Xuân này Hát Xoan có tin vui?

(ANTĐ) - Năm 2010, Việt Nam sẽ chính thức đệ trình UNESCO xét vinh danh hai di sản văn hóa phi vật thể là Lễ hội Thánh Gióng và Hát Xoan. Ngày 26-1-2010 vừa qua, hồ sơ Lễ hội Thánh Gióng được UNESCO chính thức thông báo đã lọt qua “vòng một” thì xuân này hồ sơ Hát Xoan sẽ thêm nhiều hy vọng.

Xuân này Hát Xoan có tin vui?

(ANTĐ) - Năm 2010, Việt Nam sẽ chính thức đệ trình UNESCO xét vinh danh hai di sản văn hóa phi vật thể là Lễ hội Thánh Gióng và Hát Xoan. Ngày 26-1-2010 vừa qua, hồ sơ Lễ hội Thánh Gióng được UNESCO chính thức thông báo đã lọt qua “vòng một” thì xuân này hồ sơ Hát Xoan sẽ thêm nhiều hy vọng.

Hát Xoan hay còn gọi là Hát Xuân là một trong những loại hình dân ca nghi lễ phong tục, phục vụ hát thờ lễ chỉ tồn tại trong đời sống văn hóa cộng đồng thuộc người Việt từ thuở xưa. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học Nguyễn Thụy Loan, Hát Xoan là một trong những thể loại ca nhạc lễ nghi tín ngưỡng vốn đã định hình từ thời cổ đại. Thường “mở hội” vào mùa Xuân gắn với không gian hát cửa đình phục vụ nghi lễ tín ngưỡng nhưng khác với nhiều dân ca nghi lễ Bắc Bộ thường chỉ “chung thủy” với một điểm diễn là ngôi đình hoặc đền làng mình, Hát Xoan lan tỏa với không gian diễn xướng rộng lớn hơn nhiều.

Bước đầu, công tác điền dã, sưu tầm thống kê di sản cho thấy, Hát Xoan diễn xướng ở các ngôi đình của 18 xã thuộc 7 huyện của 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc ngày nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương ví von: “Xoan đã vượt sông Lô đến với Đức Bác, Tử Du, Hoàng Thượng; vượt sông Thao đến với Hương Nộn. Hát Xoan đã “phủ sóng” một vùng rộng lớn không một dân ca nào từ sông Đà, sông Hồng tới sông Mã có thể so sánh”.

Bên cạnh đó, Hát Xoan còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng nhiều tầng nhiều lớp mang đặc trưng của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Hệ bài bản và hình thức diễn xướng của Hát Xoan cũng hết sức phong phú và đa dạng… Nói vậy để thấy, Hát Xoan thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của người Việt dù rằng loại hình dân ca nghi lễ phong tục, tín ngưỡng này đang được xây dựng hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Theo khuyến cáo của UNESCO, Di sản được vinh danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp không hẳn là không có giá trị kiệt tác hay không mang tính đại diện mà có thể là loại hình di sản này đang ở trong tình trạng có nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị…

Một trong những nguy cơ mai một hiện hữu trước mắt di sản Hát Xoan là nhiều thập kỷ qua Hát Xoan đã vắng bóng Hát Xoan thờ - một trong hai không gian diễn xướng quen thuộc của loại hình dân ca lễ nghi tín ngưỡng này bên cạnh không gian Hát Xoan thính phòng tại các tư gia. Đặc trưng của văn hóa phi vật thể là hầu như những gì tinh túy nhất của di sản này đều cậy nhờ vào trí nhớ, khả năng diễn xướng và truyền dạy của các nghệ nhân - những báu vật nhân văn sống thì giờ đây đa số nghệ nhân Hát Xoan đều đã tuổi cao, sức yếu. Xưa kia, Hát Xoan còn có các họ Xoan thì giờ đây cũng không còn…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan khẳng định: “Nếu chúng ta có thể làm cho các thế hệ trẻ - ngay từ tấm bé, đã thấm đẫm những câu Hát Xoan như những thế hệ cha chú của họ và việc giáo dục truyền thống thông qua âm nhạc luôn luôn được coi trọng và được thực hiện một cách nghiêm túc, có chất lượng thì có thể yên tâm rằng Hát Xoan có thể tồn tại lâu dài trong đời sống của người Việt Nam”. Hỡi ôi, ngay đến cả những nghệ nhân cao niên Hát Xoan hiện nay cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay hỏi gì đến những người trẻ tuổi Hát Xoan kế cận?

Dự kiến trong quý I-2010, hồ sơ Quốc gia Hát Xoan sẽ chính thức đệ trình UNESCO xét vinh danh trong năm 2010. Cho đến nay, công tác điền dã, sưu tầm, thống kê… di sản Hát Xoan vẫn được gấp rút hoàn thành với không ít nghi ngại của nhiều người. Thế nhưng theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, việc xây dưng hồ sơ Hát Xoan hoàn toàn có thể triển khai đúng kế hoạch đã định. TS Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đơn vị được giao xây dựng hồ sơ Quốc gia Hát Xoan đệ trình UNESCO khẳng định: “Trong tiến trình lịch sử hoạt động khoa học, Viện Âm nhạc đã dành sự quan tâm đáng kể cho công tác sưu tầm, tìm hiểu Hát Xoan. Nhiều tư liệu, tài liệu lưu được những thông tin về thể loại, về bài bản do chính các cố nghệ nhân Xoan cung cấp từ những năm 1957, 1970… và hiện đang được lưu giữ tại Viện Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam… Nhờ nguồn tư liệu này, việc phục hồi Hát Xoan thời gian qua có phần được thuận lợi”.

Hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Hát Xoan đang gấp rút về đích, hoàn thành tiến độ đệ trình UNESCO. Giá trị của di sản Hát Xoan cũng như những yếu tố để đệ trình vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp có nhiều cơ sở để Hát Xoan hy vọng. Xuân này, Hát Xoan lại mở hội Hát Xuân rộn ràng miền đất tổ Đền Hùng. Xuân sẽ thắm sắc và vui hơn khi hồ sơ Quốc gia Hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sẽ hoàn thành và đệ trình UNESCO đúng tiến độ.

Phúc Nghệ