
Tết Thanh minh là dịp để những người con xa quê trở về thắp hương, tưởng nhớ đến Tổ tiên
Ngày Thanh minh, bố tôi và các chú đều đi làm xa nhà, bà nội tôi cũng về quê ngoại nên tôi đi “thay chân” bà cùng với mẹ và các thím. Những người con xa quê của dòng họ đều về đây, kính cẩn, nghiêng mình tưởng nhớ đến các bậc cha ông đã góp công sức xây dựng, phát triển dòng họ để được như bây giờ. Lần đầu tiên, tôi biết họ mình đông người đến vậy. Có những người tôi vẫn nhớ vì đôi ba lần gặp gỡ khi theo bố mẹ đến nhà họ chơi và chúc tết. Có những người đúng là “Không đi ăn họ thì không biết người nhà!”
Buổi sáng, các gia đình tập trung vào nhà thờ rồi theo bác trưởng họ ra ngoài lăng viếng các cụ Tổ tiên. Lăng đã được quét dọn sạch sẽ. Những cây cỏ mọc um tùm cũng được cắt tỉa từ chiều hôm trước. Các phần mộ ở khoảng đất thấp cũng thấy tu sửa và bồi thêm cho cao. Khói hương nghi ngút, khoảng cách giữa người quá cố và người đang sống dường như không còn nữa. Ai cũng thầm nghĩ mình phải sống tốt hơn để không hổ thẹn với người quá cố, các thế hệ đi trước!
Ở quê tôi, mọi người đi “ăn họ” ngày Thanh minh chủ yếu là để gặp gỡ, trò chuyện và quan trọng nhất là để anh em, con cháu trong dòng tộc được biết mặt nhau, "không yêu nhầm người trong họ mình”.
Những anh chị em trạc tuổi nhau, chúng tôi làm quen và trò chuyện với nhau dễ dàng hơn và chỉ một lát sau đã trở nên thân thiết. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Từ chuyện học hành, thi cử, thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt tốn kém… đến tình yêu nam nữ, những dự định trong tương lai nhưng cách xưng hô thì ai nấy vẫn còn lúng túng. Tôi đỏ mặt khi được một người hơn đến chục tuổi gọi mình là cô và xưng cháu. Chúng tôi thích xưng hô theo tuổi tác hơn – ai nhiều tuổi hơn là anh/chị, ai ít hơn sẽ là em chứ không muốn phải xưng hô theo ngôi thứ, vai vế có sẵn trong quy định của dòng họ dù bác trưởng họ nhắc đi nhắc lại: “Cần phải tuân thủ thứ bậc. Các cháu trẻ tuổi không biết thì phải hỏi các ông bà, các bác để mọi người giảng giải, hiểu cho cặn kẽ.”
Ở quê tôi, Thanh minh là ngày đi “ăn cỗ lấy phần”. Mỗi mâm cỗ có 6 người ngồi và được đặt thêm 6 chiếc túi nilon. Mọi người chỉ ăn các món xào, món canh, uống chút rượu chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt. Còn các món khô như luộc hay quay: thịt gà, giò, chả, xôi và giò xào… đều được đem chia đều cho từng người, bất kể đàn ông hay đàn bà. Ai cũng có một túi mang về. Họ quan niệm, làm như vậy để con cháu trong nhà – ai không đi “ăn họ” cũng đều có phần, gọi là một chút lộc của Tổ tiên ban cho con cháu. Do vậy, dù ít dù nhiều ai cũng ăn một chút để thấy rằng Tổ tiên luôn ở bên che chở, giúp đỡ mình vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Những nén nhang thơm được thắp lên phần mộ của người thân đã quá cố



