- Giáo hội Phật giáo Việt Nam công bố các hoạt động của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025
- Ngày 8/5, núi Bà Đen tổ chức chuỗi nghi lễ lịch sử trong đại lễ Vesak 2025
Nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát biểu tại khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 6-5, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam. Điều này có thể thấy qua số lượng đại biểu đông đảo đến từ khắp nơi trên thế giới dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025.
![]() |
Đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 |
Theo đó, có khoảng 2.700 đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản - Vesak 2025, trong đó có khoảng 1.200 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm lãnh đạo một số nước, đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế; các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới, có vai trò quan trọng trong việc định hướng, phát triển cộng đồng Phật giáo thế giới; nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; nhân sĩ trí thức Phật giáo trên thế giới và trong nước. Ngoài ra, còn có nhiều kiều bào ta ở Mỹ, Canada, Australia, các nước châu Âu và châu Á về tham dự Đại lễ.
Chủ tịch nước Lương Cường sau khi nêu rõ Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã nhấn mạnh rằng trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước chỉ rõ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay đang tiếp nối truyền thống, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước đánh giá chủ đề của Đại lễ Vesak năm nay đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên hợp quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bi mà đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc". Chủ tịch nước tin tưởng rằng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam; cũng như thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn.
Tốt đời, đẹp đạo
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cả đất nước ta kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một cơ hội để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp; đồng thời để bạn bè quốc tế chứng kiến thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm thống nhất đất nước; đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới. Đại lễ cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 cũng là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính sách tôn giáo cởi mở, bình đẳng và tiến bộ ở Việt Nam, đồng thời khẳng định rõ nét chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, coi đó là một trong những động lực chủ yếu để xây dựng, phát triển đất nước.
Những năm qua, đồng bào các tôn giáo tại nước ta luôn đoàn kết, gắn bó và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức và phần đông đồng bào theo các tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đồng thời là nhân tố bồi đắp, gìn giữ văn hóa Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú. Tính tới năm 2004, cả nước có 16 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Ðài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo). Nhà nước đã công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Đến nay, cả nước có hơn 27,7 triệu tín đồ, hơn 54.500 chức sắc, gần 145.000 chức việc, gần 29.900 cơ sở thờ tự. Chiếm hơn 27% dân số Việt Nam, các tín đồ tôn giáo là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi bình đẳng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, các tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các tôn giáo hoạt động ngày càng ổn định, theo đúng Hiến chương, Ðiều lệ và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; xu hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc là chủ yếu. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập năm 1981 đã luôn xác định đường hướng hoạt động: "Ðạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội"; Giáo hội Công giáo Việt Nam xác định đường hướng hành đạo qua Thư chung nổi tiếng năm 1980: "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc"; Các Hội thánh Cao Ðài được công nhận tư cách pháp nhân đều xác định phương châm hành đạo "Nước vinh, Ðạo sáng"; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hành đạo "Vì Ðạo pháp, vì Dân tộc"; Các Hội thánh Tin lành khi được công nhận đều "Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc"…
Có thể thấy, các đường hướng hoạt động tiến bộ của các tôn giáo ở Việt Nam là sự phản ánh kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và xã hội, tất cả hướng đến mục đích chung “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.