- Ông giáo già và lớp học xoá mù chữ vùng biên
- Người thầy thắp sáng những mảnh đời trong bóng tối
- Người thầy cảnh sát dạy nhạc cho học sinh khiếm thị
“Đừng sa ngã nữa”
Gần chục năm trước, ông chủ gara này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi đi ngược với tiêu chí tuyển chọn người làm của nhiều doanh nghiệp khác. Thế nhưng cách làm này đã mang lại sự thành công cho doanh nghiệp và cả những kết quả khả quan tác động đến xã hội.
Người mà chúng tôi nói là ông Trần Nhật Ninh (56 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã ô tô Liên Chiểu. Sinh sống và lập nghiệp trên mảnh đất Liên Chiểu nhiều năm, ông Trần Nhật Ninh nhận ra rằng, có một số thanh niên trong xã không được học hành tử tế, thậm chí “nhiễm” thói đua đòi, nghiện game, đánh bạc, chơi bời lêu lổng rồi hư hỏng và bị kẻ xấu lợi dụng vào các việc làm phi pháp. Trăn trở với suy nghĩ, ông nảy ra ý tưởng nhận những thanh thiếu niên hư, từng vi phạm pháp luật vào xưởng học nghề. Chỗ ăn, ở của họ được ông Ninh lo tươm tất và không thu bất cứ khoản nào.
Đem ý tưởng này ra bàn với vợ, ban đầu vợ ông rất ngỡ ngàng và lo ngại sẽ khó quản lý. Còn hàng xóm tỏ ra thiếu tin tưởng, bởi “dạy ai thì được, chứ dạy mấy đứa này sao nổi”. Thế nhưng, không vì thế mà ông bỏ cuộc. Ông vẫn quyết định thực hiện ý định của mình. Tiếng lành đồn xa, tâm đức và uy tín của ông đã thu hút nhiều thanh niên trong xã và vùng lân cận trong tỉnh tìm đến. Mấy năm nay, gara của ông trở thành lớp học nghề miễn phí cho thanh niên nông thôn.
Từ sự chỉ bảo của người thầy không giáo án - Trần Nhật Ninh, nhiều thanh niên trước đây hư hỏng, ăn chơi lêu lổng nay đã có việc làm ổn định. Khi Thành ủy Đà Nẵng có chủ trương giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, gara của ông Ninh không từ chối bất cứ em nào trong danh sách của hội cựu chiến binh, quận đoàn và công an gửi đến. Ông Ninh cho rằng cần hiểu tâm lý và nắm bắt được hoàn cảnh của học viên khi đến học nghề tại xưởng của mình để không cứng nhắc khi chỉ bảo và dạy dỗ các em.
Học viên được tiếp nhận vào xưởng thường là những học viên có nhiều cá tính. Ông Ninh coi học viên hư là các em có cá tính, không có em nào là học viên cá biệt và chỉ bảo họ tận tình về nghề, cư xử công bằng, không kỳ thị. Song, ông đưa ra “luật” làm việc đúng giờ, không hút thuốc, không rượu chè, không nói tục. Ông đã từng nhận một thiếu niên bỏ học và trộm cắp đã bị xử lý hành chính nhiều lần để vào đào tạo nghề. Khi chính quyền phường quyết định bắt buộc em này phải vào cơ sở giáo dưỡng, Quận Đoàn Liên Chiểu và Đoàn phường Hòa Khánh Bắc đã đề nghị ông nhận để giúp đỡ em.
Ông Ninh cho biết, ban đầu tiếp xúc với em này rất khó bởi tính khí đứa trẻ mới lớn rất ương ngạnh nên phải dành nhiều thời gian ngồi tâm tình, động viên em. Thế rồi mưa dầm thấm đất, dần dà em biết lắng nghe, tiến bộ hẳn. “Với những đứa trẻ ở lứa tuổi này, mình dùng biện pháp răn đe, quát nạt là thất bại ngay. Các em chỉ thích khuyên bảo nhẹ nhàng đừng sa ngã nữa, rồi mình làm việc tốt rủ các em tham gia thì sẽ đi theo”, ông Trần Nhật Ninh chia sẻ.
Những lúc rảnh, ông lại trò chuyện riêng với từng em để lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng; tìm hiểu về hoàn cảnh, điều kiện và nguyên nhân dẫn đến lệch lạc về nhân cách, lối sống của các em. Ông bảo, chỉ khi có dịp trực tiếp tâm sự với những học viên đặc biệt này, ông mới hiểu sự khát khao một mái ấm gia đình của các em.
Đằng sau cái vẻ ngổ ngáo, gan góc đến xù xì của các em, vẫn còn chút hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của những đứa trẻ một thời bị nhuộm đen bởi tệ nạn xã hội. Thế rồi, trong không khí gần gũi, cởi mở của tình thầy - trò, cha - con, nhiều em đã chân thành nhận và hứa sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót đã qua. Nhờ có sự chỉ dạy tận tình của ông Ninh và quyết tâm làm lại cuộc đời của các em mà khi rời xưởng có tới hơn 70% học viên có việc làm ổn định, thành đạt. Riêng những em muốn ở lại xưởng, ông Ninh nhận vào làm ngay.
Tấm lòng của một người thầy
Từng đi bộ đội lúc 16 tuổi rồi học sĩ quan trường Quân khu 5, ôngTrần Nhật Ninh rời quân ngũ đi làm kinh tế. Sau 10 năm làm cán bộ phòng thuế, ông chuyển sang làm cán bộ lâm nghiệp cho Lâm trường Sông Nam. Cơ duyên đưa ông Ninh đến với nghề sửa ô tô rất tình cờ. Khi làm cán bộ lâm nghiệp, ông quản lý một đoàn xe cơ giới, mỗi lần xe hỏng máy phải gọi thợ lên sửa và đó cũng là một cơ hội để ông học mót nghề. Hai vợ chồng chủ động xin nghỉ công chức khi sinh con thứ ba, về mở một tiệm sửa ô tô nhỏ, nhận tất cả các loại xe rồi mày mò làm.
Tay ngang vào nghề, ban đầu chỉ là quản lý xưởng, sau đó ông đã học từ những người thợ của mình, rồi trở thành một “kỹ sư” không qua trường lớp. Khi HTX ôtô Liên Chiểu thành lập, ông Ninh đóng góp cổ phần vốn đến 70% và chính thức làm chủ. Từ đó, ông cùng các thành viên trong Ban Giám đốc tập trung tìm kiếm khách hàng, ký nhiều hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước về vận tải, du lịch, sửa chữa. 50 công nhân làm không hết việc, thu nhập ổn định mỗi tháng từ 4 đến 6 triệu đồng tùy theo vị trí.
HTX ôtô Liên Chiểu hiện có 80 đầu xe chạy hợp đồng, chuyên chở hàng hóa. HTX ăn nên làm ra, ông nghĩ đến việc giúp đỡ những công nhân nghèo, những thanh niên một thời chưa ngoan.
Ông nhẩm tính, từ ngày HTX thành lập đến nay, bản thân ông và Ban Giám đốc đã nhận, đào tạo rất nhiều công nhân lao động nghèo. Những người đến đây được đào tạo không phải tốn phí, trái lại còn được ăn, ở miễn phí... Khi họ thạo nghề, nếu muốn ở lại làm việc thì HTX sẽ nhận làm, còn ai muốn ra ngoài làm cũng được giúp đỡ tận tình. Việc dạy chữ, dạy người, biến cải những thiếu niên hư thành những con người tốt là cả một chặng hành trình đầy gian nan vất vả, nhưng bấy năm qua, ông Ninh vẫn kiên trì, nỗ lực cảm hóa, thuyết phục, giáo dục, dìu dắt các em vượt lên số phận, quá khứ lỗi lầm, tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Bước vào gara ôtô của ông Ninh dễ dàng nhận thấy nhiều gương mặt với nhiều độ tuổi khác nhau. Nhưng điểm chung ở họ là sự yêu thương, quan tâm đến nhau và cảm thông cho nhau. Ở đó có người thầy, ông chủ xưởng - Trần Nhật Ninh đang dang rộng vòng tay chở che, tình nguyện dẫn dắt những tâm hồn tội lỗi tìm về nẻo chính. Với ông, việc cảm hóa các thanh thiếu niên không phải để lấy thành tích mà muốn kéo các em lại không để lún sâu vào con đường phạm tội. Nói về đứa con có thời lầm lỗi, một ông bố xúc động: “Vợ chồng tôi rất vui sướng khi thấy con thức tỉnh nhận ra sai lầm của mình. Con trở nên tử tế và có công ăn việc làm như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ tận tâm của ông Ninh. Chân thành cảm ơn công ơn của một người thầy, một ông chủ giàu tình nghĩa như ông Ninh”.
Việc tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trở thành những người có phẩm chất đạo đức tốt, có nghề nghiệp ổn định là việc là việc làm không hề đơn giản chút nào. Ông Ninh tâm sự: “Tôi luôn cố gắng uốn nắn, dạy dỗ các em thành người, thành nghề và thành đạt”. Đại diện CAP Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cho biết, những việc làm của ông Ninh đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đây chính là một câu chuyện về tình người, tình đời và sâu tận bên trong là một tấm lòng bao dung rộng lớn. Hy vọng trong cuộc sống có nhiều người như ông Ninh, giúp những thanh thiếu niên chậm tiến sống tích cực hơn, những người từng vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.