Cự Đà - Làng cổ ven sông

(ANTĐ) - Nếu Đường Lâm là làng Việt cổ điển hình của vùng trung du, thì Cự Đà lại là ngôi làng cổ mang những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông. Cho đến nay, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, làng vẫn giữ được gần như vẹn nguyên so với thuở ban đầu…

Cự Đà - Làng cổ ven sông

(ANTĐ) - Nếu Đường Lâm là làng Việt cổ điển hình của vùng trung du, thì Cự Đà lại là ngôi làng cổ mang những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông. Cho đến nay, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, làng vẫn giữ được gần như vẹn nguyên so với thuở ban đầu…

Nhà kiến trúc kiểu Tây ở trong làng Việt
Nhà kiến trúc kiểu Tây ở trong làng Việt

Nét đẹp làng cổ

Làng Cự Đà chỉ cách Hồ Gươm chưa đầy 20km đường chim bay. Nép vào dọc con sông Nhuệ, làng trải dài và có hình xương cá với những ngõ xóm đâm ngang, hẹp, lát gạch đỏ.

Cổng ngõ nào cũng chạy ra đến bờ sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Quy hoạch tự nhiên của làng theo đúng mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại.

Mà làng Cự Đà đã có thời “phát” thật sự. Dấu ấn thịnh vượng được đắp nổi trên bệ cột cờ giữa làng niên đại năm 1929, thời đó, làng nào có được cái cột cờ bề thế như vậy là hiếm lắm. Đến nay, đỉnh cột cờ vẫn tung bay cờ lễ hội làng.

Cự Đà cũng là ngôi làng có nhiều cái nhất. Ngay từ đầu thế kỷ 20, làng đã có điện thắp sáng, rồi nhà nhà trong làng đều được đánh số hệt như những ngôi nhà trên phố lớn.

Những năm 1920-40 của thế kỷ trước, người làng đua nhau ra Hà Nội lập xưởng, làm chủ nhà máy, chủ cửa hàng, tiệm buôn  khá đông. Một loạt tên tuổi các nhà giàu Hà Nội lấy tên hiệu bắt đầu bằng chữ “Cự” như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát… chính là người Cự Đà.

Dấu tích của một thời làng thương mại ven đô giàu có còn để lại ở hai khối tượng cóc bằng đá xanh đặt ở bến sông. Trên hai khối tượng còn khoét lỗ để đèn dầu. Đó là một loại “hải đăng” để thuyền bè buôn bán trên sông Nhuệ trong những đêm tối trời định vị đúng hướng mà ghé vào.

Trong một ngôi làng nhỏ, chiều dài hơn 1km rộng chưa đầy 500m từ lâu đã trở thành nơi giao thoa giữa những nền văn hóa với hai loại hình kiến trúc tiêu biểu - Nhà Việt cổ và những kiến trúc được xây từ thời Pháp thuộc. Chỉ tính riêng cái quỹ nhà “Tây” thôi cũng đã đủ để nơi đây trở thành di sản rồi.

Cũng giống như những ngôi nhà cổ ở trên phố, ở Cự Đà, nhà cũng hai tầng, có ban công - đặc trưng của phương Tây, nghĩa là cửa vòm, gạch hoa lát cột, mảnh sứ đập ra ghép lại trang trí mặt tiền theo phong cách mosaic là “mốt” của một thời, nay ít nơi còn thấy, ngoài khu lăng mộ các ông Vua thời Nguyễn.

Nhà cổ thời Nguyễn giờ còn hơn ba chục chiếc, khung gỗ, lợp ngói ta, giếng nước mưa trong mát, tuổi từ hơn trăm năm trở lên, trong đó có những ngôi nhà đặc biệt quý hiếm, trên câu đầu còn ghi niên đại “Tự Đức Giáp Tuất”, năm 1874 tức cách đây 134 năm, nơi thờ cúng vẫn còn giữ nguyên võng vì và bộ giường thờ, ban thờ, bàn thờ...

Nhiều ngôi từ đường của các dòng họ như những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc vô giá với những cuốn thư, cột, cửa đều làm từ gỗ và hoa văn tinh tế.

Các nhà khoa học Nhật Bản từng đến khảo sát ở đây đã đánh giá cao khối di sản vật thể này. Đáng chú ý nơi đây còn có di tích đàn tế bằng đá xanh mà người dân vẫn gọi là đàn tế trời đất, một dạng của đàn Xã Tắc thuộc loại đẹp nhất nước còn giữ được.

Băn khoăn bảo tồn và phát triển

Hiếm có một làng đồng bằng Bắc bộ nào còn lưu giữ đầy đủ di tích các thời suốt mấy trăm năm của người Việt như Cự Đà, nhưng đáng tiếc cho tới nay vẫn chưa được xếp hạng di tích.

Trong lúc nhiều cơ quan văn hóa đi xây dựng một mô hình làng Việt mới toanh, ở đâu đó, thì trớ trêu thay, làng Việt như Cự Đà, còn nguyên đặc trưng thì lại chưa được chú ý đúng mức. Nguy cơ các di sản kiến trúc trong làng bị xóa sổ bởi trào lưu đô thị hóa là có thật.

Chỉ trong nay mai thôi, toàn bộ hơn 100ha đất canh tác của làng sẽ phải nhường cho khu đô thị, khu công nghiệp sẽ được xây dựng kế bên. Có tiền bồi thường từ đất canh tác, người dân có thể phá nhà cũ, dựng nhà mới, bởi  đã có một cơ quan quản lý nào “ra tay” bảo tồn quỹ nhà Việt cổ và nhà “Tây” ở đây đâu.

Đến ngay cả những người dân trong làng, rất ít người hiểu được giá trị của chính ngôi nhà mà mình đang sống. Muốn “yêu” trước tiên phải “hiểu”, chính vì thế, việc tuyên truyền cho người dân về giá trị của từng ngôi nhà, từng di tích là việc làm tiên quyết để hướng tới bảo tồn.

Có người dân đã tâm sự: “Ai phải ở trong những ngôi nhà với tuổi thọ hàng trăm năm mới thấu hiểu hết cái khổ. Khổ vì lúc nào cũng nơm nớp, chả biết nhà sẽ sập lúc nào. Diện tích nhà thì rộng, nhưng diện tích dành cho sinh hoạt lại hạn chế…”

Chính vì thế, nếu muốn gìn giữ và bảo tồn, các cấp chính quyền cần dành một quỹ đất hỗ trợ tái định cư để sự gia tăng dân số, nhu cầu về nhà ở không gây sức ép đối với dân làng. Quan trọng hơn, để di tích có được một sức sống thực sự, rất cần thiết phải phát triển du lịch.

Cũng đã đến lúc, cần phải tính đến một dự án lâu dài cải tạo, nạo vét lòng sông Nhuệ, để từ đó có các sản phẩm du lịch văn hóa là các di tích trải dọc hai bên bờ con sông vốn đậm đặc ngàn đời chất Việt cổ, mà Cự Đà chỉ là một dẫn chứng điển hình.

PGS.TS Trịnh Sinh

(Viện Khảo cổ học Việt Nam)