Nhớ Trúc Khê

(ANTĐ) - “Tôi vẫn cứ muốn tin rằng nhà văn Trúc Khê đang hiện diện giữa chúng ta, chân đi giày Gia Định, áo the khăn xếp, bộ quốc phục mà ông vẫn thường vận những ngày làm báo Tiểu thuyết thứ bảy hay Phổ thông bán nguyệt san. Con người phong nhã, lịch thiệp, nghiêm túc, đạo đức ấy không nghiện thứ gì...”,  nhà thơ Lữ Huy Nguyên khi hồi tưởng về nhà văn Trúc Khê đã bộc bạch như vậy.

Nhớ Trúc Khê

(ANTĐ) - “Tôi vẫn cứ muốn tin rằng nhà văn Trúc Khê đang hiện diện giữa chúng ta, chân đi giày Gia Định, áo the khăn xếp, bộ quốc phục mà ông vẫn thường vận những ngày làm báo Tiểu thuyết thứ bảy hay Phổ thông bán nguyệt san. Con người phong nhã, lịch thiệp, nghiêm túc, đạo đức ấy không nghiện thứ gì...”,  nhà thơ Lữ Huy Nguyên khi hồi tưởng về nhà văn Trúc Khê đã bộc bạch như vậy.

Con phố mang tên nhà văn Trúc Khê
Con phố mang tên nhà văn Trúc Khê

Con phố nhỏ một đầu vuông góc với con đường đẹp nhất Nguyễn Chí Thanh (số 103), một đầu cắt với phố Nguyên Hồng (đoạn từ số 2 ngõ 68) bây giờ đã được mang tên là  phố Trúc Khê.

Trúc Khê là tên hiệu của nhà văn Ngô Văn Triện, sinh ngày 22-5-1901 trong một gia đình gốc nông dân và tiểu thủ công ở Thị Cấm, xã Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Ông học chữ Nho từ năm lên 6 tuổi. Ông có năng khiếu văn chương, có tinh thần yêu đất nước, dân tộc từ rất sớm. Năm 20 tuổi ông đã có bài báo đầu tiên đăng trên tờ Trung Bắc Tân Văn.

Năm 25 tuổi, ông viết cho Báo Thực nghiệp với nội dung đề xuất cải cách xã hội, cổ động nam nữ bình quyền, cải lương hương tục. Năm 27 tuổi ông thành lập Trúc Khê thư cục để xuất bản sách của mình và có chân trong Đảng cách mạng dân tộc. Ông bị bắt năm 1929, chịu án 2 năm tù treo và 5 năm cấm cố ở quê nhà.

Nhà văn Trúc Khê - Ngô Văn Triện
Nhà văn Trúc Khê - Ngô Văn Triện

Nhà văn Trúc Khê rất uyên thâm Hán học. Trong hơn 20 năm cầm bút ông để lại gần 60 tác phẩm, không kể các bài bình luận, biên khảo đăng trên các báo. Ông thuộc hàng danh sĩ trong nước, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Có thể nói, ông là một trong số ít người cầm bút cách đây nửa thế kỷ đã dám đi vào nhiều thể loại văn chương và để lại cho thế hệ sau một gia sản đồ sộ về văn hóa.

Sinh thời ông đã sáng tác, dịch thuật, biên khảo nhiều sách có giá trị như: Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, Đò Chiều, ức Trai thi tập, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, dịch truyện anh “Mưa gió cành xuân” của Stivenson... Chính vì thế mà Giáo sư Vũ Khiêu đã nói rằng: “Ông để lại cho nền văn học một tài sản đồ sộ, có cả chiều rộng lẫn chiều sâu, lưu lại một dấu son trong lòng độc giả hiếu học”.

Còn theo nhà thơ Lữ Huy Nguyên viết trong lời bạt của tập thơ Lý Bạch mà nhà văn Trúc Khê dịch: “Ông là người ưa thích hoạt động xã hội, tinh thần tự học rất cao và liên tục. Hồi còn đi học, ông học cả trong lúc ăn, lúc xay lúa giã gạo, đi đâu cũng mang sách theo.

Ông là người có tinh thần dân tộc ngay cả trong suy nghĩ, sáng tác, nghiên cứu cũng như trong sinh hoạt, ứng xử. Một người giàu lòng hiếu khách, yêu thiên nhiên hoa cỏ”. Con trai nhà văn Trúc Khê - Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Ngô Hoàng Dương, người đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm khí nhạc nổi tiếng cũng đã nói rằng ông được thừa hưởng ở cha một gia sản lớn đó là tâm hồn và sự hiếu học.

Là một người yêu nước, ngay từ khi mới 26 tuổi, ông đã chủ trương đánh Pháp để giành độc lập cho nước nhà, ông viết tiểu thuyết cũng với động cơ “muốn cho người ta yêu mến đất nước”, những suy nghĩ, cách tân, đổi mới của ông cách đây cả nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị, vậy mà lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng nỗi niềm của đất nước, của dân tộc, lo rằng mình phận mọn không đóng góp gì cho đất nước.

Ông viết: “Nghĩ lại từ khi mình ra góp mặt làm một người trong xã hội, ngày đi tháng chạy, bấm đốt tay đã xấp xỉ tam tuần; trong cái thời kỳ sinh trưởng từng ngót ba mươi năm tới nay, nào nợ nhà, nợ nước, nợ dân, tưởng cái nợ này đã đắp cao lên núi.

Xét thấy mình vô đức, vô tài biết lấy chi mà báo đền cho được? âu đành giở cái nghề mọn văn chương nghiên bút, bàn suông, nói phiếm viết thành văn, in thành sách, tự biết cũng chưa hẳn đã có bổ ích gì cho nhân tâm thế vận, nhưng cũng là cái cách “rút ruột con tằm trả nợ dâu” đó thôi”...

Chỉ tiếc rằng nhà văn Trúc Khê - Ngô Văn Triện đã ra đi quá sớm, khi còn ngổn ngang bao dự định với văn chương chữ nghĩa. Ông ra đi ở tuổi 47 do bệnh trọng nhưng tên tuổi của ông thì vẫn còn hiện diện mãi cùng những tác phẩm mà ông để lại và trên con phố mang tên ông - phố Trúc Khê.

Đinh Kiều Nguyên