Chủ tịch Hà Nội: Lúc này là cơ hội để xóa rào cản giữa lao động khu vực nhà nước và tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dẫn ví dụ, với rào cản pháp luật hiện hành, nhiều khi ông muốn mời một người giỏi ở khu vực tư nhân về làm việc cho chính quyền địa phương cũng rất khó…
Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP. Hà Nội chiều 7-5

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP. Hà Nội chiều 7-5

Chiều 7-5, Quốc hội thảo luận tổ về 3 nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Phát biểu tại tổ ĐBQH TP.Hà Nội, đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ý kiến, với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), điều ông quan tâm là phải quy định rất chi tiết, rõ ràng về điều khoản chuyển tiếp khi sắp xếp lại tỉnh/ thành, xã/ phường; nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, không gián đoạn bất cứ một giây phút nào.

Điều này nhằm đảm bảo mọi quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển giao giữa chính quyền xã mới với chính quyền xã trước sắp xếp…

Về việc sửa đổi Luật cán bộ, công chức, ông Thanh cho rằng, lần sửa đổi này là cơ hội gần nhất để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khu vực Nhà nước với khu vực tư nhân.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu

Đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay, rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển và hiểu biết lẫn nhau giữa hai khối. Khoảng cách giữa khu vực Nhà nước và tư nhân ngày càng lớn. Bên cạnh đó, hệ thống quy định về tuyển dụng công chức, với các giới hạn về độ tuổi, kinh nghiệm và kỳ thi… đang ngăn cản sự giao lưu lao động.

“Ví dụ, nếu tôi muốn mời một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc một nhà khoa học từ viện nghiên cứu tư nhân về làm việc cho chính quyền địa phương, các quy định hiện hành là rào cản lớn. Ngược lại, cán bộ nhà nước sau thời gian công tác cũng khó chuyển sang khu vực tư nhân để làm tư vấn hoặc tham mưu, dù họ có kinh nghiệm quý giá”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Cũng tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội góp ý, với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), cần hoàn thiện các quy định liên quan về quyền, nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức và ứng dụng công nghệ số trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức.

Một số ĐBQH khác như Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Anh Trí… góp ý thêm vào việc phải tuyển dụng người tài vào khu vực nhà nước theo vị trí việc làm, xác định rõ thế nào là người có tài năng, đồng thời góp ý chính sách ưu đãi với người có tài cần đi đôi với trách nhiệm cụ thể, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế, không chỉ dựa trên thành tích trước đó…

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận tổ

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận tổ

Thảo luận tại các tổ khác, nhiều ý kiến ĐBQH cũng quan tâm đến việc tuyển dụng, thu hút người tài vào khu vực công. Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu thực trạng, đã có nhiều trường hợp thu hút được người tài, nhưng rồi không bố trí được công việc hay bố trí không phù hợp, hoặc do đãi ngộ không tương xứng… nên cũng không được bền lâu.

Nữ đại biểu cho rằng, không thể thu hút một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hay một nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về bằng một mức lương khởi điểm 2,34. Không thể yêu cầu một chuyên gia giỏi từ doanh nghiệp chuyển qua khu vực nhà nước phải có đầy đủ các quy trình, thủ tục để trở thành một công chức quản lý...

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ

Về nội dung này, phát biểu tại tổ chiều 7-5, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng và kiến thức cũng như khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung trước đây đã được quy định ở cấp nghị định.

"Liên quan đến nội dung này, chúng tôi cố gắng đưa một số vấn đề mang tính nguyên tắc vào dự luật để sau này căn cứ vào điều kiện của đất nước, từng giai đoạn sẽ có cơ chế phù hợp hơn" - Bộ trưởng Nội vụ nói.

Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm

Theo luận tại tổ chiều 7-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này sẽ phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương.

“Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trên tinh thần hiện nay, việc xây dựng Luật, Quốc hội chỉ quy định khung, còn việc cụ thể Chính phủ ban hành nghị định, bộ ngành ban hành thông tư. Cần bàn thảo rõ từng lĩnh vực cụ thể để làm sao trao quyền cho địa phương cụ thể hơn” - Chủ tịch Quốc hội nói.