Xây dựng “Khu vực vườn giác quan” tại bờ vở sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoạt động trồng cây xanh ở bờ vở sông Hồng diễn ra vào sáng chủ nhật 4-12 do các thành viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” và chính quyền địa phương tổ chức.
Học sinh trường BVIS (Trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội) tham gia trồng cây tại công viên rừng Chương Dương

Học sinh trường BVIS (Trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội) tham gia trồng cây tại công viên rừng Chương Dương

Chương trình là một phần trong chuỗi sự kiện “Một tuần vì một Hà Nội đáng sống” nhằm tôn vinh và giới thiệu các hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật, môi trường đang được tổ chức bởi các cá nhân và nhóm cộng đồng tại Hà Nội.

Trong hoạt động đặc biệt này, một “khu vườn giác quan” đã được hình thành. “Khu vườn giác quan” này được thực hiện theo mô hình “Omniscape” - cách mà các nhà quy hoạch Nhật Bản ứng dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là trong không gian đô thị. Mục đích hướng tới không chỉ là tạo nên không gian đẹp để nhìn ngắm mà nó còn mang đến mùi vị, âm thanh, thậm chí có thể sờ, nếm. Đó chính là quy hoạch cảnh quan gắn liền năm giác quan, điều mà các dự án đã và đang thực hiện ở Việt Nam chưa ai làm.

Việc chọn cây trồng đã được các chuyên gia tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện môi trường cũng như duy trì các giống bản địa như cây trứng gà, cây quất hồng bì, cây mít, cây dành dành, cây phèn đen, cây hương nhu được ươm hoàn toàn từ hạt đã được lựa chọn cho dự án trồng cây lần này. Ngoài ra, một số cây khác như cây lá bỏng, cây cúc tần, cây trầu không, cây muối, cây dâm bụt nhót, cây phù dung, cây ngọc lan cũng được ươm trồng cho dự án. Đây là những loại cây phù hợp với việc tạo nên môi trường vườn rừng với các lớp tầng tán phù hợp, cũng như đem lại các ứng dụng thiết thực gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Hoạt động trồng cây nằm trong tổng thể dự án cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Theo anh Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” thì đây là một hoạt động dựa vào cộng đồng rất nhiều. “Chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương mở ra một cơ hội để cho các bên yêu môi trường, yêu thiên nhiên tham gia cùng chung tay. Ngoài việc giúp cải thiện môi trường, cải thiện kết nối giữa con người và thiên nhiên nó cũng là cơ hội để các bên hợp tác với nhau giải quyết vấn đề chung”.