và bị truy thu phí bảo vệ môi trường trên 127 tỉ đồng. Một kết thúc mà nhiều người đã dự báo trước. Hành vi nguy hiểm thì đã rõ nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.

Hay trong vụ việc của Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM) việc xử phạt cũng hết sức... nhẹ nhàng. Trước khi bị cảnh sát môi trường bắt quả tang xả nước thải chưa xử lý ra sông Đồng Điền vào tháng 10-2008, công ty này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm. Thậm chí khi bị tạm cắt nước và điện, Hào Dương thuê sà lan vận chuyển nước từ nơi khác đến, tự trang bị máy phát điện để sản xuất và tiếp tục xả thải. Các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường TP, UBND huyện Nhà Bè, Ban Quản lý các KCN-KCX (HEPZA), Phòng Cảnh sát môi trường… bàn mãi vẫn không thể thống nhất quan điểm xử lý hình sự hay hành chính. Thậm chí, lãnh đạo UBND TP từng chỉ đạo CATP củng cố hồ sơ để khởi tố nhưng cuối cùng Hào Dương cũng chỉ bị xử phạt hành chính 170 triệu đồng. 

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, mỗi năm toàn lực lượng phát hiện khoảng 5.000- 6.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn trăm, thậm chí có năm chỉ là hàng chục. Ngoài lý do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện thì việc không thể xử lý hình sự theo nhận định của nhiều chuyên gia là do chính các quy định của pháp luật. Đã đến lúc chúng ta cần tiếp cận với những quan điểm luật pháp mới, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm môi trường.

Đây không còn là hành vi hủy hoại môi trường mà có thể coi như hủy hoại hàng loạt thế hệ người sinh sống tại Việt Nam. “Không nghiêm minh sẽ nhờn” là kết luận của các chuyên gia nghiên cứu luật pháp về tội phạm môi trường. Nếu xử phạt hành chính có mức độ thấp hơn giá trị hệ thống xử lý nước thải thì các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận bị phạt mà không xây dựng hệ thống vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy cùng với việc sửa đổi luật về trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan pháp nhân vi phạm môi trường thì mức xử phạt cũng phải tăng lên, không thể giữ ở mức vài trăm triệu như hiện nay. Có như vậy các doanh nghiệp mới nhận thấy tính nghiêm minh của luật pháp, tội phạm môi trường mới giảm đi chứ không phải tăng lên như những gì đang diễn ra.