Doanh nghiệp và ngân hàng đều phải “cải tổ”

ANTĐ - Để tiếp cận được vốn vay, nhiều ý kiến cho rằng cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải thay đổi. Sáng 6-4-2012, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức hội thảo - tọa đàm “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: góc nhìn từ ngân hàng”.

Không có tài sản  thế chấp, người vay khó tiếp cận vốn ngân hàng

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những khó khăn hiện nay của họ trong việc vay vốn ngân hàng là phải có tài sản thế chấp. Tại một số quốc gia trong khu vực, các ngân hàng khi quyết định cho doanh nghiệp vay vốn thường dựa vào phương án kinh doanh, tính khả thi, lợi nhuận của doanh nghiệp mà ít quan tâm đến tài sản thế chấp. Lãnh đạo một doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất: “Các ngân hàng cần cải tổ và hội nhập để theo kịp sự phát triển của hệ thống ngân hàng trong khu vực bằng cách linh hoạt cho doanh nghiệp vay vốn bằng cả phương án kinh doanh khả thi, bên cạnh phương thức truyền thống là thế chấp tài sản”. 

Thừa nhận đây là rào cản lớn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, do năng lực tài chính của các NHTMCP hiện không đồng đều, có nhiều ngân hàng bị hạn chế về nguồn cung nên họ thường ưu tiên dành vốn cho các khách hàng truyền thống, trong khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại không nhiều, ngân hàng sợ “nợ xấu”. Bên cạnh đó, hơn 90% tỷ trọng vốn của các NHTM hiện nay là ngắn hạn nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại cần vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận ngân hàng. Cũng theo bà Mùi, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn tự có rất ít, quy mô hoạt động kinh doanh lại thường vượt từ 10 đến hàng trăm lần vốn tự có, năng lực cạnh tranh thấp, quản trị kém nên sản xuất, kinh doanh dễ bị rủi ro. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc trả nợ ngân hàng. Theo bà Mùi, doanh nghiệp và ngân hàng đều phải thông cảm cho nhau để vượt qua khó khăn. 

Cùng quan điểm này, ông Lê Viết Hải - Phó Giám đốc bộ phận khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho hay, MB đã và đang áp dụng hình thức cho vay vốn bằng cách thế chấp theo dự án đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu từ 20 tỷ đồng trở lên. Nhưng qua quá trình khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp lập dự án có khoảng cách rất xa giữa lý thuyết và thực tế nên khó thuyết phục ngân hàng. “Để vay vốn thành công, trước hết doanh nghiệp phải thuyết phục được ngân hàng về hiệu quả của dự án như: khó khăn và thuận lợi của dự án, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch trả nợ…

 cũng như phải có báo cáo tài chính khách quan, minh bạch”- ông Hải chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Thị Nhung - Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng này đã có ý kiến yêu cầu các NHTM chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách: tiết kiệm chi phí; nâng tỷ trọng vốn trung và dài hạn… Bà Nhung cũng cho rằng trong điều kiện khó khăn hiện nay, các NHTM có thể căn cứ vào điều kiện cụ thể để chủ động điều chỉnh gia hạn nợ hoặc giảm lãi đối với các doanh nghiệp có số lượng hàng tồn kho lớn. Song song với đó, các doanh nghiệp cần phải tự vận động, xác định nguyên nhân vì sao chưa được ngân hàng  hỗ trợ vay vốn để tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời.