Bản hùng ca về nỗi đau mất mát

ANTĐ - 3 năm sau khi ra đời, bản hùng ca giữa đời thường về những người dân tại xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong phim tài liệu “Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát” lại được công chúng biết đến. Người nỗ lực đòi quyền sống cho ngư dân là một người đàn ông mang hai quốc tịch Việt Nam - Pháp, André Menras Hồ Cương Quyết.

Tác giả André Menras Hồ Cương Quyết

Những cuộc chiến không tên 

“Đã từ lâu, tôi muốn gặp gỡ những ngư dân miền Trung Việt Nam, những người đã tiếp tục quăng lưới và lặn biển, trên quần đảo Hoàng Sa mà tổ tiên họ ngày xưa đã đặt tên là Bãi Cát Vàng” - những lời mở đầu của bộ phim tài liệu “Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát” đã được cất lên như thế. André Menras Hồ Cương Quyết, người mang hai quốc tịch Việt Nam - Pháp, tác giả của thước phim cảm động nhớ lại, đó là một ngày năm 2006, khi đó ông đọc được một bài viết của Báo Tuổi trẻ đề cập đến việc một tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt.

Hàng ngàn câu hỏi tại sao được đặt ra, nhưng không ai trả lời. Ông bắt đầu nghiên cứu về Luật Biển, về lịch sử, pháp lý vùng biển Việt Nam… và tìm mọi cách để đến Lý Sơn làm phóng sự về người dân ở đây. Một hành trình dài đầy khó khăn mà chính André Menras đã trải qua, để trực tiếp gặp gỡ và kể những câu chuyện mà những ngư dân Quảng Ngãi, không có điều kiện nói lên được - “Những con tàu nhỏ bé đối diện với những cơn bão khủng khiếp ngoài biển khơi đã là một thách thức, nhưng thách thức lớn hơn mà họ không ngờ đến đó là sự hung hãn của người Trung Quốc. Chạy không được, không đi không được, bởi vì mã lực của tàu không cho phép. Nếu bị bắt họ sẽ bị đánh, sẽ bị giam giữ… ngay trên vùng đánh bắt cá của cha ông mình. Vậy mà họ vẫn tiếp tục bám biển”. Cuộc sống khốn khó giữa biển khơi không quật ngã ý chí của họ, bởi họ thuộc về biển, Hoàng Sa là nhà của họ, như ngàn đời nay vẫn thế. Ở Bình Châu, ở Lý Sơn có những ngư dân kiên cường như thế, “vì họ không có lựa chọn nào khác, và vì họ có niềm tự hào của họ”. André cho rằng, họ chính là những người anh hùng giữa đời thường. 

  Những ngôi mộ gió và nỗi đau người ở lại

Trả món nợ với những ngư dân 

André Menras Hồ Cương Quyết kể rằng, chính việc sinh ra ở Hérault, miền Nam nước Pháp, trong ông có một sợi dây gắn bó tự nhiên với biển khơi. Khi đến vùng biển Quảng Ngãi, ban đầu ông gặp phải ánh mắt e ngại của những người dân nơi đây. Và dần dà sau khi trò chuyện, làm quen với họ, cho họ biết ông đến để nghe họ nói, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân họ, thì chính những câu chuyện chân thật họ chia sẻ, lại ngày càng thôi thúc ông làm nên bộ phim. André Menras nhớ lại những ngư dân chống chọi với hiểm họa từ biển khơi, chuyện ông “vua lặn” chia sẻ kinh nghiệm khi gặp cá mập giữa biển, lúc ấy, chỉ cần nhìn thẳng vào mắt nó, nó sẽ không tấn công mình. Rồi những ngày tháng cùng ăn ở với những gia đình ngư dân Bình Châu.

“Có những gia đình không thể ra khơi đánh bắt xa bờ, không thể lặn biển vì bị áp lực của nước. Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, tôi cùng họ đi quăng lưới ven bờ. Một phần ít ỏi trong những mẻ lưới có được họ đem bán. Phần còn lại để ăn sáng, cùng với một chai bia, và ít bánh xèo. Cuộc sống cứ như vậy đó”. Nhưng cuộc chiến thực sự không chỉ ở ngoài kia. Bởi biển khơi đầy rẫy hiểm nguy đã cướp đi những người đàn ông trụ cột trong gia đình, để lại mái nhà xơ xác với những người phụ nữ góa chồng, những người mẹ mất con, những đứa trẻ không bao giờ có hy vọng được nhìn mặt cha thêm một lần nào nữa… Những ngôi mộ gió, được gọi như vậy từ nhiều thế kỷ, không có bất cứ thi hài nào ở dưới đó, tồn tại như một dấu tích, nhắc nhở những nỗi đau thương của gia đình những người đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. 

3 tháng ròng rã ở nơi biển khơi mặn mòi, 10 ngày quay phim và 2 tuần để dàn dựng bộ phim dài 59 phút, đó là thời gian để “Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát” ra đời. Nhưng để đến được với công chúng, André Menras Hồ Cương Quyết đã gặp vô vàn khó khăn. Suốt khoảng thời gian dài, bộ phim vẫn chưa được chiếu chính thức ở Việt Nam, mặc dù nó đã lên đường đi Pháp, Đức, CH Séc, Ba Lan… và nhận được sự ủng hộ của bạn bè thế giới. Giờ đây, André Menras chia sẻ, sau sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bộ phim của ông mới được chính thức công bố rộng rãi. Và như thế, ông đã cảm thấy mình trả được “món nợ” với những ngư dân Quảng Ngãi, những người không quản hiểm nguy, ngày đêm bám biển để giữ lấy chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.