Ý tưởng về ngôi làng sinh thái khép kín

ANTĐ - Mới đây, một số kiến trúc sư, kỹ sư từ công ty Regen Villages đã triển khai một mô hình cộng đồng dân cư ở ngoại ô Thủ đô Amsterdam (Hà Lan), không phụ thuộc điện lưới, tự cung tự cấp, nơi mà người dân có thể có cuộc sống tiện nghi mà không hề gây ảnh hưởng tới môi trường.

Không phụ thuộc hệ thống điện lưới

Đó là ý tưởng mới của mô hình dự án “làng sinh thái tích hợp” bền vững đang được các kiến trúc sư công ty Regen Villages có trụ sở tại Califonia (Mỹ) triển khai tại thành phố Almere, ngoại ô Amsterdam (Hà Lan), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới 2017.

Trong dự án này, các nhà thiết kế muốn kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với công việc quản lý tài nguyên đất đai cũng như cơ sở hạ tầng độc lập trong một tích hợp các ngôi làng nông nghiệp công nghệ cao, tự cung tự cấp nguồn thực phẩm, tự sản xuất điện năng bằng năng lượng sạch, tự vận hành phân loại, xử lý rác ngay trong khu vực làng và tái chế nước sinh hoạt. Mỗi làng sẽ có 1 quảng trường với các điểm sạc pin cho xe điện, hệ thống sưởi ấm, làm mát, thông gió tự động…

Mặc dù vậy, có một số chuyên gia nhận định ý tưởng này không phải hoàn toàn mới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, trong dự án này, điều các nhà thiết kế muốn hướng tới là các cư dân trong “làng sinh thái tích hợp” sẽ có cuộc sống tiện nghi, sung túc chứ không mang tính chất dân dã.

Đặc biệt, các nhà thiết kế còn muốn khai thác từ ý tưởng công nghệ mới này là cộng đồng dân cư có thể sống mà không phụ thuộc vào hệ thống điện lưới, tạo môi trường sinh thái bền vững và thân thiện.

“Chúng tôi đang được xem như sự khởi đầu của những ngôi làng sinh thái mới”, James Ehrlich - CEO của Regen Villages cho biết.

Trước hết, chúng ta cần quan tâm tới những mảnh đất sản xuất nông nghiệp xanh, nơi chúng ta có thể cùng lúc sản xuất ra nguồn thực phẩm hữu cơ, nước, năng lượng sạch, giảm lượng rác thải, so với việc chúng ta hiện nay chỉ sử dụng mảnh đất đó sản xuất thực phẩm hữu cơ hay thực hiện thâm canh trên đó”, ông James Ehrlich cho biết thêm. 

Hơn nữa, điện năng dùng trong sản xuất và sinh hoạt còn dư thừa sẽ được nạp trở lại vào mạng lưới điện, đồng thời cung cấp 50% số lương thực cho dân cư trong làng. Ngoài ra, các kỹ sư nông nghiệp còn kết hợp công nghệ hệ thống vườn thẳng đứng nhằm tăng năng suất mùa vụ, cũng như tăng sản lượng bổ sung cho các khu vườn trong làng khi tăng gia trái vụ.

“Dự đoán, chúng tôi sẽ tạo ra hàng tấn thực phẩm hữu cơ hàng năm theo đúng nghĩa thực tế - từ rau, đậu, cá, thịt, trứng, sữa…”, CEO Ehrlich khẳng định. 

Giảm pháp thay thế đô thị hóa

Nhóm nghiên cứu và phát triển “làng sinh thái tích hợp” cho biết, dự án trên sẽ thay thế hiệu quả cho quá trình đô thị hóa đang ngày càng phát triển chóng mặt ở các quốc gia đang phát triển, trong đó các chuyên gia quy hoạch ước tính sẽ có khoảng 2,5 tỷ dân sẽ di chuyển tới các thành phố để sinh sống và làm việc, do đó dự án này cũng đồng thời là giải pháp hạn chế sự khan hiếm của thị trường bất động sản, nhà ở.

“Đó sẽ là một mô hình tuyệt vời cho một tương lai bền vững, thân thiện với môi trường, nơi mà các tiêu chuẩn sống hiện đại sẽ được tích hợp bằng những công nghệ kiến trúc thông minh vào trong cuộc sống hàng ngày”, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Khi bắt đầu được triển khai thí điểm ở ngoại ô Amsterdam, ngôi làng có 25 ngôi nhà và dự kiến sẽ có khoảng 100 ngôi nhà trước khi hoàn thành vào năm 2017.

Trong làng có nhiều gia đình sinh sống khác nhau nhưng tính cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, nâng cao vai trò cá nhân trong cộng đồng để ý thức được về sự gắn kết giữa các cư dân trong làng.

Nếu dự án ngôi làng ở Almere (Hà Lan) thành công, nhóm phát triển kỳ vọng sẽ triển khai mô hình cộng đồng bền vững này ở các quốc gia Bắc Âu, sau đó sẽ mở rộng ra các quốc gia vùng Trung Đông và châu Phi, nơi có khí hậu quá khắc nghiệt.