Trời lạnh đe dọa người già có bệnh tim mạch

ANTĐ - Mấy ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhân nội trú tại hầu hết các BV đều giảm, nhưng tại một số khoa như lão khoa, nhi khoa, đặc biệt là tim mạch… lại tăng cao. Các bác sĩ cảnh báo, khi trời rét đậm đột ngột, những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp phải hết sức thận trọng.

Người già nhập viện cấp cứu do đột quỵ tăng cao

Số ca tai biến tăng gấp đôi

Tại Viện Tim mạch Quốc gia, mấy ngày qua số bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nhập viện cấp cứu, điều trị đã tăng gần gấp đôi, trong đó chủ yếu là người già trên 60 tuổi. GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, thời tiết lạnh quá hay nóng quá đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân cao huyết áp, đặc biệt là trời lạnh. Vì thế, theo thông lệ cứ đến khi thời tiết rét đậm, vào những đợt gió mùa đông bắc thì tỷ lệ bệnh nhân tim mạch vào viện lại tăng cao. Thực tế, trong số các bệnh nhân phải nhập viện vài ngày qua, phần lớn bị tai biến đột ngột, nhất là vào thời điểm buổi tối và sáng sớm.

Trò chuyện với chúng tôi tại giường điều trị nội trú của BV, bệnh nhân Phạm Thị Hải (63 tuổi, ở Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết, khoảng 21h tối 4-1, đang nằm trên giường thì chợt nhớ chưa trả hàng xóm chiếc xe đạp mượn lúc chiều nên vùng dậy đi trả. Sau khi về nhà được 15 phút thì bỗng dưng thấy đầu óc choáng váng, nhìn vào bóng điện càng thấy đầu đau buốt, các con đo huyết áp đã thấy vọt lên 210. Không chịu được, bà bảo con lấy cho 2 viên thuốc ngủ loại nặng và uống lập tức, sau đó được các con đưa đi BV cấp cứu. “Bác sĩ ở BV huyện nói may mà tôi kịp ngủ được và đến BV kịp thời, nếu không mạch máu não có thể đứt đột ngột” - bà Hải kể. Cùng phòng bệnh với bà Hải hầu hết đều là bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp. Các bác sĩ cho biết, với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị tai biến mạch máu não tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người khỏe mạnh.

GS.TS Nguyễn Lân Việt lý giải, nguyên nhân là do khi trời rét, các mạch máu co lại khiến huyết áp tăng, các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó kèm thêm các yếu tố như: chui ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi tiểu... tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Chính sự thay đổi đột ngột đó khiến các mạch máu càng co lại, huyết áp càng tăng. Ngoài ra, sự căng thẳng thần kinh, lo âu... cũng có thể khiến huyết áp của người bệnh tăng đột ngột, đặc biệt là người già. Khi đó với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn.

Đến BV càng sớm càng tốt

Với bệnh tăng huyết áp ở người già, điều nguy hiểm ở chỗ đa số các bệnh nhân thường không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Quan điểm trước đây cho rằng cứ tăng huyết áp là phải có các dấu hiệu như: đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… Tuy nhiên, GS. Nguyễn Lân Việt cho rằng đó là quan điểm hết sức sai lầm bởi nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu có thể đồng nghĩa với việc người bệnh đã bị tai biến mạch máu não. Vì thế, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và quan trọng. Những người cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn, khi thấy có biểu hiện khác lạ như nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... thì gọi bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu đột quỵ. Điều quan trọng hàng đầu là cần điều trị thường xuyên theo chỉ định.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cư dân mạng truyền nhau một bài viết về cách nhận diện bệnh tai biến mạch máu não và cách xử trí khi bị tai biến hết sức đơn giản. Bài viết này nêu ra, có thể nhận diện sớm tai biến mạch máu não bằng cách hỏi nạn nhân 3 câu hỏi đơn giản là yêu cầu người đó cười, nói và giơ tay lên. Nếu người đó bị trở ngại bất cứ điều nào kể trên thì chắc chắn đã bị tai biến mạch máu não. Đáng chú ý, có thể dùng một chiếc kim chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một ly, cho đến khi có máu rỉ ra. Như thế, khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy… Tuy nhiên, theo TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch Quốc gia, việc dùng kim chích vào 10 đầu ngón tay, dái tai để giúp bệnh nhân tỉnh, sau đó đưa đi cấp cứu là một cách làm phản khoa học, làm mất “thời gian vàng”.

TS. Hùng cho rằng, với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, cần phải được đưa đi cấp cứu kịp thời, giảm thiểu di chứng là vô cùng quan trọng. Khi bị tai biến, người bệnh cần có sự can thiệp của y học hiện đại, cần đưa bệnh nhân đến chuyên khoa tim mạch, thần kinh cấp cứu. Còn về cách hướng dẫn nhận biết tai biến mạch máu não như trên, theo TS. Hùng là tương đối đúng, bởi nó dựa trên triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp có thể bị bỏ qua, nguyên nhân do hẹp mạch cảnh, gọi là tai biến thoáng qua. Với những trường hợp này, thường chỉ khoảng 30 giây, người bệnh tự dưng mất ý thức, sau đó phục hồi hoàn toàn. Đây là triệu chứng ban đầu dự báo cơn tai biến sau đó 1-2 ngày. Nhiều người không để ý dễ bỏ qua, đến lúc xảy ra tai biến thì có thể đã muộn.