Giáo dục Việt Nam: Lỗi hệ thống

ANTĐ - Đường phố Hà Nội sau những ngày hè thoáng đạt, đã trở lại đông đúc với mùa tựu trường. Không chỉ tắc nghẽn giao thông với hàng trăm điểm tụ tập đón đưa học sinh, mùa tựu trường còn làm sâu thêm nếp nhăn trên nét mặt của hàng triệu ông bố, bà mẹ về các khoản đóng góp bất thường đầu năm học, thêm nặng lòng lo lắng của bao nhiêu thức giả vì một nỗi lo toan là lại mất thêm một mùa giáo dục.

Nhưng đối với tôi, giáo dục không chỉ là mùa vụ, mất mùa lúa, mùa khoai chỉ là mất đi một lượng sản phẩm, còn một mùa giáo dục không nên hồn không chỉ mất mùa mà còn đưa ra xã hội một lứa người méo mó, chất lượng thấp, có thể gây hại hàng chục năm cho xã hội. Những sinh viên, học sinh phạm tội ngày một nhiều, hàng vạn sinh viên ra trường, những ông bà cử nhân ngu ngơ giữa môi trường kinh doanh thị trường khát khao nhân lực, mà hỏi gì cũng không biết. Một nhà tuyển dụng lắc đầu nói với tôi giữa Phiên chợ việc làm năm 2010: Các trí thức trẻ của chúng ta thừa thủ đoạn nhưng quá thiếu năng lực làm việc. Trong 10 năm qua đã có tới 307 trường đại học và cao đẳng mới được thành lập nâng tổng số trường đại học và cao đẳng trong cả nước lên con số giật mình 409 trường.

Tại sao lại thế? Tại sao lại thế? Trả lời câu hỏi ấy, trả lời các băn khoăn đó, chỉ có một cách: Phải nhìn lại các vấn đề của giáo dục và lần tìm đường ra cho giáo dục. Không định hướng đi vào những ma trận của lý luận, những mô hình mang tên của ông tây, bà đầm nào, tôi muốn từ thực tế, từ những sự kiện, sự việc đã và đang diễn ra trong đời sống để lại bàn đôi ý về giáo dục.

Với tôi có 4 vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với cả nền giáo dục của chúng ta. Chung nhất là chất lượng giáo dục thấp, không phát huy được khả năng của học sinh, dẫn đến chất lượng con người sau giáo dục thấp, thấp về nhân cách, thấp về hiểu biết, thấp về khả năng tiếp cận với tri thức, thấp về năng lực hoạt động thực tiễn... Vấn đề tiếp theo là sự lẫn lộn giữa thị trường giáo dục và kiếm tiền bằng giáo dục. Vấn đề thứ 3 là thái độ xã hội (từ người dân đến các cấp quản lý Nhà nước) đối với giáo dục và hệ thống giáo dục. Đó là thái độ ứng xử của các cấp quản lý Nhà nước đối với giáo viên, sự tôn trọng nhân cách người thầy, trả công xứng đáng cho thầy qua lương, quan tâm tới đời sống và tạo điều kiện hành nghề cho thầy. Với người dân là các vấn đề: thái độ đối với nghề giáo dục, sự tôn trọng đối với các thầy cô và cao hơn, thái độ đối với sự học của chính con em mình. Vấn đề thứ ba là thái độ của ngành giáo dục, cả hệ thống giáo dục và mỗi người thầy đối với giáo dục và đối với mỗi học sinh. Vấn đề cuối cùng là các biện pháp để sửa đổi, cải tiến, cải lùi... nhằm đưa giáo dục ra khỏi tình trạng mất mùa hiện trạng.

Chúng ta thử phân tích bằng các sự kiện, sự việc từ thực tiễn nhằm hiểu rõ hơn các vấn đề đã nêu.

Chất lượng giáo dục thấp

Tỷ lệ phạm tội hình sự trong lớp tuổi vị thành niên, tức là tuổi học sinh và trong lớp sinh viên học sinh, trí thức năm 2011 đã tăng hơn 100% so với năm 1996 (theo Báo cáo của Công an Hà Nội). Vấn đề ở chỗ quan niệm của rất đông học sinh, sinh viên là nhu cầu hiện tại có giá trị cao hơn rất nhiều so với sự việc. Các cô cậu có thể bỏ học, nhờ người học hộ để kiếm tiền ngay lập tức nếu có cơ hội. Giá trị của việc học chỉ là mảnh bằng tốt nghiệp chứ không phải là kiến thức thu lượm được trong học tập. Đối với họ bây giờ học chỉ để đối phó với thầy, với nhà trường. Sớm phải đối phó, sớm phải thông thuộc các thủ đoạn lừa thầy, lừa nhà trường bằng quay cóp, bằng nhờ học hộ, thi hộ, mua điểm, mua bằng, học sinh sinh viên sau khi ra trường có chất lượng đúng như ông Giám đốc Công ty Việt Linh sau phỏng vấn: Các vị cử nhân nhà ta thủ đoạn thì thừa mà năng lực làm việc thì thiếu.

Nhưng tại sao lại có hiện tượng này? Rõ ràng trong mấy chục năm vừa qua, ngành giáo dục đã quên một nhiệm vụ đào tạo đối với học sinh, đó là đào tạo nhân cách. Người viết bài này đã hỏi trực tiếp 10 thầy cô giáo đang dạy tại các trường phổ thông ở Hà Nội, bạn đọc có tin không? Không ai trả lời đúng được câu hỏi nhân cách là gì? Theo định nghĩa: Nhân cách là hệ thống những phẩm giá của một người thể hiện trong mối quan hệ qua lại của người đó trong môi trường xã hội và tự nhiên. Đào tạo nhân cách chính là bồi dưỡng những phẩm giá cao đẹp trong mỗi học sinh sinh viên. Từ tuổi ấu thơ người thầy đã phải dạy cho các em phân biệt việc tốt, việc xấu trong môi trường cụ thể của các em. Kiến thức lớn hơn, môi trường tiếp xúc lớn hơn các thầy cô càng phải chỉ bảo nhiều hơn cho các em việc tốt việc xấu để các em có sự phân biệt. Làm việc tốt từ nhỏ, lên án việc xấu từ nhỏ, các em đã tự xây dựng những phẩm giá của mình và những phẩm giá đó cũng lớn dần theo tuổi, theo lớp để trở thành những công dân tốt. Còn bây giờ, từ mẫu giáo các em đã biết mách cô để cô phạt bạn, xui mẹ mang quà cho cô giáo. Đến lớp 1, lớp 2 phụ huynh đã phải chạy điểm, lấy lòng thầy cô giáo... Rồi cứ thế những phẩm giá cao đẹp ngay từ nhỏ đã không có trong các học sinh thì lấy đâu ra phẩm giá con người trong tương lai. Sự băng hoại về đạo đức trong một số mặt đời sống hiện nay, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm.

Sự giáo dục nhân cách đã thiếu và yếu, sự giáo dục tri thức càng đáng buồn hơn. Tôi còn nhớ một câu dạy phổ biến của các thầy cô năm xưa: Trường học chỉ cho các em phương pháp thu nhận kiến thức, còn kiến thức thì các em phải thu nhận qua sách và đời sống. Và ngày ấy đi học ở trường nhàn nhã hơn, đỡ vất vả hơn bây giờ mặc dù khi tốt nghiệp, sự hiểu biết cũng như năng lực của chúng tôi lớn hơn rất nhiều so với lớp học sinh sinh viên bây giờ. Nguyên nhân cực kỳ đơn giản: Nhà trường trước đây hướng dẫn học sinh trang bị kiến thức, còn nhà trường hiện nay không phải hướng dẫn mà trực tiếp nhồi nhét kiến thức. Nhưng kiến thức không phải cơm nguội nhồi vào con vịt, kiến thức để thành sở hữu của con  người phải qua một con đường gọi là phương pháp tư duy và nếu nó muốn ở lại với con người nó phải được kiểm nghiệm qua hoạt động, qua kinh ngiệm của người đó. Nhưng những nguyên tắc ấy, bây giờ không còn giá trị. Tất cả  chỉ còn là những câu hỏi và những đáp án mà học sinh phải làm, phải học thuộc. Và nếu thực tiễn không giống đáp án nhà trường đã soạn sẵn thì học sinh lắc đầu là đúng rồi.

Môn Lịch sử là môn học được yêu thích của lớp học sinh chúng tôi từ những năm 1970 trở về trước. Những năm ấy sách giáo khoa Lịch sử đơn giản hơn, nhưng tầm kiến thức lớn hơn rất nhiều. Cái mà thầy cô chúng tôi dạy cho chúng tôi là những sự kiện lịch sử, ý nghĩa của các sự kiện và từ những sự kiện ấy bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Còn bây giờ, các sự kiện là các sự kiện, kiến thức môn Lịch sử dừng lại ở sự kiện và đáp án của nhà trường để tính điểm môn học. Không cần tìm hiểu thêm, không cần khám phá tư liệu, không cần phát hiện. Tất cả đã có trong đáp án, ngoài đáp án là không đúng, không cần, không giá trị, thảo nào mà học sinh bây giờ chán môn Lịch sử.

Có một điều đáng ngại trong giáo dục hiện nay là đánh giá chất lượng học sinh. Không phải học sinh có khối lượng kiến thức lớn, có tư duy khoa học là học sinh giỏi mà học sinh có điểm cao là học sinh giỏi. Mà điểm căn cứ vào các tiêu chuẩn nhiều khi không liên quan đến kiến thức. Rất nhiều học sinh giỏi tại các trường phổ thông và cả ở đại học hiện nay không được bạn bè trong lớp tôn trọng vì thật sự không giỏi mà chỉ là ngoan (đối với thầy cô) là làm đúng các yêu cầu của các thầy cô.

Đã có sự xuống cấp không phải ở chất lượng đào tạo mà cả sự xuống cấp ở việc đánh giá chất lượng đào tạo. Rất nhiều các vị phụ huynh bây giờ sau khi kiểm tra kiến thức của các con em mình đều ngạc nhiên về cái gọi là sự học và lắc đầu than: Bao giờ cho đến ngày xưa.

Thị trường giáo dục và kiếm tiền trong giáo dục

Mức lương ngành giáo dục hiện nay có thể nói là thấp bậc nhất trong các ngạch công chức. Nhưng trừ các giáo viên vùng cao, vùng khó khăn, thu nhập của các giáo viên hiện nay lại ở mức cao, có lẽ chỉ thua ngành ngân hàng một tẹo thôi. Vấn đề này vừa phức tạp lại vừa đơn giản. Đó là sự lẫn lộn giữa thị trường giáo dục và kiếm tiền trong giáo dục trong bối cảnh đầu tư công còn thấp nhưng đầu tư xã hội lại cực lớn.

Nghị quyết 05/2005 của Quốc hội đã mở ra một con đường mới: xã hội hoá giáo dục, thu hút đầu tư xã hội cho giáo dục.. Xã hội hoá giáo dục đã tạo ra một thị trường giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên có một thực trạng là việc hình thành các cơ sở giáo dục, hoạt động của nó đã được luật hoá bằng các luật, các quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng đầu tư của các gia đình vào các trường công lập thì không có hoặc chưa được luật hoá, chỉ có các quy định từ cấp cấp sở giáo dục, nay thực hiện, mai thôi... Vì vậy các trường công tha hồ khai thác cái gọi là đầu tư xã hội và vì không có luật cho nên các trường cũng không cần quan tâm tới hiệu quả đầu tư.

Thành công chưa thấy mấy, ngoài việc đáp ứng nhu cầu lấy bằng của đông đảo học sinh sinh viên, nhưng hậu quả của xã hội hoá thì thấy rõ. Hàng trăm cơ sở giáo dục ngoài công lập từ mầm non đến đại học đang mở rộng cửa đón người học, bất cần chất lượng, chỉ cần tiền. Theo điều tra của chúng tôi, năng lực giáo dục đại học cao đẳng  của khối các trường ngoài công lập (trên 300 trường)có thể đáp ứng tới 80% học sinh tốt nghiệp trung học.

Nghĩa là trừ số con em mà gia đình không đủ tiền cho con đi học thì ai cũng có thể thành cử nhân (miễn là có tiền), bất cần chất lượng đầu vào. Và cứ căn cứ vào thái độ của các doanh nghiệp, thậm chí có cả một UBND tỉnh lớn nữa, thì đối với các cử nhân đại học tư này thì thấy rõ chất lượng đào tại các trường tư như thế nào. Tại các trường công tệ hơn nhiều. Đảng, Chính phủ tăng đều đầu tư công cho giáo dục, trường sở, trừ các vùng còn khó khăn (khoảng 25% số học sinh) đều đã được xây dựng khang trang, lương giáo viên Nhà nước trả... Nhưng đóng góp của các gia đình cho nhà trường thì... trường công đóng nhiều hơn trường tư. trung bình mỗi học sinh phổ thông các gia đình  ở thành phố Hà Nội phải đóng 1 triệu đồng/tháng.

Còn ở các trường tốt phải có thêm 2 triệu đồng/tháng. Ngay đầu năm học, đóng góp các khoản cho nhà trường mỗi học sinh tiểu học trung bình là 4 triệu đồng/em, học sinh trung học cơ sở trên 3 triệu đồng/em. Các khoản này gồm: tiền xây dựng trường (mặc dù đã bị cấm thu trực tiếp nhưng thoả thuận với phụ huynh thì vẫn được) tiền quỹ đoàn, quỹ Đội, học phí (không tăng) do trường thu trực tiếp, các khoản thu hộ gồm bảo hiểm học sinh, bảo hiểm y tế, tiền giữ xe, các khoản nộp cho quỹ phụ huynh để chi cho đủ thứ trên đời từ quà tặng cho thầy cô nhân ngày lễ, tiền tặng phẩm cho học sinh, tiền nước uống, tiền điện cho điều hoà nhiệt độ, tiền... đủ thứ tiền. Nhưng đáng sợ không phải khoản thu đầu năm mà là tiền học thêm. Hầu như tất cả các học sinh đều phải đi học thêm lớp của giáo viên phụ trách lớp mà phải “tình nguyện” thậm chí là “tha thiết yêu cầu” được đi học thêm, những cam kết này phải bằng văn bản!!! Mỗi tháng các em trong thành phố phải chi khoảng 1 triệu đồng học thêm, còn ở ngoại thành cỡ 300  - 700 nghìn đồng.

Hàng trăm tỷ đồng đã đổ vào các trường công mỗi năm nhưng không được quản lý, không giám sát hiệu quả, không chịu thuế. Hàng trăm tỷ đồng này đã góp phần làm... hỏng môi trường giáo dục, làm xấu thêm chất lượng giáo dục và quan trọng hơn nó ảnh hưởng đến nhân cách học sinh.

Xã hội hoá giáo dục là con đường đúng đắn. Tuy nhiên nó chỉ có thể hiệu quả nếu sự nghiệp xã hội hoá này dẫn đến việc xây dựng một thị trường giáo dục công khai, minh bạch và có trách nhiệm. Việc đổ một số tiền lớn vào giáo dục của xã hội mà không giám sát được kết quả đã tạo ra việc “thi đua” giữa các trường, các thầy cô trong việc kiếm ăn trên lưng các học sinh của mình, lý giải thu nhập cao của các giáo viên trường công lập. Với một bối cảnh đầu tư xã hội vào giáo dục như vậy, hình ảnh cao quý của người thầy hình như đã hư hao chút ít.

Buồn ơi, hình ảnh các thầy cô

Nhà nước đã quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đến các cán bộ giáo dục, các giáo viên như thế nào? Quả là còn quá nhiều bất cập.

Đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đại thể có thể gồm ba phần: chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất; chi cho nghiên cứu khoa học; chi thường xuyên cho hệ thống quản lý và giáo viên. Phần chi cho xây dựng cơ bản hiện nay nặng về xin cho. Các trường hiện còn dùng được nhưng vẫn phá đi đòi xây mới, trong khi  hàng nghìn, hàng trăm ngôi trường còn tạm bợ, thậm chí chưa có, học sinh phải đi học nhờ, nhưng vẫn không được đầu tư. Dĩ nhiên có nhiều lí do chủ quan và khách quan nhưng trong khi đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho giáo dục (chiếm trên 20% ngân sách/năm) thì hình ảnh những ngôi trường tạm bợ, khó khăn đã làm xấu bộ mặt của ngành giáo dục.

Phần chi cho nghiên cứu khoa học, cải tiến giáo dục, chương trình sách giáo khoa trong những năm vừa qua cho thấy sự kém hiệu quả, phí phạm ngân sách. Không có gì phí phạm hơn việc sách giáo khoa có in bài tập để học sinh làm bài vào sách nhằm mục đích bắt học sinh mua sách giáo khoa mới hàng năm. Cần xem lại phần đầu tư này.

Nhưng điều cần bàn nhất là phần chi thường xuyên cho hệ thống quản lý và lương giáo viên. Đây cũng là phần lớn nhất (chiếm 60%) ngân sách ngành giáo dục. Phần chi cho ngân sách ngành giáo dục từ Trung ương cho đến phòng giáo dục huyện tạm ổn.

Với mức lương cỡ 3 triệu/tháng, đời sống các cán bộ giáo dục tạm ổn. Nhưng lương giáo viên thì lại có vấn đề. Đối với các trường công ở thành phố, lương không chiếm tỷ lệ cao trong thu nhập, vì vậy thấp hay cao chỉ để khẳng định vị trí với đồng nghiệp, không có ý nghĩa lớn đối với đời sống, nhưng đối với giáo viên đang dạy tại các trường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì lương, phụ cấp từ ngân sách gần như là toàn bộ thu nhập.

Hiện nay mức lương giáo viên cấp xã, cụm xã quá thấp, chỉ cao hơn mức lương cán bộ y tế cơ sở, trong khi cán bộ y tế cơ sở còn có phụ cấp chuyên ngành như trực, bồi dưỡng thủ thuật, phẫu thuật... thì giáo viên gần như không có phụ cấp gì khác. Đó là chưa kể giáo viên có quá nhiều chế độ biên chế, hợp đồng khác nhau, Lương và các khoản thu nhập chính đáng quá thấp, dĩ nhiên các thầy cô giáo phải xoay xở và không dễ gì bằng xoay xở trên lưng học sinh, những đứa trẻ đang phụ thuộc vào mình. Đó chính là động lực của cái gọi là kiếm tiền bằng giáo dục.

Hậu quả của nó là hình ảnh người giáo viên đã không còn cao quý trong mắt phụ huynh và học sinh nữa. Người ta bấm bụng chi tiền cho học thêm, không phải vì học lực của con em mình yếu, mà người ta sợ thầy cô trù dập con em mình. Người ta bỏ tiền xin điểm, nhưng đổi lại người ta coi thường nhân cách của thầy cô. Có thể nói chưa có thời nào vị trí thầy cô giáo lại kém như bây giờ. Chỉ buồn một cái là lỗi lại không phải của thầy cô, mà là lỗi của cả hệ thống, lỗi của ngành giáo dục.

Ở chiều ngược lại

Còn ngành giáo dục và các thầy cô đối với xã hội và học sinh cũng như gia đình họ như thế nào. Vì tương lai con em chúng ta, vì sự nghiệp trăm năm trồng người... những khẩu hiệu kêu như chuông thúc đẩy mọi người quan tâm đến ngành giáo dục. Nhưng thực sự ngành giáo dục trong những năm vừa qua chất lượng đào tạo xuống thấp, sản phẩm giáo dục không đáp ứng nhu cầu thực tiễn là hiện tượng đã xảy ra nhiều năm, nhưng chưa hề có một biện pháp hiệu quả nào được đưa ra để làm thay đổi tình trạng này. Tình trạng làm tiền trên lưng học sinh dẫn đến học sinh tiểu học phải mua rất nhiều sách vở, học vụ, hàng ngày cõng trên lưng 5 - 6 kg đi học. dư luận kêu 10 năm rồi, nhưng càng kêu lại càng nặng, trước 5 - 6 kg, giờ lên 6 - 7 kg rồi. Tình trạng học thêm tràn lan, tình trạng mua, xin điểm dư luận cũng lên tiếng... nhưng cũng bất động. Không có ví dụ gì rõ hơn thái độ bất cần của ngành với các kiến nghị xã hội.

Những cải tiến bất cần hậu quả của ngành giáo dục trong chương trình giáo dục mới thể hiện thái độ vô trách nhiệm với con trẻ. Còn nhớ chương trình giáo dục thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại dẫu trong thử nghiệm có hiệu quả nhưng vẫn còn phải tiếp tục thử nghiệm trên mấy chục năm nữa, đến nay chưa được triển khai rộng rãi. Việc này chứng tỏ sự coi trọng đến cẩn trọng sự học của các cháu. Vậy mà nay mọi sáng kiến cải cách giáo dục, mọi sự tách ra, nhập lại, chỉ nháy mắt là đem ra thực hiện ngay trên hàng triệu học sinh. Ngay như việc giảm tải sách giáo khoa, sự việc vẫn đang còn nóng rẫy tay này, tháng 7/2011 đặt vấn đề, tháng 8 trình lãnh đạo bộ đề cương và tháng 9/2011 đề cương giảm tải đã được phổ biến từng trường và yêu cầu thực hiện ngay. Một việc quan trọng đến vậy mà Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện nghiên cứu, lập đề cương, phản biện, phê duyệt vẻn vẹn chỉ mất một tháng. Nó gây ra một cảm giác làm khoán cho xong để lấy tiền ngân sách mà thôi.

Nguyên nhân và giải pháp

Giờ này chắc chăn không ai truy cứu trách nhiệm của cá nhân nào về tình trạng của ngành giáo dục. Việc sai nhỏ, dẫn đến sai lớn, dẫn đến tất cả cũng sai, diễn ra qua nhiều năm rồi, trách nhiệm cũng qua quá nhiều rồi. Nhưng chúng tôi tâm đắc với cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân khi trả lời báo chí trước thềm năm học mới 2011 - 2012: “Vấn đề của ngành giáo dục là: Lỗi hệ thống”.

Một nhận thức sai lầm, dẫn đến nóng vội cải cách và khi không đạt được hiệu quả, không dám nhận sai lầm, áp dụng biện pháp tình thế, chữa quanh, dẫn đến một hệ thống rối loạn, không có ý tưởng. Mặc dù đã có Chiến lược phát triển giáo dục 2000 - 2010 và đang triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2010 - 2020, nhưng thật sự ngành giáo dục vẫn loanh quanh với hệ thống cũ, vẫn duy trì hình thức cũ và về cơ bản, những đề xuất trong chiến lược cũng chỉ nhằm giải quyết triệu chứng, chưa đi vào gốc rễ của nó: thay đổi phương pháp giáo dục, xây dựng hệ thống quản lý giáo dục chặt chẽ, có luật để điều chỉnh hoạt động cả khu vực giáo dục công và tư.

Trong Hội nghị tổng kết việc triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2000 – 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Đảng và Chính phủ luôn luôn coi giáo dục là quốc sách, là động lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục các cấp.

Vấn đề nâng cao như thế nào?  có cần cải cách giáo dục một lần nữa, theo hướng... huỷ bỏ cải cách đã thực hiện ít lâu nay. Nghĩa là giáo dục, những người thầy phải là người chỉ đường, người hướng dẫn cho các học trò đi tới tương lai, chứ không là người cõng các học trò tới tương lai. Hãy hướng dẫn, chỉ ra phương pháp, chỉ ra nguyên tắc và tạo điều kiện để các học trò hoàn thiện nhân cách và tri thức của mình. Mong ước làm sao có ngày những đứa con học lớp một của chúng ta lại được học bảng chữ cái, học đánh vần như ngày xưa, để con tôi có thể tự mình đánh vần được những chữ không có trong sách “Tập đọc lớp 1” thay cho tình trạng cô giáo dạy chữ nào, biết chữ ấy như bây giờ. Xin cải cách từ lớp 1 từ phương pháp đến sách giáo khoa, sau đó cải cách sang lớp 2 và đến hết cấp. Riêng đối với chương trình cao đẳng và đại học cần có tư vấn nước ngoài để có một hệ thống đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực xã hội. Phù hợp nhu cầu nhân lực (đầu ra) chứ không thoả mãn nhu cầu người đi học (đầu vào).

Về quản lý giáo dục, sớm có bộ luật quản lý trường công, bộ luật quản lý thị trường giáo dục,  theo hướng công khai, minh bạch và có trách nhiệm. Ví dụ các khoản được phép thu là khoản nào, ai quản, chi tiêu ra sao, ai giám sát, chế tài thế nào. Việc học thêm ai được tổ chức, thu ra sao, chi thế nào, giám sát và quản lý thuế ra sao, chế tài cụ thể nếu vi phạm. Lương bổng và chế độ đãi ngộ của các giáo viên phải đảm bảo đủ sống một cách sung túc. Và nếu giáo viên không phải xoay xở kiếm tiền, thầy cô giáo lại trở về vị trí cao quý như xưa.