Một làng có 80 người chết vì ung thư

ANTĐ - Theo thống kê tại trạm y tế xã thì chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có tới gần 80 trường hợp trong xã bị chết vì ung thư, con số này tăng lên hàng năm trong khi chính quyền xã cũng không nắm được số bệnh nhân đang mắc ung thư. Các cơ quan chức năng vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng nào về sự ô nhiễm của nguồn nước, còn người dân vẫn sống trong hoang mang, sợ hãi.

Cơ sở dệt, nhuộm này mới được đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ năm ngoái

Những cái chết đến sớm

Sau một số thông tin phản ánh về tình trạng ung thư ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam, chúng tôi đã về đây để tìm hiểu. Dừng xe ở khu chợ dân sinh thuộc xóm 16, mới nghe chúng tôi hỏi về căn bệnh ung thư, người dân ở đây đã xúm lại: Nhiều lắm, không hiểu sao mấy năm trở lại đây nhiều người chết vì ung thư thế. Chỉ từ trong năm đến bây giờ, riêng xóm 16 này cũng phải đến 6-7 trường hợp chết vì ung thư rồi, toàn người chết trẻ khoảng 40-60 tuổi. Cứ thỉnh thoảng trong làng lại đưa đám một người khiến cho những người còn cũng hoang mang lắm, chẳng biết liệu cái án tử ấy có tìm đến gia đình mình không.

Anh Trần Xuân Sinh, một người dân ở xóm 16 cho biết: Chỉ mỗi đoạn đường đầu cầu phao này, dài chưa đầy 500m mà có tới gần 20 người chết vì ung thư. Riêng gia đình anh vài năm trở lại đây đã phải 3 người vì căn bệnh này: Bố anh là ông Trần Xuân Sách (ung thư phổi), chú ruột là ông Trần Xuân Thoan (ung thư gan), anh trai là  Trần Xuân Mai (ung thư dạ dày). Ngay   bên này là anh Thêm, anh Hùng. Phía dưới kia là anh Hải, chị Nghiêm, chị Xuyến, anh Đệ. Trên này là anh Xuân, con chị Liên… Cứ thế, danh sách người chết vì ung thư được những người dân ở đây thống kê lên tới vài chục người. Chưa kể những người đang mang trong mình căn bệnh này cũng phải lên đến con số trên dưới chục  người. Chẳng hạn gia đình anh Trần Huy Đắc, chị Trần Thị Loan cả hai vợ chồng đều mắc bệnh ung thư vòm họng hơn hai năm nay, đang chạy chữa khắp nơi. Rồi anh Trần Hữu Thuấn (xóm 15) cũng đang ung thư dạ dày giai đoạn cuối…

Ghé vào gia đình chị Trần Thị Q. (xóm 16), nỗi lo lắng dường như vẫn thường trực từ khi người chồng của chị ra đi vì ung thư gan. Chị cho biết, từ khi chính quyền thông báo nguồn nước ở đây bị nhiễm asen, gia đình chị đã không dám dùng nước giếng khoan mà xây hẳn một cái bể hứng nước mưa để ăn. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư vẫn không buông tha gia đình chị, cách đây 2 năm chồng chị cũng phải ra đi vì căn bệnh quái ác này. Mỗi lần nghe tin một người hàng xóm mắc hoặc chết vì ung thư chị càng thêm hoang mang, lúc nào cũng nghĩ căn bệnh đang rình rập đâu đó quanh những người thân của mình.

Thử hỏi thêm một vài người dân khác, câu trả lời cũng tương tự, rằng không hiểu sao tỷ lệ ung thư của làng lại nhiều thế, và đặc biệt tập trung ở khu vực xóm 16. Những người sống ở quanh khu vực này lúc nào cũng sống trong lo sợ, bởi cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu, không biết sẽ còn rơi vào những ai nữa.

Y tế xã nói... bình thường

Chúng tôi đã tìm đến trạm y tế xã Hòa Hậu những mong tìm được căn nguyên của tình trạng gia tăng đột biến căn bệnh ung thư ở khu vực xóm 16 nhỏ bé này. Lãnh đạo trạm y tế sau khi kiểm tra danh sách người chết tại địa bàn đã cung cấp số liệu: năm 2011, Hòa Hậu có 21 người chết vì ung thư trên tổng số 87 người chết cả năm, chiếm trên 24%; năm 2010 xã có 18/85 người (chiếm trên 21%)… Các bệnh ung thư thường gặp là ung thư phổi, gan, dạ dày, ung thư vú, tử cung… Theo bác sĩ Trần Duy Đoàn (Trưởng trạm y tế xã Hòa Hậu) thì tỷ lệ này tăng theo các năm. “Chúng tôi chưa có số liệu so sánh nhưng có lẽ nó cũng chỉ nằm ở mức trung bình của cả nước.” – vị trưởng trạm cho biết. Khi được hỏi trạm có nắm được số liệu người đang mắc ung thư hay không thì ông Đoàn… lắc đầu.

Liên lạc với Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Lý Nhân, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời rằng tình trạng ung thư ở Hòa Hậu là hoàn toàn bình thường, không có gì đột biến. Và Trung tâm y tế huyện cũng… chưa có số liệu thống kê về số người chết vì ung thư của xã cũng như các địa phương khác trong huyện để so sánh.

Ông Đoàn cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng nước ngầm tại một số huyện ở Hà Nam và Thái Bình, trong đó có Hòa Hậu thì nguồn nước ngầm tại các địa phương này bị ô nhiễm asen (thạch tín) khá nặng. “Đây cũng có thể là một nguyên nhân gây ung thư bởi trước đó hầu hết người dân Hòa Hậu đều dùng nước giếng khoan trong ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên từ khi được cảnh báo nước ô nhiễm asen thì hầu hết người dân đã lấp giếng khoan hoặc nhà nào vẫn dùng nước giếng khoan thì đã chủ động xây các bể lọc. Đến nay 40% số hộ dân trong xã đã được sử dụng nước sạch”.

Chúng tôi đặt vấn đề liệu có hay không nguyên nhân ung thư là do chất thải từ các làng nghề dệt nhuộm tại Hòa Hậu thì ông Đoàn gạt đi. Theo ông thì các làng nghề tẩy nhuộm ở Hòa Hậu hiện nay có mức độ thải hóa chất rất ít vì đa số các cơ sở tẩy nhuộm đã được di chuyển về Nam Định, các cơ sở còn lại đều phải lắp bể xử lý chất thải lỏng. “Năm nào cũng tôi cũng kiểm tra, tình trạng ô nhiễm hóa chất tẩy nhuộm không có, chỉ có ô nhiễm bụi và tiếng ồn mà thôi”.

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến tỷ lệ người ung thư nhiều đột biến ở khu vực xóm 16, ông Đoàn cho biết chưa lý giải được vì các điều kiện môi trường, nguồn nước ở khu vực này không có gì khác biệt các khu vực khác.

Cần một câu trả lời

Chưa hài lòng với câu trả lời của ông trưởng trạm y tế xã, chúng tôi đã thử một lần nữa khảo sát quanh khu vực có số người mắc ung thư cao. Người dân ở đây đặt rất nhiều giả thiết về nguyên nhân gây ung thư. Đầu tiên có thể là do ô nhiễm asen trong nước ngầm. Năm 2001, Viện Địa lý (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và công bố kết quả chất lượng nguồn nước ngầm ở một số địa phương thuộc Hà Nam và Thái Bình, theo đó hàm lượng asen trong nước ngầm ở những địa phương này rất cao. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì mức độ ô nhiễm asen của Hà Nam ở mức cao trên thế giới. Tình trạng bệnh tật ở đây cũng được UNICEF cảnh báo với trên 28,3% bị các bệnh về da (so với tỷ lệ trung bình cả nước là 3-5%), tỷ lệ ung thư các bộ phận tiêu hóa và tiết niệu cao…

Ngoài ra, số liệu nghiên cứu tác động sức khỏe do ô nhiễm asen ở Hà Nam của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam cũng chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm asen trong nước giếng ngầm tại ba xã Hòa Hậu, Vĩnh Trụ, Bồ Đề thuộc hai huyện Bình Lục và Lý Nhân là nghiêm trọng, đặc biệt là xã Hòa Hậu. Trong số 1.932 giếng được lấy mẫu để phân tích asen có 94,4 % giếng có nồng độ asen trong nước vượt chỉ tiêu cho phép (0,01 mg/l). Tỷ lệ ung thư có tăng theo thời gian, tỷ lệ biến đổi sắc tố da, sừng hóa, bệnh lý thai sản khá cao.

Còn theo các tài liệu mà phóng viên tìm hiểu được thì các bệnh lý do nhiễm asen ở người phải 5-10 năm sau mới phát hiện được. Người uống nước nhiễm asen lâu ngày sẽ có triệu chứng đầu tiên như có các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hóa trên bàn tay, bàn chân. Asen có thể gây ung thư gan, phổi, bàng quang và thận, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp...

Ngoài nguyên nhân trên, nhiều người dân trong xã cho rằng, tình trạng ung thư gia tăng đột biến ở đây một phần có thể do ô nhiễm hóa chất độc hại do các cơ sở dệt nhuộm gây ra. Được biết xã Hòa Hậu có nghề dệt nhuộm truyền thống lâu đời. Trước đây, tất cả nước thải của các cơ sở dệt nhuộm này đều được thải ra sông Châu Giang hoặc đổ xuống các ao cạnh nhà nên gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng khiến cá tôm cũng không sống được. Trong khi đó, người dân ở xóm 16 thì lại bơm nước trực tiếp từ sông ngay phía dưới dòng chảy mà các cơ sở dệt nhuộm thải hóa chất ra để ăn uống, sinh hoạt.

Ghé vào một cơ sở dệt nhuộm lớn thuộc xóm 15, chúng tôi quan sát thấy ống dẫn nước thải được dẫn trực tiếp ra con mương chảy ra sông Châu Giang. Ở xưởng nhuộm với gần chục công nhân mùi hóa chất nồng nặc khiến người chưa quen khó mà chịu được. Chủ cơ sở có thâm niên dệt nhuộm 20 năm này cho biết, mới được hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ… năm ngoái. Chị cũng cho biết, hóa chất nhuộm vải được chị mua ở khắp nơi, từ Hà Nội và Nam Định. Khi được hỏi về nguy cơ bệnh tật do hóa chất, chị cho biết: “Công nhân nhà tôi làm ở đây mấy chục năm nhưng thấy không ảnh hưởng đến sức khỏe, vẫn sinh con đẻ cái bình thường”.

Hiện tại xã Hòa Hậu vẫn có những người đang mắc bệnh ung thư, và con số những người chết về bệnh ung thư vẫn tăng lên hàng năm. Người dân thì hoang mang lo sợ, không thể tự lý giải được nguyên nhân nhiễm bệnh. Nhiều người cho rằng do nguồn nước bị nhiễm Asen, có người lại bảo do bị thải chất độc từ thuốc nhuộm vải. Những nghi ngờ của người dân không phải không có căn cứ. Trong khi đại diện trạm y tế lại nói… “không chó chuyện đó”. Theo quan điểm của chúng tôi,  rất cần sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn để người dân ở đây có thể yên tâm sinh sống. Muốn khẳng định nguồn nước có bị ô nhiễm hay không, muốn xác định chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh ung thư là do đâu, cần có chứng minh bằng cơ sở khoa học. Chứ không thể nói miệng rằng: “Làm gì có chuyện đó”.   

PGS. TS Nguyễn Ngọc Lân (Viện Khoa học công nghệ môi trường – ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Trong thành phần thuốc nhuộm, nhất là những loại thuốc nhuộm cũ, rẻ tiền của Trung Quốc thường có những thành phần hóa học độc hại với con người. Hiện nay các loại hóa chất độc hại này đã bị cấm sử dụng, tuy nhiên do giá thành rẻ nên nhiều hộ sản xuất vẫn mua về sử dụng. Việc các hóa chất này có khả năng gây ung thư hay không còn chưa có căn cứ nhưng tình trạng thải nước vào ao, sông rồi lại bơm nước đó lên ăn chắc chắn sẽ nguy hiểm đến sức khỏe con người. PGS Nguyễn Ngọc Lân cũng cho biết, hiện nay nhiều làng nghề đã được đầu tư công nghệ xử lý nước thải dệt nhuộm nhưng để “tiết kiệm” chi phí, hệ thống này rất ít được vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó, nhiều hộ sản xuất vẫn xả trực tiếp nước thải ra hệ thống thoát nước chung.