Phan Huy Chú và văn hóa Việt Nam

(ANTĐ) - Phan Huy Chú sinh năm 1782 tại làng Thụy Khuê (còn gọi là làng Thầy) huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (Nay là Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây) trong một gia đình có truyền thống văn hóa và khoa bảng, ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận làm quan cấp cao của triều đại Lê - Trịnh.

Phan Huy Chú và văn hóa Việt Nam

(ANTĐ) - Phan Huy Chú sinh năm 1782 tại làng Thụy Khuê (còn gọi là làng Thầy) huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (Nay là Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây) trong một gia đình có truyền thống văn hóa và khoa bảng, ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận làm quan cấp cao của triều đại Lê - Trịnh.

Thân phụ là tiến sĩ Phan Huy ích giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Tây Sơn. Thân mẫu là bà Ngô Thị Thục, em gái Ngô Thì Nhậm, người được vua Quang Trung giao cho nhiều trọng trách, như cùng với Phan Huy ích lo việc bang giao với nhà Thanh.

Anh trai là Phan Huy Thực làm quan tới chức thượng thư thời vua Minh Mệnh. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Vũ, con gái danh y, tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch giữ chức Thượng thư dưới triều Tây Sơn.

Như vậy, cả gia đình bên nội và bên ngoại của Phan Huy Chú đều có truyền thống văn học và khoa bảng với hai dòng họ nổi tiếng ở nước ta là Phan Huy và Ngô Thì, có nhiều người đóng góp cho đất nước.

Được sự giáo dục của gia đình, cùng với sự thông minh và những pho sách đồ sộ của hai dòng văn phái lớn Phan Huy và Ngô Thì, nên ngay từ nhỏ, ông say mê đọc sách, sớm nổi tiếng hay chữ. Cùng với Ngô Thế Mỹ ở Hà Đông, ông được coi là người hay chữ nhất vùng.

Mặc dù đọc nhiều sách và nổi tiếng như vậy, sau hai lần đi thi, ông chỉ đỗ tú tài, vì thế người dân trong vùng thường gọi là Kép Thầy - Người làng Thầy hai lần đỗ tú tài. Sau khi đỗ tú tài, ông làm ngôi nhà nhỏ trên núi Thầy (Sài Sơn, Hà Tây) và ở trong đó mười năm, từ năm 27 đến năm 37 tuổi (1809 - 1819) dành cả tâm trí và tài năng viết “Lịch triều hiến chương loại chí”.

Đây là bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước phát triển cao về học thuật ở nước ta đầu thế kỷ 19. Chính công trình này đã tôn vinh Phan Huy Chú lên nhà bác học lớn của Việt Nam. Không những thế, tiếng vang bộ sách còn vượt ra ngoài biên giới, một nhà Việt Nam học người Nga đã viết: Lịch triều hiến chương loại chí là bộ sách xứng đáng được gọi là bộ bách khoa thư về cuộc sống Việt Nam.

Tài năng của Phan Huy Chú đã được vua Minh Mệnh biết đến và triệu ông cùng với một số sĩ phu Bắc Hà vào kinh đô Huế. Ông đã dâng bộ Lịch triều hiến chương loại chí lên nhà vua và được ban tặng nhiều vật phẩm quý giá.

Ông cũng được bổ nhiệm nhiều chức vụ như: Hàn Lâm Viện biên tu, Lang Trung bộ lại, Hồng Lô Tự Khanh, Tư Vụ bộ công... hai lần được cử đi sứ nhà Thanh. Thời gian Phan Huy Chú làm quan không nhiều, nhưng chán cảnh quan trường, ông lấy cớ đau yếu, xin nghỉ về dạy học ở Thanh Mai, Ba Vì, Sơn Tây (nay là Mai Trai, Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây) và mất tại đây vào năm 1840.

Ngoài công trình nổi tiếng Lịch triều hiến chương loại chí, ông còn là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu... với các công trình: Hoàng Việt Địa dư chí, Hải trình chí lược...

Để tưởng nhớ tới công lao, đóng góp to lớn của Phan Huy Chú đối với đất nước, năm 2001 nhà thờ ông tại Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, mãi đến năm 2006 phần mộ Phan Huy Chú mới được xác minh ở Mai Trai, Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây.

Việc xác định phần mộ Phan Huy Chú được đánh giá không chỉ là thành công của dòng họ Phan Huy, mà còn là sự kiện văn hóa của đất nước.

Cuối năm 2007, cuộc hội thảo khoa học quốc gia về Phan Huy Chú đã được ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu - Hà Nội.

Phan Huy Chú là một tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ học tập, nghiên cứu, là một trí tuệ, một tài năng kiệt xuất, đã cống hiến cho lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam sự nghiệp tri thức của ông. Ông xứng đáng được xếp vào số không nhiều các nhà khoa học lớn của nước ta thời trước. Tên tuổi và sự nghiệp của Phan Huy Chú sẽ sống mãi với lịch sử văn hóa Việt Nam.

TS. Phan Huy Dục

(Đại học quốc gia Hà Nội)