Vở kịch “Dời đô” vẫn còn nhiều “sạn”

(ANTĐ) - Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của vua Lý Thái Tổ đã được lột tả qua vở kịch nói “Dời đô”, tác giả kịch bản văn học: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: NSND Lê Hùng. Nhà hát Kịch nói Quân đội đã hoà chung vào bản hùng ca chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Vở kịch “Dời đô” vẫn còn nhiều “sạn”

(ANTĐ) - Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của vua Lý Thái Tổ đã được lột tả qua vở kịch nói “Dời đô”, tác giả kịch bản văn học: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: NSND Lê Hùng. Nhà hát Kịch nói Quân đội đã hoà chung vào bản hùng ca chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hình ảnh của một vị vua anh minh đã được diễn viên Anh Huy hoá thân rất đạt
Hình ảnh của một vị vua anh minh đã được diễn viên Anh Huy hoá thân rất đạt

Kịch tính

Kịch tính đã được tạo ra ngay từ màn mở đầu của vở kịch về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn. Tiếng nhạc đã tạo ra hiệu ứng âm thanh làm cho người xem có cảm giác hồi hộp về đứa bé sắp ra đời. Tiếng van xin, tiếng kêu đau đớn của người mẹ dứt ruột sinh ra đứa con của mình tại một ngôi chùa, nơi mà các sư đang tụng kinh gõ mõ, điều chưa có tiền lệ trước đó đã ngay lập tức đã cuốn hút người xem.

Thế rồi, hình ảnh của một vị Lý Thái Tổ anh minh, oai hùng hiển hiện trước mắt khán giả. Diễn viên Anh Huy (vai Lý Công Uẩn) đã hoá thân rất trọn vẹn và lột tả được tinh thần của vai diễn. Cái khí khái của một bậc đế vương luôn trăn trở với những quyết sách để trăm họ được thái bình, đất nước được cường thịnh rất biểu cảm qua những hành động, lời nói đầy khẳng khái. Và xuyên suốt vở diễn, người xem có thể cảm nhận rất rõ tư tưởng trị quốc lấy dân làm gốc của đức vua. Và quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là đỉnh cao nhất của tư tưởng này.

Lãng mạn

Quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cuối cùng cũng đã được thực thi
Quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cuối cùng cũng đã được thực thi

Và một chút thơ mộng, lãng mạn đã được NSND Lê Hùng tạo ra để vở kịch trở nên nhẹ nhàng hơn khi đức vua gặp lại công chúa Phát Ngân trong một đêm trăng. Cảnh trí rất huyền ảo được tạo ra bởi khói, ánh sáng sân khấu làm cho cuộc gặp mặt này vừa mang tình riêng lại vừa mang tình chung khi quyết sách ý tưởng dời đô đã nhận được sự đồng thuận. Nhưng việc dời đô không đơn giản. Cả triều đại Tiền Lê đã tồn tại trước đó, ăn sâu bám rễ trên mảnh đất Hoa Lư. Việc dời đô dường như đi ngược lại với quan điểm của triều đại trước đó. Mà nhân vật trong vở kịch đại diện cho lực lượng phản đối là Vương gia đồng thời cũng là bố vợ của vua Lý Công Uẩn.

Nhưng quá lạm dụng

Theo lịch sử, Vương gia Đào Cam Mộc là một trong những vị quan đầu triều ủng hộ quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ và có công lớn trong việc giúp vua Lý Thái Tổ dời đô về Hoa Lư. Song có vẻ như đạo diễn đã hơi… quá tay khi đã để cho hình ảnh Đào Cam Mộc hiện lên sân khấu là một nhân vật thiếu thiện cảm, từ một công thần của nhà Lý, Vương gia Đào Cam Mộc trở thành một nhân vật ích kỷ khi chỉ nghĩ đến triều đại Tiền Lê mà quên đi lợi ích khi dời đô.

Trong vở kịch, Đào Cam Mộc đã tìm đến cái chết để phản đối quyết định dời đô là trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của một vị quan có công với nhà Lý. Hơn nữa, cha đẻ của vở kịch, nhà biên kịch Lê Duy Hạnh cho biết: “Theo nguyên tác, ông đã viết Đào Cam Mộc là người ủng hộ quyết định dời đô nhưng vì trong triều nội bộ quá phức tạp nên ông cảm thấy hoang mang chứ không phải phản đối”. Như vậy có nghĩa là vở diễn cần phải được sửa lại một số chi tiết để  phản ánh  hình ảnh của Đào Cam Mộc một cách chân thực và đúng với tinh thần của lịch sử để khán giả đặc biệt là thế hệ trẻ không hiểu sai về nhân vật có thật trong lịch sử Vương gia Đào Cam Mộc.

Và còn nữa những hạt sạn cũng được nhặt ra khi âm thanh của vở diễn bị lạm dụng nhiều tiết tấu dồn dập, hồi hộp trong khi tình tiết của vở diễn chưa căng thẳng đến mức như vậy. Nếu giảm tiết tấu âm thanh có lẽ khán giả sẽ cảm thấy vở diễn trở nên nhẹ nhõm hơn, và tinh thần của vở diễn cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy vậy, dưới bàn tay của đạo diễn, NSND Lê Hùng, vở diễn đã thoát khỏi cái bóng của vở cải lương đã từng dàn dựng trước mà mang một màu sắc hiện đại hơn. Vở diễn đã làm toát lên được tư tưởng lớn của vua Lý Công Uẩn khi quyết định dời đô mở ra một thời kỳ mới trên mảnh đất Thăng Long.

Phạm Thu Hương