Câu lạc bộ Công an Hà Nội:

Viết tiếp trang sử vẻ vang cho bóng đá Công an nhân dân (Kỳ 1): Vượt gian khó bằng đam mê, tinh thần tận hiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng 10-10-1954, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn chỉ đạo Công an Hà Nội nghiên cứu thành lập đội bóng đá. Một cuộc họp được Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, cùng sự tham gia của một số nhân vật đặc biệt như Chủ tịch Ủy ban Hành chính (nay là Ủy ban nhân dân) thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Long… Cuộc họp nhất trí thành lập Đội bóng đá Công an Hà Nội từ năm 1956 là đại diện chính thức của nhân dân Thủ đô, giao Công an Hà Nội quản lý, điều hành trực tiếp.

LTS: Khởi nguồn từ niềm đam mê sân cỏ và sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đội bóng đá Công an Hà Nội sau khi ra đời đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim người hâm mộ bằng lối chơi đẹp mắt, hào hoa. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, các thế hệ cầu thủ - chiến sỹ Công an đã cống hiến hết mình, gặt hái nhiều vinh quang, xây dựng đội trở thành tượng đài bóng đá Việt Nam, niềm tự hào của thể thao Công an nhân dân.

Đội bóng đá Công an Hà Nội đăng quang Giải bóng đá vô địch toàn quốc năm 1984 sau chiến thắng 2-1 trước Thể Công tại chung kết trên sân Hàng Đẫy (Ảnh tư liệu)

Đội bóng đá Công an Hà Nội đăng quang Giải bóng đá vô địch toàn quốc năm 1984 sau chiến thắng 2-1 trước Thể Công tại chung kết trên sân Hàng Đẫy (Ảnh tư liệu)

Ngày 10-10-1956, đội bóng đá Công an Hà Nội chính thức ra đời, bắt đầu hành trình chinh phục, viết nên những trang sử vàng cho bóng đá Thủ đô cũng như thể thao Công an nhân dân.

Vượt gian khó, thực hiện sứ mệnh lịch sử

Ra đời trong bối cảnh Hà Nội vừa giải phóng, đất nước còn chia cắt, song bằng đam mê bóng đá cháy bỏng, các cầu thủ Công an Hà Nội đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, để vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa duy trì tập luyện, thi đấu. Hình ảnh các cầu thủ Công an chiều chiều xếp hàng đi bộ ra sân Long Biên tập luyện rồi trở về ăn ở tập trung trong những căn phòng chật hẹp, thiếu thốn đủ bề tại bốt Hàng Đậu, tối đến lại mang trên mình bộ cảnh phục màu lúa chín đi tuần tra để giữ cho dân ngủ ngon, lúc rảnh rỗi thì tự khâu lại giày chuẩn bị cho buổi tập kế tiếp… khắc sâu trong tâm khảm người hâm mộ thời bấy giờ.

Cựu danh thủ Trần Đình Đức hoài niệm chuyến du đấu nước ngoài đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, khi Đội bóng đá Công an Hà Nội hòa Đội bóng đá Đường sắt Bulgaria 1-1 trên sân khách (Ảnh: Thuần Thư)

Cựu danh thủ Trần Đình Đức hoài niệm chuyến du đấu nước ngoài đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, khi Đội bóng đá Công an Hà Nội hòa Đội bóng đá Đường sắt Bulgaria 1-1 trên sân khách (Ảnh: Thuần Thư)

Nhớ lại những ngày đầu, ông Trần Đình Đức (84 tuổi), cựu danh thủ, cựu huấn luyện viên Đội bóng đá Công an Hà Nội vẫn không giấu nổi xúc động, bồi hồi. “Ngày đó khó khăn lắm. Bóng không có, chúng tôi phải tận dụng bóng cũ để tập, dùng chiếc đũa cả nhồi vòi vào để bơm. Cả đội chỉ có 2 quả bóng, phải chia ca tập xen kẽ. Ăn uống thiếu thốn, ngủ ở bốt Hàng Đậu mùa hè thì nóng không ngủ được, phải trải chiếu cạnh nhà máy nước đón gió mát từ sông Hồng thổi vào. Sau trận thi đấu, mỗi cầu thủ nhận 2,4 đồng (mệnh giá lúc bấy giờ - PV) tiền bồi dưỡng, mua được đúng 4 bao thuốc lá. Tranh thủ ngoài giờ, anh em xuống bến Phà Đen bốc vác để lấy tiền công, bồi dưỡng thêm” - ông Trần Đình Đức kể.

Khó khăn là thế, song các cầu thủ vẫn mạnh mẽ vượt lên để “cháy” hết mình với đam mê bóng đá. Đặc biệt, trong khi các đội bóng khác chỉ chuyên tâm vào ăn tập, thì các cầu thủ Công an Hà Nội vừa đá bóng, vừa trực tiếp tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1972. Trong những năm tháng bom đạn đó, tại những “điểm nóng” điển hình như kho xăng Đức Giang, khu phố Khâm Thiên… luôn có sự hiện diện của các cầu thủ - chiến sỹ Công an Hà Nội tham gia cứu dân, giúp dân khắc phục hậu quả bom mìn, ổn định cuộc sống, canh giữ bình yên cho Thủ đô. Cũng từ những cống hiến đó mà nhiều cầu thủ Công an Hà Nội đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất - đó là một vinh dự đặc biệt, hiếm có trong giới cầu thủ Việt Nam.

Không chỉ giành vinh quang cho bóng đá Thủ đô và thể thao Công an nhân dân, các thành viên tiêu biểu của Đội bóng đá Công an Hà Nội còn được cắt cử trực tiếp tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để hướng dẫn, bồi dưỡng, giúp phát triển bóng đá trong lực lượng Công an và phong trào bóng đá địa phương nói chung. Đặc biệt, Công an Hà Nội vinh dự là đội bóng đá đầu tiên của Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cố tiền đạo Đội bóng đá Công an Hà Nội Từ Như Hiển (1945-2023) với cái chân trái cực khéo tung hoành sân cỏ Việt Nam thập niên 1960-1970 (Ảnh tư liệu)

Cố tiền đạo Đội bóng đá Công an Hà Nội Từ Như Hiển (1945-2023) với cái chân trái cực khéo tung hoành sân cỏ Việt Nam thập niên 1960-1970 (Ảnh tư liệu)

Mốc son vô địch và niềm kiêu hãnh Công an Hà Nội

Chỉ ít tháng sau khi thành lập, Đội bóng đá Công an Hà Nội giành chức vô địch Giải bóng đá hạng A năm 1957, sau chiến thắng 2-0 trước Thể Công tại chung kết. Kế đó là các chức vô địch tại Giải hạng A1 (miền Bắc) năm 1964 và 1969, Giải vô địch quốc gia năm 1984, Dunhill Cup 1999. Bên cạnh đó là 4 lần Á quân (các giải: Vô địch quốc gia 1980 và 1999, Cúp quốc gia 1995 và 2000) và 3 lần hạng Ba giải vô địch quốc gia (1981/82, 1989, 1999/2000). Trong bảng vàng thành tích của Đội bóng đá Công an Hà Nội (giai đoạn 1956-2002), đặc biệt và đáng nhớ nhất là chức vô địch toàn quốc năm 1984 sau khi đánh bại Thể Công tại chung kết.

Là huấn luyện viên Đội bóng đá Công an Hà Nội giải đấu năm đó, ông Trần Đinh Đức nhớ lại: “Thời đó, Công an Hà Nội và Thể Công luôn tạo nên những cuộc đối đầu nảy lửa, đáng xem nhất của bóng đá Việt Nam. Mùa giải quốc gia 1984, chúng tôi thắng Thể Công 3-1 tại vòng bảng, trước khi thắng tiếp đối thủ này 2-1 ở trận chung kết đặc kín khán giả trên sân Hàng Đẫy, qua đó lần đầu đăng quang giải toàn quốc sau ngày đất nước thống nhất”.

Theo lời kể của cố danh thủ Nguyễn Văn Nhã (1952-2024, người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 tại chung kết năm đó), Công an Hà Nội khi ấy đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ với nhiều gương mặt trẻ, trong khi Thể Công được đánh giá cao hơn nhờ chiều sâu lực lượng và một loạt danh thủ đang vào độ chín. Ngay sau trận thắng Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt tại bán kết tổ chức tại Đà Nẵng, đồng chí Phạm Tâm Long - khi đó là Giám đốc Công an Hà Nội quyết định đưa đội xuống Hải Dương tập huấn chuẩn bị cho trận chung kết với Thể Công tại sân Hàng Đẫy. Tại đây, đội sinh hoạt tập trung theo kiểu “nuôi gà chọi”. Cầu thủ được ăn uống đảm bảo, chuyên tâm rèn thể lực, kỹ chiến thuật. Hết 10 ngày tập huấn, như chiếc lò xo bị nén lại, tất cả cầu thủ bước vào chung kết với thể trạng tốt nhất, tinh thần quyết tâm cao độ.

Sau khi vô địch, tập thể đội bóng được Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng thay mặt thành phố tặng hưởng một chiếc xe ô tô 30 chỗ ngồi, riêng mỗi cầu thủ được thưởng một chiếc xe đạp. “Đó là phần thưởng giá trị nhất trong sự nghiệp chơi bóng của thế hệ cầu thủ chúng tôi thời ấy. Song giá trị hơn cả là thành tích đó đã đáp lại sự tin yêu, mong mỏi của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô, của Bộ Công an và Công an Hà Nội” - cựu danh thủ Nguyễn Văn Nhã nhấn mạnh.

Trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển, Đội bóng đá Công an Hà Nội đều đặn sản sinh ra các “thế hệ vàng”, cống hiến tài năng cho đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế như: Tô Hiền, Đoàn Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Từ Như Hiển, Lê Văn Đặng, Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Minh Quang, Đinh Xuân Hảo, Quản Quốc Hương, Phạm Văn Đức, Nguyễn Văn Nhã, Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Tuấn Thành… Một số cầu thủ như Từ Như Hiển, Nguyễn Văn Hùng được mời tăng cường cho đội bóng quân đội đi thi đấu quốc tế.

Năm 1976, Đội bóng đá Công an Hà Nội vinh dự là đội bóng Việt Nam đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất được cử đi thi đấu giao hữu quốc tế tại Liên Xô và Bulgaria. “Ấn tượng nhất là trận giao hữu với Đội bóng đá Đường sắt Bulgaria trên sân vận động lớn gấp rưỡi sân Hàng Đẫy, xung quanh là chập trùng núi cao. Trên khán đài, cổ động viên nước bạn ngồi chật kín. Dưới sân, hai đội chơi rất hay, máu lửa và hòa 1-1. Tiền đạo Từ Như Hiển có pha xử lý bóng ngắn rất kỹ thuật trước khi tung cú sút đẹp mắt ghi bàn thắng cho đội Công an Hà Nội. Sau trận, Trưởng đoàn đội bạn nói với Trưởng đoàn Lê Nghĩa rằng, ông ấy xem Từ Như Hiển chơi bóng rất mê và đặt vấn đề được mua lại tiền đạo này. Tất nhiên, chúng ta không thể đồng ý, song điều đó cho thấy đẳng cấp của cầu thủ Công an Hà Nội thời đó ở đấu trường quốc tế” - cựu huấn luyện viên Trần Đình Đức chia sẻ.

Lối chơi hào hoa được tiếp nối qua các thế hệ cầu thủ Công an Hà Nội. Trong ảnh: Tiền vệ Vũ Minh Hiếu (áo sáng) - biểu tượng của đội bóng Công an Hà Nội giai đoạn 1995-2002

Lối chơi hào hoa được tiếp nối qua các thế hệ cầu thủ Công an Hà Nội. Trong ảnh: Tiền vệ Vũ Minh Hiếu (áo sáng) - biểu tượng của đội bóng Công an Hà Nội giai đoạn 1995-2002

Nét hào hoa - khí chất riêng của đội bóng ngành Công an

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Đội bóng đá Công an Hà Nội mang đặc thù là tập hợp của các chiến sỹ trong lực lượng Công an Hà Nội đam mê và giỏi đá bóng, cùng nhiều cầu thủ gốc Hà Nội. Nhờ đó, bên cạnh sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tính kỷ luật của ngành Công an, cách mà các cầu thủ Công an Hà Nội chơi bóng luôn phảng phất nét hào hoa của người Tràng An. Khí chất cùng nét hào hoa rất riêng ấy giúp các thế hệ cầu thủ Công an Hà Nội trở thành thần tượng của lớp lớp cầu thủ sau này, trong đó có nhiều người đã theo đuổi, nỗ lực được khoác lên mình màu áo đội để tiếp nối truyền thống. Cũng chính nét hào hoa đó đã cuốn hút, làm đắm say biết bao trái tim người hâm mộ, nhận về sự mến nể từ đồng nghiệp.

Dành cho đội bóng Công an Hà Nội sự nể trọng, yêu mến

“Các thế hệ cầu thủ thi đấu trong màu áo Công an Hà Nội đều toát lên vẻ hào hoa, phong nhã rất riêng của người Tràng An. Giờ đây sau nửa thế kỷ, dù người còn, người mất, song giới cựu cầu thủ năm xưa vẫn nhắc và dành cho các đồng nghiệp ở Đội bóng đá Công an Hà Nội sự nể trọng, yêu mến”

Ông MAI ĐỨC CHUNG -

HLV trưởng Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam

(Anh hùng Lao động; người dẫn dắt Đội tuyển bóng đá nữ

quốc gia Việt Nam dự World Cup 2023, giành 8 Huy chương Vàng

SEA Games; Cựu danh thủ Tổng cục Đường sắt vô địch quốc gia 1980)

Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam Mai Đức Chung vốn là cựu danh thủ Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt (1975-1984) chia sẻ: “Trước và sau ngày đất nước thống nhất có nhiều đội bóng cùng đóng quân tại Thủ đô, song đội Công an Hà Nội luôn có chất rất riêng. Thành phần đội có thể là cầu thủ trưởng thành trong lực lượng, từ đội khác chuyển sang hay từ nước ngoài trở về xin đầu quân, song tất cả họ khi tập hợp lại chơi bóng dưới màu áo Công an Hà Nội thì đều toát lên vẻ hào hoa, phong nhã của người Tràng An.

Tôi nhớ như in những cầu thủ Công an Hà Nội cùng thời, nhớ từng nét chơi bóng rất riêng của họ. Anh Từ Như Hiển đá tiền đạo có tốc độ cực tốt, xử lý và dứt điểm bóng ngắn bằng chân trái rất nhanh, kỹ thuật và chính xác. Anh Nguyễn Ngọc Điệp đá tiền vệ thì cài người rất hay, đi bóng rất dẻo. Anh Lê Văn Đặng là cầu thủ chạy cánh số 1 thời đó. Anh Trần Đình Du đá trung vệ luôn có các pha cắt bóng đỉnh cao. Cùng trung vệ có anh Tô Quang Nhạ có chiều cao tốt thường xuyên được cử kèm riêng tôi để đề phòng các quả đánh đầu mỗi khi Công an Hà Nội đấu với Đội Tổng cục Đường sắt” - ông Mai Đức Chung nhớ lại.

Ngày 6-8-2002, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, Đội bóng đá Công an Hà Nội chính thức giải thể. Tượng đài bóng đá một thời trở thành “niềm thương, nỗi nhớ” của người hâm mộ Thủ đô và chính các thế hệ cầu thủ đội bóng. Ngôi nhà nhỏ của cựu Trưởng đoàn Đội bóng đá Công an Hà Nội Tô Hiền nằm trong khuôn viên nhà thi đấu Quần Ngựa, hay quán cà phê trước cửa sân Hàng Đẫy là nơi hàn huyên của nhiều thế hệ cựu cầu thủ Công an Hà Nội. Họ đến để được cùng nhau hàn huyên, ôn lại quá khứ vàng son một thời. Từ trong sâu thẳm, tất cả đều mong mỏi một ngày nào đó, cái tên “Công an Hà Nội” thân thuộc sẽ trở lại trên bản đồ bóng đá Việt Nam, sống lại khí phách bóng đá Công an thuở nào…

Theo ông Mai Đức Chung, giờ đây sau nửa thế kỷ, dù người còn, người mất, song giới cựu cầu thủ cùng thời với ông vẫn nhắc và dành cho các đồng nghiệp Công an Hà Nội sự nể trọng và yêu mến.

(Còn tiếp)