Khám phá “giọt trời” Bình Định

(ANTĐ) - Từ cái thời, vua Quang Trung với đội quân thần tốc, tiến ra Bắc, dẹp tan 29 vạn quân Thanh, người ta vẫn biết về Bình Định là mảnh đất võ, đến đàn bà con gái, chân yếu tay mềm cũng “đánh roi đi quyền”. Nhưng nếu ai đã từng đến với Bình Định một lần sẽ khám phá được nhiều điều rằng, mảnh đất ấy, con người nơi ấy không chỉ có chất khí khái cùng tinh thần thượng võ của người miền Trung.

Khám phá “giọt trời” Bình Định

Bài 1: Những di sản ngàn năm

(ANTĐ) - Từ cái thời, vua Quang Trung với đội quân thần tốc, tiến ra Bắc, dẹp tan 29 vạn quân Thanh, người ta vẫn biết về Bình Định là mảnh đất võ, đến đàn bà con gái, chân yếu tay mềm cũng “đánh roi đi quyền”. Nhưng nếu ai đã từng đến với Bình Định một lần sẽ khám phá được nhiều điều rằng, mảnh đất ấy, con người nơi ấy không chỉ có chất khí khái cùng tinh thần thượng võ của người miền Trung.

Tượng rắn thần ở tháp Dương Long
 Tượng rắn thần ở tháp Dương Long

Tháp trong phố

Suốt từ sân bay Phù Cát về thành phố biển Quy Nhơn, giữa trùng điệp núi, thi thoảng lại bắt gặp hình ảnh những ngọn tháp kiêu hãnh vươn giữa muôn vàn cây cối, giữa cái nắng bàng bạc lúc xế chiều. Nhiều người Bình Định giờ vẫn thuộc lòng câu thơ mà năm 1984, khi đến Quy Nhơn, nhạc sĩ Văn Cao đã “tức cảnh sinh tình”: Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêu huyền thoại. Không giống như tháp Chăm ở Mỹ Sơn xây quần tụ trong lòng một thung lũng, tháp Chăm ở Bình Định được rải đều trong 6 huyện.

Từ tháp nọ tới tháp kia cách nhau vài chục cây số. Theo đánh giá của những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm, những cụm tháp ở Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, đã dung hòa được những phong cách nghệ thuật Chăm pa và Kh’mer khiến chúng khác nhiều, so với tháp Chăm ở nơi khác. Điểm đầu tiên mà tôi đặt chân tới trong chuyến khám phá di sản tháp Chăm Bình Định là tháp Đôi, một trong những di tích được các nhà nghiên cứu xếp vào loại “độc nhất vô nhị”.

Cả hai ngôi xưa nằm trên khu đất bằng dưới chân một quả đồi và đều quay mặt về hướng Đông. Nay cái quả đồi ấy được quy hoạch lại, thành ra tháp nằm trong phố, giữa địa phận phường Đống Đa - TP Quy Nhơn. Tuy khi xây dựng, kiến trúc của tháp không theo kiến trúc truyền thống, nhưng vẫn trung thành với quy luật chung, bình đồ vuông, cột ốp dọc thân tường trơn, gờ nổi cao...

Điểm đặc biệt nữa, Tháp Đôi không có nóc, cây cối trên cao, vươn cành chườm kín cả nóc, khiến cho cái không gian bên trong lòng tháp thêm phần tĩnh lặng. Trời Quy Nhơn những ngày này nắng như đổ lửa, ấy vậy mà chỉ cần bước qua thềm gạch, vào đến lòng tháp, đã thấy, cái nóng đang hắt lên từ mặt đường kia, bị đẩy lùi. Lòng tháp chật, cửa vào chỉ đủ hai người tránh nhau, vậy mà không hiểu gió ở đâu cứ thổi vào lạnh cả gáy. Cũng giống như mọi di tích trong phố khác.

Tháp Đôi khốn đốn nhiều phen mới có được sự tĩnh lặng như ngày hôm nay. Được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1980 đến năm 1991, Tháp Đôi được trùng tu. Khi đó nó đã xuống cấp nhiều, bởi thiên nhiên, bởi chiến tranh và bởi ngày đó chợ họp ngay phía dưới chân tháp. Trong lòng tháp có tới 2 hộ dân lấy đó làm nhà. Rồi vận động lên vận động xuống, rốt cuộc cũng giải tỏa được....

Tháp trên núi

Các tháp Chăm đều được xây dựng theo một tín ngưỡng thống nhất thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn. Siva tượng trưng cho sự hủy diệt, hai vị thần kia là Visnu tượng trưng cho sự bảo tồn và Brahma tượng trưng cho sự sinh thành, cả ba nằm trong vòng luân chuyển không ngừng. Người Chăm thờ thần Siva là chính, người Kh’mer thờ thần Visnu là chính. Tín ngưỡng này của người Chăm được kết hợp với tục thờ tổ tiên tạo thành bản sắc riêng trong đời sống tinh thần của họ. 

Trong quần thể tháp Bình Định, chỉ có Tháp Đôi và Bình Lâm nằm ở đồng bằng, còn lại đều được xây trên những đỉnh đồi cao, ngạo nghễ phô mình giữa trời xanh. Từ trung tâm thành phố, đi ôtô khoảng chừng tiếng rưỡi đồng hồ thì tới được tháp Dương Long. Tháp được xây trên gò Dương Long, vì thế nhân dân trong vùng cứ lấy tên gò mà đặt cho tháp, còn vào khoảng cuối thế kỷ 19, khi những nhà khảo cổ học người Pháp khám phá mảnh đất này, thì lại gọi 3 tòa tháp nơi đây là Tháp Ngà. Tháp Dương Long được xây dựng với quy mô lớn và hoành tráng, với tháp chính cao tới 42m tính từ móng. 2 tháp bên cạnh mỗi tháp cao 38m, đây được xem là ngọn tháp cao nhất Đông Nam Á.

Có lẽ, trong những tháp Chàm còn lại ở Bình Định, không có ngọn tháp nào được sử dụng chất liệu đá nhiều như tháp Dương Long. Mỗi bức chạm trên các mảng đá bao quanh chân tháp đều toát lên vẻ thanh thoát, sự tinh tế đó là hình các vũ nữ Chăm trong điệu Apsara, đó là các mảng chạm chim Guda, rắn thần và cái đặc biệt nhất để nói lên sự giao thoa và tiếp nối văn hóa đó là trên các mảng chạm thân tháp còn có cả hình ảnh các tu sĩ, đài sen...

Tất cả đá được sử dụng xây dựng tháp đều là sa thạch, đây không phải đá bản địa mà được vận chuyển từ nơi khác đến, vì đất Bình Định chỉ có granit. Quần thể tháp này có niên đại nửa sau thế kỷ XII tức là gần với niên đại của Angcovat - Campuchia. Chính cái vẻ hoành tráng và hùng vĩ, ẩn trong một không gian rộng lớn giữa núi rừng đã khiến Dương Long trở thành điểm đến đầy hứa hẹn.

Đến với tháp Chăm, chạm tay vào những mảng tường dù đã sạt lở, chạm tay vào những viên gạch đỏ... sao tôi cảm thấy nó như là một cơ thể sống thực sự và bỗng nhiên trong lòng đầy ắp câu hỏi, sao tháp biết thở, thấm và thoát nước như một cơ thể sống? Sao viên gạch đỏ au, to đến thế kia mà cầm lên nhẹ bẫng? Sao sống tới hơn 800 năm mà tháp vẫn không rêu mốc...

Khi chúng tôi đến cũng là lúc UBND tỉnh Bình Định cho tiến hành tu bổ tháp Dương Long. Đây là lần đầu tiên Dương Long được tu bổ một cách tổng thể, trước đây đã từng có 4 dự án được thực hiện, nhưng cũng chỉ là chống xuống cấp. Nghe đâu, dự án tu bổ này lên tới 20 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Quỳnh Vân