- Lại bùng lên thực phẩm ngâm hóa chất
- Quản chặt, quy về một mối
- Không để dẹp bên này, chạy sang bán bên kia
Vì thế đây chính là thời điểm các lực lượng thanh tra liên ngành cùng các cơ quan chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm ngay từ xã, phường, chợ dân sinh, lò mổ gia súc, gia cầm nhằm mục đích để người dân yên tâm và “yên dạ”.
Truy xuất nguồn gốc là giải pháp căn cơ, bài bản trong quản lý và kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cũng như cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Hà Nội đã triển khai mô hình thành lập lực lượng kiểm tra chuyên trách an toàn thực phẩm từ xã, phường, tức là truy xuất tận gốc nguồn thực phẩm. Từ chuồng trại chăn nuôi, từ đồng rau, củ quả cho tới các cơ sở giết mổ, chế biến, lưu thông, phân phối tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, kể cả hệ thống siêu thị.
Thời gian vừa qua, thành phố đã triển khai một số xe chuyên dụng kiểm tra an toàn thực phẩm được người dân hoan nghênh. Đặc biệt, một số tập đoàn, công ty lớn liên kết, hợp tác với hàng trăm cơ sở, hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dân Thủ đô. Một số vụ việc trà trộn, “đội lốt” thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc tuồn vào siêu thị đã bị xử lý nghiêm. Lòng tin của người dân vào thực phẩm sạch, an toàn đã được tạo dựng có cơ sở.
Tuy nhiên, có một thực trạng không thể không nhìn thẳng để các lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành có giải pháp hữu hiệu thực thi ráo riết, quyết liệt trong dịp Tết cổ truyền. Đó là hàng trăm cơ sở giết mổ lợn, gà, vịt nhỏ lẻ rải rác rất khó kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng kiểm soát thú y, đóng dấu kiểm dịch chỉ có thể tập trung ở các lò mổ tập trung được cấp phép.
Hơn thế, con đường vận chuyển thực phẩm vào Hà Nội tiêu thụ có muôn nẻo, muôn lối dù căng hết lực lượng cũng không thể bịt hết. Chưa kể, ngay tại các chợ đầu mối rau, củ, quả, lượng hàng nhập từ biên giới phía Bắc ồ ạt dịp Tết cũng là một lỗ hổng không dễ “soi” nguồn gốc xuất xứ, chứ chưa nói tới chuyện đảm bảo chất lượng an toàn.
Còn một khó khăn đáng quan tâm là, để minh bạch sản phẩm, đảm bảo không có sự “độn” hàng hoặc làm ăn gian dối, cơ quan kiểm tra phải lấy mẫu, đưa về phân tích, xét nghiệm vài ngày rồi mới kết luận, quyết định chất lượng có thể sử dụng được hay không.
An toàn vệ sinh thực phẩm là cả một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý thuộc 3 bộ: NN&PTNT, Y tế, Công Thương. Dù những nỗ lực được người dân ghi nhận, đánh giá, song đây là “cuộc chiến” còn dài, còn nhiều khó khăn, trở ngại phải vượt qua để đạt được mục đích cuối cùng là người dân hoàn toàn yên tâm và “yên dạ” không còn lo bệnh từ đường miệng mà vào.