Xem "Hồ Thiên Nga" ở Hà Nội: Vở diễn đáng giá từng xu

ANTĐ - Thực sự cảm ơn những người đã mang “Hồ Thiên Nga” - vở ballet nổi tiếng nhất thế giới về với Hà Nội trong đêm 1-8. Những hàng dài người kiên nhẫn đội mưa xếp hàng vào xem vở diễn đã cho thấy, giá vé cao không còn là rào cản.
Xem "Hồ Thiên Nga" ở Hà Nội: Vở diễn đáng giá từng xu ảnh 1

Những cơ thể tuyệt đẹp, những cơ bắp rung lên, cú bay người, nhún mình, những khớp xương mềm mại như vây cá... tất cả đã đốt cháy các giác quan của khán giả.

Chỉ thấy như mình tan ra trong những động tác kỹ thuật và nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Cái đẹp không cần lời, chỉ là những khoảnh khắc họ khiến khán giả bay lên cùng ánh sáng, thanh thoát nhẹ mềm như mây, thấy tim mình run lên cùng nhịp với tiếng giày múa nổ lách tách rất khẽ trên sàn.

Như một liều thuốc chữa lành những vết thương mà sự thô kệch, tục tằn, man rợ gây ra cho đời sống. Những khoảnh khắc đắm chìm với Hồ Thiên Nga, có lẽ điều giá trị nhất là nhiều người đã được lãng quên thực tại nhọc nhằn, dù chỉ là trong khoảng thời gian 2 tiếng của vở diễn.

Với những khán giả đã từng được xem vở ballet kinh điển do Nhà hát Bolshoi danh tiếng ở Thủ đô Matxcơva của nước Nga trình diễn, có lẽ vở ballet mà Nhà hát Talarium Et Lux mang đến Việt Nam lần này chưa thỏa mãn được giấc mơ của họ. Phông nền sân khấu là những màn hình LED khổng lồ để chiếu những cảnh bài trí theo công nghệ 3D chứ không phải  phông màn cổ điển được các họa sĩ vẽ tay, không có dàn nhạc giao hưởng chơi trực tiếp mà các nghệ sĩ biểu diễn trên nền nhạc thu sẵn. Thế nhưng điều chắc chắn là tinh thần cổ điển trong diễn xuất của các nghệ sĩ thì vẫn nguyên vẹn thế.

Chỉ bằng một thứ ngôn ngữ mộc mạc nhất và cũng diệu kỳ nhất - ngôn ngữ cơ thể - nhưng các nghệ sĩ đã đem đến biết bao cảm xúc diệu kỳ. Đôi cánh tay biết nói, đôi chân với những cử động tuyệt kỹ và từng cơ bắp nhỏ nhất trên cơ thể các diễn viên đều mang đến biết bao nhiêu câu chuyện. Elisaveta Nebesnaya - nữ diễn viên solist của vở diễn đã hoàn toàn chinh phục khán giả bằng cả 2 vai Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen. Với vẻ yêu kiều và từng động tác xuất thần của mình, cô đã xóa nhòa trong khán giả cảm giác về sự rạch ròi giữa đen và trắng, hạnh phúc và khổ đau đúng như triết lý của cuộc đời.

Bi kịch của tình yêu giữa Thiên Nga Trắng và Hoàng tử Siegfried, sự lầm tưởng giữa Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen xui chàng hoàng tử trao lầm trái tim khiến người yêu  tuyệt vọng tìm đến cái chết vẫn là bi kịch mang tính biểu tượng muôn đời. Những điều đẹp đẽ nhất, cao quý nhất luôn luôn chìm lấp giữa trùng trùng những thứ “hàng giả”, để có được nó, người ta phải trả giá, mất mát và đau đớn.

Trước khi đêm diễn mở màn, có rất nhiều người băn khoăn về giá vé. Tại sao nó lại cao thế, những 9 triệu đồng/cặp ở vị trí đẹp nhất mà vẫn không có để mua. Tại sao lại có những người bỏ ra một đống tiền như thế cho một đêm thưởng thức nghệ thuật, trong khi đời sống còn biết bao nhọc nhằn, lo toan. Thậm chí có người còn nặng lời hơn, dè bỉu cái thói “trưởng giả học làm sang” của người đời.

Mọi sự so sánh là vô cùng và bao giờ cũng khập khiễng. Chắc chắn nhiều khán giả sẽ không cảm thấy ân hận, nuối tiếc khi bước ra khỏi khán phòng, bởi những phút giây mà các nghệ sĩ ballet hàng đầu thế giới mang đến cho họ giống như một giấc mơ. Để có được vài chục phút đồng hồ xuất hiện trên sân khấu và vài phút thăng hoa trong vở diễn, mỗi nghệ sĩ đã dành gần như cả đời họ để miệt mài trên sàn tập. “Sau mỗi đêm diễn, tôi đều sụt mất từ 1-2kg”- nữ diễn viên vào vai nàng công chúa bị biến thành Thiên Nga đã tiết lộ như vậy.

Chỉ có những nghệ sĩ đích thực mới có khả năng biến nhà hát thành thánh đường. Chỉ có họ mới giúp khán giả cảm thấy như được bay lên, chạm vào thế giới của các thiên thần và quên đi thực tại. Cái giá vé ấy, xứng đáng lắm chứ.

Hãy cứ để “Hồ Thiên Nga” xác lập những kỷ lục mới cho giá vé, vì nó đáng giá từng xu. Và đó là một điều bình thường trong cuộc sống, chẳng ai đem ngọc đi vung vãi bao giờ. Kỷ lục giá vé này khiến chúng ta cảm thấy lâng lâng, bởi nó khác xa những giá vé kỷ lục của những ông hoàng hát giọng lào khào và bà chúa vừa nhảy múa vừa cất tiếng khàn khàn chẳng ra hơi bấy lâu vẫn được xem là “đỉnh cao” của nghệ thuật giải trí trong nước.  

“Hồ Thiên Nga” là vở ballet số 20 của nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky sáng tác khoảng năm 1875-1876. Vở vũ kịch được dựng dựa trên những truyện cổ tích Nga cũng như một truyền thuyết xa xưa của Đức, kể về Odette, một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Vở ballet được công diễn lần đầu ngày 4-3-1877, tại nhà hát Bolshoi với tên “Hồ Thiên Nga”.