Vô cảm
(ANTĐ) - Lẽ ra, tôi đã không dừng lại ở phòng xử đó bởi có một cuộc hẹn quan trọng với người bạn ở một vùng trời xa lắc vừa mới trở về. Nhưng, tôi đã dừng lại bên khung cửa và nhìn vào bên trong. Phiên tòa đang phần tranh luận. Vị luật sư trẻ trình bày quan điểm bào chữa của mình bằng một giọng vang, ấm và truyền cảm. Không như nhiều luật sư khác, anh hùng biện một cách rành mạch mà không cầm trên tay một bản tài liệu nào.
Sự logic từ những lập luận anh đưa ra khiến vị Hội thẩm và đại diện Viện kiểm sát hơn một lần nhíu mày. Phải say mê công việc lắm, phải tra cứu nhiều tài liệu lắm thì vụ án mới “ngấm” vào người đến thế. Sau này, tôi còn biết thêm, đó là luật sư chỉ định, nghĩa là người nhà bị cáo không mời và anh phải tham gia phiên tòa theo sự phân công của Đoàn Luật sư. Với những phiên tòa đó, người bào chữa chỉ được bồi dưỡng một khoản tiền ít ỏi, đủ để xăng xe và nước nôi cho một ngày làm việc.
Bị cáo còn quá trẻ, đến thời điểm phạm tội mới 17 tuổi 6 tháng 15 ngày. Nếu y vừa đủ 18 tuổi vào cái ngày gây ra tội ác tày đình ấy, chắc chắn y đã phải dựa cột và mọi sự bào chữa với y chỉ mang tính thủ tục. 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời ấy lẽ ra làm được bao điều tử tế cho gia đình và xã hội, nhưng rồi chính y đã tự chôn vùi trong trại giam, nhiều tháng, nhiều năm.
Khi tòa nghị án, vị luật sư bước ra ban công đốt thuốc. Tôi đứng bên cạnh và muốn hỏi anh đôi điều liên quan đến vụ án. Song, điều mà tôi nhớ nhất chính là khoảnh khắc anh nhớ về lần gặp gỡ bị cáo trong trại tạm giam. Bị cáo đã kể cho luật sư về những gì mình đã gây ra bằng một giọng trơn tru, đơn giản, kể cả lúc y thọc con dao nhọn hoắt vào bụng cô gái để trả thù cho cái sự “lăng nhăng” của cô.
Không hề có lấy một giọt nước mắt. Ngay cả khi luật sư nhắc y về người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra y. Dù vụ án đã qua mấy tháng nhưng mỗi lần nhắc lại, bà vẫn khóc lóc vật vã và ngất lên ngất xuống; Về đứa em gái y mới hơn 10 tuổi đầu, lúc nào cũng nhắc và mong anh về với nó.
Luật sư đã tham gia bào chữa bao nhiêu bị cáo rồi nhỉ, anh không thể nhớ hết, nhưng với vụ án này, anh sẽ còn nhớ mãi. Mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm, những người thân của mình, hầu như các bị cáo đều bật khóc. Họ muốn được an ủi, được sẻ chia cho vơi bớt nỗi cay đắng, tủi nhục, ê chề. Còn với bị cáo này, điều đó đã không xảy ra.
Vô cảm. Sự day dứt, ân hận đã không xảy ra bởi kẻ giết người hình như đã quá chai sạn trước những nỗi đau đồng loại, ghê sợ hơn, nỗi đau đó lại do chính bàn tay y gây ra.
Biết buồn và cảm nhận nỗi đau, đó cũng là một “đặc quyền” của con người. Thật bất hạnh cho những ai không có được “đặc quyền” đó!
Quang Dũng