Tân giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Trương Nhuận

Làm nghệ thuật chỉ để “câu khách” sẽ phải trả giá bằng cả thương hiệu

ANTĐ - Phó giám đốc Trương Nhuận vừa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nhà hát nhiệm kỳ 2012-2017 sau khi NSND Lê Hùng nghỉ hưu từ 1-10. Anh là một trong số hiếm hoi các Giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ không phải là một đạo diễn.

Làm nghệ thuật chỉ để “câu khách” sẽ phải trả giá bằng cả thương hiệu ảnh 1

- Chúc mừng anh với cương vị mới - một trong số hiếm hoi các Giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ không phải là một đạo diễn.

- Đúng vậy, trong lịch sử các Giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ trước đó là anh Trần Tiến Thuật và bây giờ tôi cũng là người kế nhiệm không phải là đạo diễn cũng chẳng phải là diễn viên. Tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp rồi tham gia giảng dạy ở trường Sân khấu Điện ảnh cho nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên. Vào 22 năm trước đây, trong một lần tình cờ gặp đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành (lúc đó đang  là Phó  Giám đốc Nhà hát) để viết bài về một vở kịch của nhà hát, chị ấy ngỏ ý mời tôi về làm công việc quản lý Rạp Tuổi trẻ sắp khánh thành và phụ trách truyền thông. Tôi cũng đã trăn trở nghĩ ngợi một thời gian, cuối cùng quyết định từ bỏ công việc giảng viên, đồng thời là Phó Chủ nhiệm khoa Lý luận Điện ảnh của trường Sân khấu Điện ảnh để về làm phụ trách phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát, đúng dịp khánh thành Rạp Tuổi trẻ (1990).

- Anh có bị áp lực nhiều không khi người giám đốc tiền nhiệm là một đạo diễn sân khấu nổi tiếng, tài ba?

- Thật ra đó là điều bình thường ở nhiều mô hình nhà hát nổi tiếng thế giới. Họ có người quản lý về mặt tổ chức biểu diễn và sản xuất chương trình, bên cạnh đó vẫn có người quản lý về mặt nghệ thuật. Tất nhiên khi lãnh đạo là một nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng sẽ có những mặt mạnh của họ, nhưng đôi lúc cũng có sự cảm tính, thiếu nguyên tắc trong quản lý. Vì vậy theo tôi nghĩ, đối với người làm công tác quản lý nghệ thuật phải cần có sự am hiểu nhất định, không nhất thiết phải làm nghề nhưng phải có tâm để làm sao định hướng, khích lệ tạo điều kiện cho các nghệ sĩ hướng tới sự sáng tạo nghệ thuật một cách nhiệt tình nhất. 

- Có thể gọi anh là người tiên phong trong công tác tiếp thị, marketing sân khấu ở phía Bắc được không?

- Tiên phong thì nghe hơi to tát quá, nhưng tôi là người có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản đầu tiên về lĩnh vực này do Bộ Văn hóa cử đi tu nghiệp về công tác quản lý nghệ thuật và marketing biểu diễn ở Nhà hát Hoàng gia London Anh quốc từ năm 2001.

- Đến nay, theo anh việc tiếp thị sân khấu của các nhà hát đã đặt đúng với tầm quan trọng của nó chưa?

- Phải nói là đối với các đoàn nghệ thuật phía Nam, công tác quảng bá, marketing  họ đã nhanh nhạy thích ứng từ rất lâu. Còn ở miền Bắc, trong vòng 10 năm trở lại đây các nhà hát và đơn vị nghệ thuật mới bắt đầu học tập kinh nghiệm, tiếp cận và đánh giá đúng với công tác quảng bá. Nhiều nhà hát có các nghệ sĩ có tài, họ có những vở diễn hay nhưng công tác quảng bá ở đơn vị ấy không tốt nên dẫn đến sự lu mờ hình ảnh của mình đối với khán giả. 

- Nhưng đối với một tác phẩm nghệ thuật thì giá trị của nó nằm ở nội dung vở diễn chứ không phải là ở lời… quảng cáo?

- Đúng, cái quan trọng nhất vẫn là chất lượng của các tác phẩm có đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả hay không. Việc tìm hiểu nhu cầu đó là vô cùng quan trọng để lựa chọn vở dựng đồng thời vẫn cần giữ chất lượng, định hướng nghệ thuật. Chúng ta cũng nhìn thấy rõ sự tồn tại của tính chất” chụp giật, ăn xổi” trong những tác phẩm chỉ mang mục đích” câu khách”, bán vé trong một thời điểm nhất định khiến khán giả có cảm giác bị lừa khi đến xem. Tất nhiên, những trường hợp đó họ đang và sẽ phải trả giá cho thương hiệu của họ.

- Sân khấu đang đứng trước nhiều giằng co, chẳng hạn như dựng những vở hài kịch dễ xem để lấy doanh thu hay đầu tư vào những vở chính kịch, là một người lãnh đạo nhà hát, anh sẽ đi theo hướng nào?

- Tôi nghĩ dù là nghệ thuật gì mà không hấp dẫn với khán giả thì cũng thất bại. Nhưng nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường cũng nhanh phôi pha. Tôi nghĩ đã là tác phẩm sân khấu thì dù là chính kịch hay hài kịch, tiêu chí hay và hấp dẫn vẫn là hàng đầu. Hài kịch không hay, khán giả chỉ đến 1-2 lần. Cũng như chính kịch nếu hay mà chưa có khán giả thì phải tìm cách kéo khán giả đến. Nhưng một trong những chiến lược của chúng tôi đang âm thầm thực hiện, đó là từng bước xây dựng lại thói quen xem chính kịch. Nghệ thuật vẫn tìm được con đường đích thực đến với khán giả. 

- Vâng, xin cảm ơn anh!