Xe buýt dành riêng cho nữ giới: Bị phản đối bởi người... không đi xe!

ANTĐ - Sau khi UBND Thành phố Hà Nội ra chỉ đạo cho Tổng công ty vận tải Hà Nội - Transerco nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ, có nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Trái ngược với thái độ ủng hộ, hoan nghênh của người đi xe buýt, không ít ý kiến phản đối được nêu ra từ phía chuyên gia và một bộ phận người dùng mạng.

Thế nhưng, khi thực hiện phỏng vấn nhanh với nhiều người đi xe buýt thường xuyên, phóng viên nhận thấy thực tế là đa phần ủng hộ loại hình xe buýt dành riêng như vậy, đặc biệt là các bạn sinh viên nữ hay những bạn nữ làm thêm ca muộn.

Như Mai Phương, nữ sinh viên trường ĐH Thương mại thường di chuyển bằng xe buýt số 26, chia sẻ: “Có đi buýt đông thì mới thấy nỗi khổ thế nào. Vào giờ cao điểm, bọn em thậm chí không thể quay người được, bốn phía là người và túi xách ép chặt vào mình. Cựa quậy chẳng được nên có bị quấy rối thì cũng… chịu. Khi xuống xe, ai cũng phải lách rất khó khăn mới ra được cửa, trong quá trình ấy, có bị va chạm, cấu véo thì cũng chịu nốt”.

Ý kiến trên tương đồng với rất nhiều chia sẻ khác của những người thường đi xe buýt, đặc biệt là các chuyến đông đúc nổi tiếng vào giờ cao điểm vì đi qua những khu vực có nhu cầu xe buýt cao, như xe số 26, 35, 12…
Xe buýt dành riêng cho nữ giới: Bị phản đối bởi người... không đi xe! ảnh 1Nếu từng đi trên những chuyến xe buýt chật như nêm, người ta mới dễ thông cảm cho mong muốn có một loại xe buýt dành riêng cho nữ giới

Khi được hỏi những giải pháp như camera quan sát hay đường dây nóng có phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt hay không, nữ sinh viên Thùy Dương bày tỏ: “Những thứ đó chỉ có tác dụng khi xe buýt không quá đông khách. Còn một khi cả xe chật ních, bị lèn cứng vào rồi thì làm sao camera nhìn thấy những bàn tay quờ quạng phía dưới trong cả biển người? Mình bị va chạm, muốn quay lại xem đó là nam hay nữ mà còn chẳng thể nhìn rõ được thì biết báo với ai?”

Một ý kiến khác cũng rất đáng quan tâm đến từ một nữ nhân viên trẻ của hàng ăn nổi tiếng trên phố Phan Bội Châu. Hàng ngày, nhà hàng này hoạt động tới khoảng hơn 10 giờ tối nên những nhân viên đi xe buýt thường phải vội vã đi ra bến xe buýt trên đường Lê Duẩn gần đó để đón những chuyến xe 32 cuối cùng.

“Có xe tới là may mắn lắm rồi, chứ mong gì còn được một xe đặc biệt dành riêng cho nữ. Nhưng về muộn thì mình cũng sợ, nếu có xe dành cho nữ vào giờ này thì chắc chắn cảm thấy yên tâm và đỡ lo hơn nhiều”, một nữ nhân viên của nhà hàng trên nói vội khi chuẩn bị lao lên chiếc xe buýt số 32 đang bật xi-nhan vào bến.

Một kế hoạch văn minh đang vấp phải những chỉ trích từ bộ phận dư luận... ít đi xe buýt?

Rõ ràng, những mong muốn về một loại hình xe buýt an toàn hơn là nhu cầu thực tế của nhiều người vẫn hàng ngày, hàng giờ di chuyển trên phương tiện công cộng này. Thế nhưng, có lẽ như đa số vấn đề xã hội xuất hiện trên mặt báo khác, những ý kiến phản đối trên các mạng xã hội hay một số tờ báo luôn tìm ra rất nhiều “giả định” và lý do nhằm gạt đi kế hoạch thử nghiệm đầy văn minh nói trên.

Có lẽ câu hỏi lớn nhất cần đặt ra hiện nay đối với những người phản đối kế hoạch là… họ đã thực sự có trải nghiệm thực tế trên những chuyến xe đông đúc trong giờ cao điểm hay chưa?

Bởi nội dung chỉ đạo nghiên cứu đã ghi rất rõ rằng: “Tại những khu vực đông công nhân, học sinh, sinh viên nữ đi lại bằng xe buýt, Transerco nghiên cứu thí điểm một số tuyến phục vụ riêng đối tượng này vào giờ cao điểm để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt”. Với những người thậm chí còn chưa đọc kỹ nội dung này mà đã phản đối thì e rằng, thái độ của họ đang đi ngược với xu hướng văn minh chung.