Xác định rõ một phần kết cấu không gian Chính điện Kính Thiên Hoàng Thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 17/12, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm “Kinh đô Thăng Long Hà Nội từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới”. Tọa đàm một lần nữa nhận diện mặt bằng cấu trúc khu vực chính điện Kính Thiên, làm rõ hơn nữa những giá trị cốt lõi của khu di sản, phục vụ công tác bảo tồn, đồng thời đây cũng là nguồn tư liệu xác thực cho phép phục dựng điện Kính Thiên trong tương lai.

Thêm nhiều tư liệu về kiến trúc kinh đô cổ

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết, trải qua các cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 2002 đến nay, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long xuất lộ nhiều dấu tích nền móng cung điện.

Những phế tích kiến trúc này cho thấy, đây là những công trình được xây dựng thể hiện quyền uy của hoàng đế và triều đình với quy mô và nghệ thuật trang trí mang đậm dấu ấn, sắc thái văn hóa và hơi thở của mỗi triều đại. Thế nhưng, nguồn tư liệu về các công trình kiến trúc kinh đô Thăng Long qua các thời kỳ vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ.

PGS.TS Tống Trung Tín và GS.TS Đỗ Quang Hưng tại cuộc triển lãm các hình ảnh di vật Hoàng Thành Thăng Long

PGS.TS Tống Trung Tín và GS.TS Đỗ Quang Hưng tại cuộc triển lãm các hình ảnh di vật Hoàng Thành Thăng Long

Trong 10 năm, kể từ sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới (2011-2021), nhiều cuộc khai quật vẫn tiếp tục được thực hiện, đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm tư liệu khoa học quan trọng vào công cuộc nghiên cứu về kinh đô cổ; đặc biệt về diện mạo, quy mô các công trình kiến trúc.

Hiện tại, đã có thể xác định khá rõ một phần kết cấu không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng gồm Chính điện Kính Thiên - Ðoan Môn - Ðan Trì - Ngự Đạo được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra vào có chiều Ðông - Tây tính từ mép ngoài của tường bao đã xác định chính xác rộng 120m (thời Lê sơ), chiều Bắc - Nam tính từ Ðoan Môn có thể dài gấp đôi hoặc gấp ba chiều Ðông – Tây, nếu bao gồm cả không gian điện Cần Chánh. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng cho phép hiểu được cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên và không gian điện Cần Chánh.

Lần đầu tiên phát hiện mô hình nhà thời Lê sơ

Trong đợt khai quật năm 2021, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di vật- mô hình kiến trúc đất nung tráng men xanh. Nghiên cứu bước đầu cho thấy đó là các mảnh vỡ một tầng mái của mô hình đất nung nhiều tầng, nằm trong tầng văn hóa thời Lê Sơ (thế kỷ XV - XVI). Di vật đã bị vỡ mất hết tầng đế và tầng trên, phần còn lại may mắn gần đầy đủ một tầng mái. Mô hình được làm bằng đất sét mịn màu đỏ tươi, toàn bộ mặt ngoài được phủ men màu xanh đối với bộ mái và màu vàng đối với phần khung gỗ, mặt trong mô hình cũng được tráng men vàng.

Mô hình nhà được phát hiện tại tầng văn hóa thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI)

Mô hình nhà được phát hiện tại tầng văn hóa thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI)

PGS.TS Tống Trung Tín- Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ, tổng thể dấu tích mô hình còn lại cho thấy đây là một tầng mái của một kiến trúc nhiều tầng. Và dù đã bị vỡ và mất toàn bộ phần phía trên cùng phần phía dưới, nhưng phần còn lại cũng cung cấp khá nhiều chi tiết kiến trúc cụ thể giúp chúng ta hình dung phần nào hình thái và một số chi tiết cấu trúc mặt bằng, khung gỗ và bộ mái.

Toàn bộ phần khung gỗ được phủ men màu vàng sẫm, bao gồm từng cấu kiện riêng biệt như cột, xà, ván xà, đấu vuông thót đáy (đại đấu, tiểu đấu), củng, đầu dư đều được làm riêng từng bộ phận rồi gắn chắp lại bằng tăm tre. Dấu tích của “tăm tre” còn để lại trên đầu các cấu kiện kiến trúc là những lỗ “tăm tre” nhỏ và tròn.

Dù đã bị vỡ và mất toàn bộ phần phía trên cùng phần phía dưới, nhưng phần còn lại cũng cung cấp khá nhiều chi tiết kiến trúc cụ thể giúp hình dung phần nào hình thái và một số chi tiết cấu trúc mặt bằng, khung gỗ và bộ mái

Dù đã bị vỡ và mất toàn bộ phần phía trên cùng phần phía dưới, nhưng phần còn lại cũng cung cấp khá nhiều chi tiết kiến trúc cụ thể giúp hình dung phần nào hình thái và một số chi tiết cấu trúc mặt bằng, khung gỗ và bộ mái

Cách tạo hình và kỹ thuật gắn chắp như vậy làm cho việc thể hiện phần khung gỗ rất sinh động, có tỷ lệ và độ chính xác khá cao, hình dáng chân thực cho thấy người tạo tác mô hình rất am hiểu về kiến trúc đương thời. Ngói lợp có nhiều điểm tương đồng như hình dáng, trang trí diềm, so với các di vật ngói đã được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long.

Đây là lần đầu tiên phát hiện mô hình nhà thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI). Về tổng thể, các chi tiết ngói lợp, bộ khung, cấu trúc đấu củng thể hiện rất tỉ mỉ, công phu, các cấu kiện phần khu gỗ được làm riêng từng bộ phận rồi mới được lắp ghép nên mô hình có tỷ lệ cho thấy người tạo tác rất am hiểu về kiến trúc. Cũng do đó giá trị tư liệu mà di vật mang lại rất cao. Cho đến nay, đây là mô hình kiến trúc đất nung duy nhất thời Lê sơ. Vì vậy di vật này cho phép tìm hiểu đôi nét về kiến trúc thời Lê sơ cũng như kiến trúc Thăng Long.

Cơ hội để phc dng mt b khung g thi Lê sơ

Thời kỳ nào cũng có các kiến trúc mang đặc trưng riêng của thời kỳ đó. Mỗi thời kỳ kiến trúc đều có nhiều loại hình: kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, kiến trúc dân gian, kiến trúc lăng mộ... Điều đáng tiếc là trong lịch sử kiến trúc Việt Nam cổ truyền, kiến trúc thời Lê sơ bị hủy hoại thuộc loại nhiều nhất. Hiện không còn một kiến trúc tôn giáo cũng như kiến trúc dân gian nào thời Lê sơ tồn tại trên mặt đất.

PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra nhận định, kiến trúc lăng mộ có di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) khá hoành tráng nhưng các cuộc phục dựng trong thời gian qua gây nhiều tranh cãi bởi hiện nay không còn thấy dấu tích nền móng kiến trúc đâu nữa. Kiến trúc cung đình chỉ tìm thấy ở Thăng Long nhưng chủ yếu cũng chỉ còn một số nền móng ở dưới mặt đất. Số dấu tích đã xuất hiện đó, phần thì chưa xuất hiện hết phần thì chỉ còn lỗ mỗ một vài móng cột, vài mảng móng nền và một số vật liệu xây dựng (đất nung, đá, gỗ…). Do đó, hiểu biết sâu sắc và toàn diện về kiến trúc cung đình thời Lê sơ ở Thăng Long hiện nay cũng đang chỉ là dự đoán, giả định….

Về cơ bản, toàn bộ phần phần thượng tầng của kiến trúc đó là bộ mái, bộ khung, cách gá lắp và vị trí các hình tượng trang trí kiến trúc thời Lê Sơ đến hiện nay kết quả nghiên cứu nói chung là con số không tròn trĩnh. Một số cấu kiện gỗ thời Lê sơ mới phát hiện có giá trị lớn nhưng vẫn còn quá thiếu thốn để phục dựng một bộ khung gỗ thời kỳ này.

"Tất nhiên, trong nghiên cứu còn có một hướng tiếp cận khác nữa. Chẳng hạn như các hình vẽ may mắn còn lại trên đồ gốm men, gốm màu thời Lê sơ trong sưu tập đồ gốm khổng lồ của di tích Cù Lao Chàm (cuối thế kỷ XV)...."- PGS.TS Tống Trung Tín nói thêm.