Xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông: Để tinh thần “Lấy đạo tích thiện” được phát huy trong khoa học và văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lê Hữu Trác (hiệu là Hải Thượng Lãn Ông) không chỉ là đại danh y mà còn là một nhà văn, nhà thơ, để lại nhiều di sản về y học, giáo dục và văn hóa cho dân tộc. Tri ân những công lao, cống hiến của ông, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hưng Yên đang phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh và tham gia Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y Lê Hữu Trác (1724-2024). Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn - Ban Vận động xây dựng hồ sơ để trình UNESCO chia sẻ về hành trình này.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn chia sẻ tại hội thảo

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn chia sẻ tại hội thảo

- Phóng viên: Trong Hội thảo “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông chia sẻ rất nhiều, rất chi tiết về thân thế, sự nghiệp và cả tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông. Đó sẽ là những thông tin quan trọng trong hồ sơ trình UNESCO?

- Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là đại danh y Việt Nam, là thầy thuốc nổi tiếng ở các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Danh y Lê Hữu Trác đủ điều kiện và tiêu chí của UNESCO để thực hiện việc vinh danh. Thứ nhất, về năm sinh, phù hợp với điều kiện vinh danh của UNESCO theo bước kỷ niệm năm sinh, năm mất + 50 năm chẵn. Nghĩa là đề xuất tới năm 2024, UNESCO vinh danh và tham gia lễ kỷ niệm 300 năm sinh Đại danh y Lê Hữu Trác (1724-2024). Thứ hai, di sản về y học, giáo dục, văn hóa của Lê Hữu Trác để lại là rất lớn và có những ảnh hưởng khu vực và quốc tế rõ ràng. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có kế hoạch đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO vinh danh Lê Hữu Trác từ rất sớm và tới bây giờ là thời điểm cần triển khai các công việc, các bước thủ tục. Chúng tôi được vinh dự tham gia với vai trò tư vấn khoa học, hỗ trợ cho Ban xây dựng hồ sơ của tỉnh Hà Tĩnh.

Đối với hồ sơ khoa học mà UNESCO yêu cầu thì khó ở chỗ chứng minh tầm ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế. Cần giới thiệu ngắn gọn những tác phẩm chính của nhân vật được đề xuất cũng như sự ảnh hưởng với khu vực hoặc quốc tế đã được ghi nhận. Ảnh hưởng đến quốc tế thể hiện ở nhiều vấn đề như: Thế giới quan tâm, ghi nhận những di sản của ông Lê Hữu Trác như thế nào? Có in lại tác phẩm của ông không? Bao nhiêu ngôn ngữ giới thiệu và dịch tác phẩm của danh y? Hiện nay, có cơ sở y tế nào ứng dụng, phát huy phương pháp chữa bệnh của Lê Hữu Trác không?... Thân thế, sự nghiệp của Lê Hữu Trác cùng tác phẩm của ông đã được giới thiệu qua nhiều ngôn ngữ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Nga, Anh, Pháp, Hà Lan... và tác phẩm được dịch một vài phần ở Pháp. Từng đấy ngôn ngữ thôi cũng cho thấy ông và tác phẩm có sức ảnh hưởng đến khắp thế giới.

- Trong quá trình nghiên cứu, ông ấn tượng với tập sách nào nhất của danh y Lê Hữu Trác?

- Lê Hữu Trác với tư tưởng độc lập, Việt hóa lý luận y học Trung Quốc, bổ sung lý thuyết, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam nhằm xây dựng một nền y học dân tộc chủ động và phù hợp với phong thổ và dược liệu địa phương. Đáng chú ý hơn cả về tính ứng dụng thực tiễn của lý luận y học cũng như các phương pháp chữa bệnh, các bài thuốc của Lê Hữu Trác vẫn được coi là cơ sở trị liệu ngày nay. Nhờ đó, hình thành các trung tâm y tế áp dụng phương pháp chữa bệnh và trị liệu theo Lê Hữu Trác như ở Pháp và Đức...

Tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là một đề tài trọng tâm của sinh viên trong nước và quốc tế. Đã có khoảng 10 luận án của nước ngoài lấy tác phẩm của ông làm đề tài hoặc làm tài liệu cơ sở. Đó là một kinh điển y học đồ sộ gồm 28 tập, 66 quyển, được trình bày cô đọng trong tất cả mọi lĩnh vực. Vì thế, có người quan tâm tới vấn đề này, vấn đề kia. Có thể các lương y quan tâm nhiều đến tập “Ngoại cảm thông trị” (bàn riêng bệnh ngoại cảm ở nước ta và các phương thuốc để chữa tất cả các bệnh ngoại cảm) hay “Huyền Tẫn phát vi” (nói rõ công dụng mở đầu của “Tiên thiên”, âm dương, Thủy - Hỏa; cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc; phép chữa theo học thuyết Tâm - Thận)... Còn tôi không phải là lương y nên tôi quan tâm tới “Thượng Kinh ký sự” và “Vận khí bí điển” (cách xem mây, xem gió, chủ vận, khách vận, chủ khí, khách khí, nhằm dự đoán bệnh dịch hàng năm).

- Sưu tầm tư liệu liên quan đến một người sống cách đây gần 3 thế kỷ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là các tư liệu ở nước ngoài. Vậy ông đã làm như thế nào để có những tư liệu đó?

- Chúng tôi đã quan tâm, tìm hiểu từ cuối năm 2018. Nhóm chúng tôi có các nhà nghiên cứu như PGS.TS Biện Minh Điền; Ths. Nguyễn Thị Sông Hương ở Pháp và chúng tôi đã nhờ bạn bè bên Đức, Mỹ, Nhật... cùng thu thập tài liệu qua Internet, tìm mua sách cũ, trao đổi với các lương y, các nhà nghiên cứu. Cho đến nay, thông qua 2 cuộc hội thảo của UBND tỉnh Hà Tĩnh và của Bộ Y tế thì tư liệu là khá đầy đủ. Tuy nhiên, tư liệu ở nước ngoài, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm. Thực sự đây là một công việc không thể triển khai theo ngạch hành chính được mà trông dựa vào nỗ lực cá nhân. Nếu như chúng ta tiếp cận trên Internet với nguồn tư liệu của các trường đại học, các thư viện hay kho quản lý dữ liệu nào đó có thể phải trả tiền với số tiền không nhỏ. Hiện trên mạng có “Tuyển chọn các y tịch cổ nước ngoài” viết bằng Hán Văn của NXB Khoa học kĩ thuật Bắc Kinh xuất bản năm 2017, chủ biên là Xiao Yongzhi. Bộ này có tổng cộng 22 quyển, Việt Nam có 4 quyển được in, trong đó có “Tân thuyên Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh toàn trật” có giá 980 tệ, tương đương khoảng 3,3 triệu VND. Chúng tôi nhờ bạn bè bên Trung Quốc đặt mua nhưng cũng chưa mua được.

GS.BS Bùi Duy Tâm trong bài “Tinh thần dân tộc trong lịch sử y học Việt Nam” đăng trong Nội san hội y sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, năm 1991 có đoạn: “Một học giả Việt Nam nhân dịp khảo cứu về nền y học Nhật Bản đã nhờ một giáo sư y khoa người Nhật là bác sĩ Yamamoto giới thiệu cho một bộ sách thuốc có giá trị và thông dụng nhất tại Nhật Bản. Bác sĩ Yamamoto đưa cho nhà học giả Việt Nam này xem một bộ y thư gồm 63 cuốn trong 32 tập của tác giả Kaijo. Đọc tới tập thứ 4 nói về lai lịch của tác giả, vị học giả Việt Nam đã giật mình vì cái tên Nhật Bản Kaijo viết sang chữ Nho chính là Hải Thượng và bộ sách đó chính là “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” không biết lạc vào Nhật Bản từ bao giờ mà còn đủ 32 tập, trong khi đó bộ sách y thư này ở tại Việt Nam chỉ còn 25 tập. Bộ sách này đã được xếp vào loại sách quốc bảo của Nhật Bản và được lưu trữ tại Đại học Tokyo”. Thông tin trên là rất quý với chúng tôi. Tuy nhiên, để xác thực, có những câu hỏi cần đặt ra như: Học giả Việt Nam kia là ai? Câu chuyện diễn ra vào năm nào? Sách được lưu trữ tại Đại học Tokyo sẽ phải có mã số như thế nào? Nếu có thêm ảnh chụp bộ sách đó thì thông tin được xác tín thêm. Chúng tôi đã nhờ bạn bè là chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản, nhờ bạn bè bên Nhật và cả sinh viên trường Đại học Tokyo tìm kiếm nhằm giải đáp hiện bộ sách đó thư viện trường còn lưu giữ không? Hoặc nó đã có mà bị thất lạc chăng? Hiện nay, vẫn chưa có phản hồi để xác thực thông tin nói trên. Nói như vậy, không phải chúng tôi không tin vào thông tin nói trên nhưng không phải thông tin nào cũng đưa vào hồ sơ nếu chưa được xác thực.

- Trong hành trình thu thập, xác thực tư liệu về Hải Thượng Lãn Ông, ông đã được ngành y tế giúp đỡ như thế nào? Liệu chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng hành trình ấy sẽ hái được quả ngọt?.

- Sự giúp đỡ của Bộ Y tế thì tuyệt vời! Các cán bộ và nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ rất nhiệt tình, chủ động tìm kiếm tư liệu ở nước ngoài và dịch thuật, tóm tắt nội dung giúp chúng tôi, hỗ trợ bất cứ khi nào chúng tôi yêu cầu. Tôi nhận thấy việc được tham gia, đóng góp và được thực hiện việc vinh danh Hải Thượng Lãn Ông là niềm tự hào và là tình yêu với tổ ngành trong mỗi người. Thực ra, những vấn đề này chúng tôi có kinh nghiệm từ việc tư vấn và tham gia chấp bút hồ sơ vinh danh Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương... Nói thật rằng cũng có những tâm trạng lo âu bởi trách nhiệm khá nặng. Nhưng danh tiếng và ảnh hưởng của danh y Lê Hữu Trác rất lớn và cũng rất đúng với tiêu chí, sứ mệnh của UNESCO. Đó là thúc đẩy sự phong phú của các nền văn hóa, sự hiểu biết quốc tế, sự gắn bó giữa các dân tộc và hòa bình.

- Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm, ở bất cứ thời điểm, thời đại nào, những người có công với dân, với nước đều được đời sau vinh danh. Ông mong muốn điều gì khi góp phần vinh danh đại danh y của nước nhà?

- Truyền thống người Việt vốn “Lấy đạo tích thiện” làm lẽ sống. Sự lương thiện và tấm lòng nhân ái, hết lòng quan tâm, giúp đỡ các bệnh nhân của Hải Thượng Lãn Ông đã trở thành biểu tượng của ngành y trong bài tập đọc “Thầy thuốc như mẹ hiền” (SGK lớp 5). Chúng ta cần phát huy lẽ sống này. Tôi mong tinh thần Lê Hữu Trác được phát huy trong ngành y, trong các nhà nghiên cứu khoa học và văn hóa xã hội.

- Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.