Vợ chồng trẻ con: Mẹ chồng làm người hòa giải

ANTĐ - Có những chuyện khóc, cười ra nước mắt với những hành xử kiểu trẻ con của các cặp vợ chồng trẻ vẫn còn chưa đủ "vốn" để bước vào cuộc sống hôn nhân. Đôi khi, chỉ vì những lỗi nhỏ cũng lôi nhau ra sinh sự, đòi ly hôn... gây ra muôn vàn sự oái oăm, khiến người lớn phải đau đầu.

Một lần, trong chuyến công tác của mình, tôi được một chị là cán bộ hòa giải viên kể về câu chuyện người mẹ chồng trở thành "hòa giải viên" để giải tỏa những xung đột của một đôi vợ chồng tuổi teen, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện rất nhỏ nhặt trong ứng xử hằng ngày.

Đó là cặp vợ chồng vừa mới học hết cấp ba, cũng ở gần khu của chị. Mấy lần bà Hoa, mẹ của cậu con trai sang phàn nàn với chị về rắc rối của đôi vợ chồng son. Được chị tư vấn, bà mẹ trở thành người hòa giải những mâu thuẫn trong hôn nhân của hai con, khuyến khích con tham gia sinh hoạt các CLB về nâng cao kỹ năng sống và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc của hội phụ nữ.

Hồng (Hà Đông, HN) là con gái út nên từ bé, cô đã được bố mẹ và anh trai cưng chiều. Ngoài đi học, Hồng hầu như rất ít khi phải động tay đến việc nhà bởi đã có mẹ và giúp việc. Có lẽ vì thế, khi Hồng quyết định lấy chồng, cả nhà hết sức sửng sốt. Phần vì Hồng còn hồn nhiên, ham chơi, phần nữa cô vừa học hết lớp 12 và đang ôn thi đại học.

"Chúng con lỡ để có thai hơn 3 tháng rồi, không bỏ được" - Hồng thẳng thắn khiến bố mẹ cô càng sốc hơn nữa. Hai gia đình đành phải chấp thuận cho hai đứa thành vợ chồng nhưng trong lòng không khỏi lo lắng về cuộc sống mới của đôi trẻ.

Hồng và Thanh yêu nhau từ năm lớp 11. Hồi đi học, bạn bè đã thấy hai đứa quấn nhau như sam. Ban đầu, hai đứa ngồi ở hai góc lớp, nhưng đầu năm lớp 12, cả hai tự chuyển chỗ ngồi cạnh nhau. Có hôm, hai đứa rủ nhau đi đâu bỏ cả tiết học. Thi đại học, cả hai đều không đỗ. Chuyện hai con có tình cảm, bố mẹ đều biết và nhắc nhở hai đứa tập trung vào học tập. Thấy hai con quyết tâm thi lại 1 năm nữa, bố mẹ cũng tạo điều kiện hết sức, nhất là khi hai đứa đều học chung 1 khối. Thế nhưng chuyện hai đứa làm gì, đi đâu dẫn đến có thai, dở dang đường học hành thì không ai biết được.

Cưới xong, bụng của Hồng cứ lớn dần lên khiến cô bỏ ngang việc học hành, thi cử. Còn Thanh vẫn tiếp tục ôn thi nhưng áp lực kinh tế gia đình, trọng trách làm chồng, làm bố khiến cậu không thể toàn tâm toàn ý cho việc học. Đường học hành dang dở. Mọi việc tài chính đều phụ thuốc vào bố mẹ chồng. Chuyện vui buồn của cặp vợ chồng "non" này cũng nhiều khi khiến ông bà dở mếu, dở cười. Cô vợ vốn được chiều chuộng nên vụng về bếp núc, nấu cơm bữa mặn, bữa nhạt. Chồng nhăn mặt thì cô giận. Bà Hoa lại thay con dâu vào lo từng bữa cơm cho cả nhà, vừa dạy con dâu nấu nướng. Đã thế, Hồng còn hồn nhiên, ham chơi nên thường "nhường" việc cho mẹ chồng. Có hôm, mẹ chồng trở thành "hòa giải viên" cho những vụ gây gổ vì lý do không đâu của đôi trẻ.

Ảnh minh họa

Đang mang bầu, nàng dâu chẳng ý tứ, cứ đi huỳnh huỵch, chạy nhảy cầu thang ầm ầm. "Có lần, hai vợ chồng rủ nhau ra ngoài, cả nhà tưởng đi hóng gió, nào ngờ, chúng tụ tập bạn bè đi ăn ốc, uống rượu ở Hồ Tây. Bố mẹ biết được, nhắc nhở thì hai đứa chỉ cười xòa, hứa hẹn... lần sau sẽ sửa" - bà Hoa kể. Rồi những lần cãi nhau vì những lý do không đâu, như: giành nhau xem chương trình tivi, nhắn tin cho vợ mà... khô khốc, quên không báo khi đi về muộn, không giúp vợ việc nhà, ngủ dậy tị nạnh nhau gấp chăn màn...

Cô vợ trẻ tuổi dễ hờn, dễ giận, dễ khóc rồi lại cười tươi roi rói ngay sau đó. Anh chồng cũng chẳng thua. Đang tuổi ăn tuổi chơi, bỗng nhiên bị gò bó thời gian với vợ con khiến cho Thanh cảm thấy mệt mỏi, bức bí. "Cãi nhau toàn những chuyện không đâu, vợ chồng già chúng tôi phải hòa giải giúp. Có hôm, hai vợ chồng điếng người khi nghe cô con dâu tuyên bố: "Anh đi chơi đâu là việc của anh, nhưng em đi thì đừng có tỏ thái độ gì". Nó còn bụng mang dạ chửa mà có lần xách dép cao gót, mặc váy ngắn định đi bar, phải gọi chồng nó về nó mới chịu ngoan ngoãn ở nhà" - bà Hoa không giấu được tiếng thở dài.

Chồng một câu, vợ cũng cự nợ một câu, không ai chịu nhường ai. Thế là cãi cọ. Đến khi đứa trẻ ra đời, họ bỗng dừng thành bố mẹ. Con dâu chưa có kinh nghiệm, con trai lại vụng về, mọi lo toan, ganh vác cũng "nhờ vả" đền bàn tay mẹ chồng và bà thông gia. Thấy hai đứa hì hục chăm con mà hai ba mẹ vừa thấy thương vừa thấy tội. Đã thế, mỗi đứa đọc được một kiểu chăm con trên mạng, thế là bất đồng quan điểm, lại cãi nhau. Mẹ khuyên bảo, hướng dẫn thì cả hai đồng thanh nói là: quan niệm của bố mẹ cổ điển rồi không còn phù hợp.

"Đang ở dưới nhà thấy tiếng thằng bé khóc nhặt nghẽo, tôi chạy lên thì thấy con dâu đang ngủ. Chồng lay nó mãi không dậy đành tự thay tã lót cho con, vừa làm vừa cằn nhằn vợ. Cô vợ tủi thân khóc nức nở, bỏ ăn mấy ngay, thậm chí không cho con bú, để con cho chồng và mẹ chồng" - bà Hoa kể.

Thế rồi, không hiểu sao, một ngày, Hồng khóc lóc chạy xuống mách bà là Thanh có bồ nên bỏ bê vợ con. Hồng xâu chuỗi một loạt sự kiện: từ việc chồng thường xuyên về muộn, lần nào cũng cứ ôm khư khư điện thoại không cho vợ kiểm tra, đến việc có những biểu hiện lạ như ít quan tâm, chiều chuộng, tỏ thái độ dửng dưng với vợ con... Vừa dỗ con dâu, bà Hoa vừa nghĩ cách để hỏi chuyện con trai cho ra nhẽ. Thế mà ngay tối đó, hai đứa đã cãi vã, xung đột trên phòng. Đồ chơi trẻ con va vào nhau loảng xoảng. Cô vợ vơ quần áo, đòi ly hôn rồi bế con xin phép mẹ về nhà ngoại. Bà Hoa can mãi không được, đành gọi xe chở hai mẹ con về ngoại an toàn rồi nhờ bà thông gia giúp đỡ.

Đợi nguôi ngoai, bà Hoa hỏi con trai: "Có yêu vợ con không?". Con trai thành thật: "Con không yêu vợ, yêu con thì yêu ai? Nhưng vợ con cứ chỉ trích, giận hờn, ghen tuông bóng gió, con bực mình mới nói lại thì cô ấy đã khóc lóc, than thở". Hỏi đến con dâu thì con dâu cũng thút thít: "Không yêu thì con cưới anh ấy làm gì. Nhưng anh ấy không chịu hiểu con.... Bà Hoa phân tích mọi nhẽ cho hai con, rút ra kết luận: hai đứa phải học cách nhường nhịn, thấu hiểu nhau. Ai cũng nghĩ mình đúng nên mới xảy ra cơ sự.

Sau đợt đó, hai vợ chồng cũng ít cãi nhau hơn. Bà Hoa cũng động viên hai con tham gia các CLB của hội phụ nữ, tham gia các buổi sinh hoạt để có thêm kinh nghiệm và vốn kiến thức trong ứng xử vượt qua khủng hoảng hôn nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc. "Nhờ thế, vợ chồng nó đã bắt đầu hiểu ra và chín chắn hơn. Con trai cũng đi học nghề rồi có việc làm, còn con dâu cũng đang chuẩn bị học tại chức kế toán - bà Hòa thở phào.

Không phải mẹ chồng nào cũng có đủ kiên nhẫn để giải quyết những xung đột của vợ chồng con cái. Những khi con trẻ mâu thuẫn do thiếu kỹ năng, kiến thức, thay vì thiên vị con trai và tỏ ra khó chịu, chì chiết con dâu, sự giúp đỡ của bố mẹ sẽ định hướng, tạo điều kiện cho con cái xây đắp lâu dài hạnh phúc.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia tâm lý, việc chuẩn bị hành tráng để bước vào một cuộc sống hôn nhân của các bạn trẻ là rất quan trọng. Nếu không được chuẩn bị kỹ càng, thì các bạn trẻ rất dễ phải đối diện với những cuộc cãi vã, xung đột dẫn đến ly hôn. Bởi trong thực tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ khi kết hôn, họ vẫn chứa thoát khỏi vỏ bọc của suy nghĩ và thói quen tự do, phóng túng, cái tôi cá nhân, trong khi đó, cuộc sống gia đình đòi hỏi phải có những ứng xử khéo léo, tế nhị và kỹ năng riêng. Đối với những cặp vợ chồng trẻ, chuyện vặt vãnh như tính cách ham chơi, không chu toàn quán xuyến việc nhà, cái tôi còn quá lớn, luống cuống trong chăm sóc con cái... cũng khiến họ sinh sự.

Tất cả cứ tích tụ, dồn nén thành những khối mâu thuẫn kéo dài, cuốn riết khó hòa giải. Đó là chưa kể, họ kết hôn khi chưa chủ động về kinh tế. Những khó khăn trong việc quản lý tiền bạc, chi tiêu sinh hoạt gia đình cũng khiến cho mâu thuẫn nảy sinh nếu không có tiếng nói chung. Bốn trong số những kỹ năng cần học trước khi cưới đó là kỹ năng đối thoại, điều chỉnh cảm xúc cá nhân, giải quyết xung đột, thể hiện thái độ tích cực với nhau. Bên cạnh tình yêu, cuốc hôn nhân bền vững còn bắt nguồn từ sự chín chắn trong suy nghĩ thái độ hợp tác, tâm lý chuẩn bị sẵn sàng và nền tảng kinh tế ổn định.