Xây dựng chiến lược bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 20 năm trước, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực trung tâm Hoàng thành đã phát lộ một hệ thống di tích, di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu cho lịch sử văn hóa Thăng Long phát triển liên tục hơn 1.000 năm từ các thời kỳ tiền Thăng Long đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng - Tây Sơn, Nguyễn cho đến thời kỳ cận hiện đại. Chúng đạt 3 tiêu chí toàn cầu, đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới mà giá trị to lớn của nó đã được các chuyên gia quốc tế khẳng định: “Để hiểu biết lịch sử nhân loại thì di tích là không thể thiếu”.

20 năm sau cuộc khai quật lớn nhất lịch sử khảo cổ học Việt Nam, 10 năm sau khi được UNESCO ghi danh Di sản thế giới, các giá trị toàn cầu nổi bật, tính liên tục của Hoàng thành đã trở thành điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, phát huy giá trị ấy như nào, bảo tồn một di chỉ khảo cổ rộng lớn ra sao, cả triệu di vật sẽ hiện được chỉnh lý, bảo quản, phục dựng ở giai đoạn nào…. đang thực sự là vấn đề đau đầu và dài hơi mà Hà Nội trong những năm tới phải gấp rút thực hiện.

Bảo tồn trong một thành phố mở

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (nguyên Chủ nhiệm Công trường khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) thì việc tăng cường nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cùng công tác khai quật khảo cổ học sẽ đem lại nguồn tư liệu xác thực, góp phần tích cực và quyết định vào việc xây dựng nhiều chương trình bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. PGS.TS Tống Trung Tín cũng nêu ra 4 đầu việc đặc biệt quan trọng đã và đang tiếp tục làm đối với Hoàng thành trong thời gian tới gồm: Xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu; Nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính Thiên; Nghiên cứu xây dựng bảo tàng Hoàng cung Thăng Long; Nghiên cứu các phương án phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của kinh đô Thăng Long.

Các cổ vật vừa ra mắt tại triển lãm “Báu vật hoàng cung” được tìm thấy qua đợt khai quật khảo cổ học từ năm 2002 đến 2009

Các cổ vật vừa ra mắt tại triển lãm “Báu vật hoàng cung” được tìm thấy qua đợt khai quật khảo cổ học từ năm 2002 đến 2009

GS Đặng Văn Bài - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu ý kiến, việc bảo tồn di sản này cần phải xem xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên và địa - văn hóa, trong đó bao gồm việc mở rộng không gian văn hóa của khu trung tâm Hoàng thành, vai trò của các dòng sông cổ trong việc tạo diện mạo của di sản và không gian văn hóa tâm linh - nét đặc sắc của Hà Nội hôm nay cũng như trong tương lai. Cũng theo GS Đặng Văn Bài, nếu chỉ khoanh lại trong phạm vi 4 đường phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ và Hùng Vương là chưa đủ bao chứa các yếu tố gốc cấu thành các giá trị nổi bật toàn cầu của khu trung tâm Cấm Thành với tư cách là hạt nhân của kinh thành Thăng Long xưa.

Bởi lẽ, diện mạo của kinh thành xưa phải được biểu lộ bởi 2 bộ phận hợp thành, đó là cảnh quan thiên nhiên, sông hồ, cây xanh… đó là nền tảng tạo ra ý tưởng quy hoạch ban đầu khi mới lập đô của Vua Lý Thái Tổ. Cha ông chúng ta đã quy hoạch các con sông như một bộ phận trong cấu trúc kinh thành với chức năng là đường giao thông thủy, hào thành bảo vệ kinh đô và chừng mực nào đó còn là yếu tố phong thủy, tâm linh cho cư dân nội đô. Hệ thống La Thành bao quanh kinh thành với Tứ trấn linh thiêng, phần kinh thành là khu vực thị dân với cấu trúc phố nghề điển hình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của một kinh đô, cuối cùng là Hoàng thành mà hạt nhân là Khu di sản thế giới - Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Song, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam cũng nhận định, trong điều kiện biến thiên của lịch sử, nhất là dưới áp lực của quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ của Thủ đô Hà Nội, chúng ta không thể tham vọng giữ lại nguyên vẹn hoặc vinh danh tất cả các yếu tố biểu đạt giá trị nổi bật mà phải chấp nhận lồng ghép vào đó các dấu ấn vật chất được phát hiện qua các nghiên cứu khảo cổ học, khu đô thị cổ Hà Nội, một đoạn La Thành, một số điểm di tích, các hạng mục kiến trúc đơn lẻ với tính cách là những “cột mốc” văn hóa, những điểm gợi nhớ để cùng với Trung tâm Hoàng thành tạo nên một diện mạo kiến trúc mới cho Khu di sản văn hóa thế giới ở Hà Nội. “Tôi tin là với tư cách tiếp cận nói trên cùng kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ, trong tương lai gần có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ 2 cho Hoàng thành Thăng Long” - GS Đặng Văn Bài khẳng định.

Xây dựng định hướng chiến lược

Ths.KTS Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, điều cốt yếu của việc bảo tồn khu di sản là phải đề cao tính khoa học và cần có sự thận trọng cần thiết. Trong công cuộc này, yếu tố thời gian không phải là sự cấp thiết cần được ưu tiên mà trước hết là chuẩn bị cơ sở khoa học vững chắc, làm nền tảng cho công tác bảo tồn bền vững, lâu dài. KTS Đặng Khánh Ngọc chỉ ra những ưu tiên hàng đầu là: Hiểu biết tường tận, thấu đáo, toàn diện; Nắm vững đầy đủ di tích, vết tích trên mặt đất và dưới lòng đất… từ đó định hướng chiến lược, chương trình bảo tồn.

Ủng hộ ý tưởng đề xuất xây dựng Khu Trung tâm Hoàng thành thành một công viên lịch sử, KTS Đặng Khánh Ngọc cho biết thêm, đề xuất này sẽ hiện thực hóa được các mục đích chính sau: Bảo tồn trọn vẹn các vết tích và các di tích trên mặt đất, các dấu tích khảo cổ học, các địa danh lịch sử trong khu di sản; Duy trì mối liên kết của hệ sinh thái đặc thù, sự kết nối với những yếu tố đặc trưng đã góp phần tạo nên không gian đô thị của khu di sản tới cộng đồng theo cách thức dễ tiếp cận, đơn giản để tìm hiểu, khám phá. Trong đó, phạm vi và đối tượng bảo tồn của công viên sẽ là toàn bộ di tích, phế tích kiến trúc hiện hữu trong khu di sản, các dấu tích đã và sẽ được phát lộ được kết hợp trên nền cảnh quan gồm những yếu tố hữu cơ cấu thành khu vực đô - thành - thị Thăng Long Hà Nội.

“Giải toán” thế nào?

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dù được UNESCO ghi nhận, dù chương trình khảo cổ học triển khai bài bản, khoa học và có kết quả đáng kể thì việc bảo tồn, phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long vẫn tồn tại nhiều vấn đề nan giải đặt ra cho những nhà nghiên cứu, quản lý.

Đối với bảo tồn, việc tiếp tục tiến hành khai quật khảo cổ là điều nên và phải làm. Tuy nhiên, giữ gìn, phát huy kết quả khảo cổ những năm qua đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết song song với mở rộng khai quật. Bên cạnh đó còn có vấn đề về phục dựng những công trình vật thể và phi vật thể của Hoàng thành. Chuyện phục dựng, theo TS Nguyễn Viết Chức cũng “nan giải không kém”. Bởi lẽ phục dựng điện Kính Thiên đã được nghiên cứu, đề xuất nhiều năm nay nhưng vẫn vướng nhiều mặt chưa triển khai. Phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng cả chục năm nay, nhưng chưa thể bắt tay vào thử nghiệm.

TS Nguyễn Viết Chức đưa ra câu hỏi: Vậy thì cái gì cản trở quyết tâm của chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hoàng thành? Ông đồng thời khẳng định, cần “giải bài toán tối ưu”. Trong bảo tồn di sản ở bất cứ đâu, người ta cũng đều có mong muốn bảo tồn đầy đủ nhất, nguyên vẹn nhất giá trị vật thể cũng như phi vật thể của di sản. Tuy nhiên, thực tế khó có di sản nào có điều kiện để thực hiện việc bảo tồn như thế. Đối với Hoàng thành Thăng Long, việc đó càng khó khăn hơn nhiều nếu không muốn nói là có những điều “không thể”. Hiện tại, việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên đang được coi là ưu tiên số 1. Nhưng bài toán ở đây là, nếu phục dựng Kính Thiên thì phải “hy sinh” nhà “Con Rồng” - kiến trúc này xét về một góc độ nào đó cũng mang những giá trị di sản nhất định. Phục dựng Kính Thiên thì đồng nghĩa với việc khai thông đường Hoàng đạo từ Đoan Môn đến Kính Thiên. Điều đó có nghĩa phải “hy sinh” tiếp nhà “Cục tác chiến”, hoặc phải chuyển qua hướng khác.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số giải pháp như: Trước thực tế không thể bảo tồn nguyên trạng các giá trị vật thể trong Hoàng thành Thăng Long, vấn đề đặt ra là có chấp nhận bảo tồn theo phương pháp tối ưu, nghĩa là chấp nhận “nhượng bộ” hoặc “hy sinh” một vài giá trị để bảo tồn giá trị cốt lõi mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và có khả năng phát huy tốt hơn không? Cùng với đó, chương trình khảo cổ vẫn được xác định có ý nghĩa chiến lược, cần tiếp tục triển khai sâu rộng. Nguồn lực tài chính và nhân lực cần được tập trung lớn để tiến hành khai quật theo chương trình, mục đích, định hướng cụ thể, cùng với khảo cổ mở rộng là bảo tồn phát huy giá trị thông qua các kết quả đã đạt được. Quan trọng nữa là tập trung chỉ đạo, gắn trách nhiệm cá nhân và cơ quan chịu trách nhiệm khảo cổ với việc bàn giao theo luật định kết quả khảo cổ và chương trình bảo tồn các di chỉ khảo cổ.

Nghiên cứu giá trị di sản phi vật thể và vật thể là yêu cầu có tính lý luận và thực tiễn khách quan, vì thế, vấn đề đặt ra là cần có cơ quan chịu trách nhiệm. Bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?